Tan hoang mùa màng vì thuỷ điện nhỏ?
Cập nhật: 27/02/2020
VOV.VN - Hàng chục ngàn thanh niên các xã vùng biên giới phía Bắc phải bỏ bản đi sang Trung Quốc làm thuê liệu có phải do thủy điện nhỏ?
Trong bài "Vì đâu nhiều người dân Tây Bắc vượt biên sang Trung Quốc lao động "chui"?, phóng viên VOV đã đề cập thực trạng hoang hóa đất đai làm hàng chục ngàn thanh niên các xã vùng biên giới phía Bắc bỏ bản sang Trung Quốc làm thuê. Vậy đâu là nguyên nhân gây nên “Bản trắng”. Và chúng tôi đã mở một hướng điều tra “Liệu có phải do thủy điện nhỏ”.
Trong ký ức của tôi, hơn chục năm trước từ cung đường huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu) về huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái), dòng suối Nậm Kim nước chảy quanh năm tạo thành những con thác trắng xóa thơ mộng. Nhưng trong chuyến công tác từ Lai Châu về Yên Bái mới đây, nhìn dòng Nậm Kim khô khốc, trơ trọi tôi cảm thấy rất đau lòng.
Sản lượng điện từ thủy điện nhỏ mang lại không đáng là bao mà hậu quả lại rất khó lường. (Ảnh minh họa: KT) |
Dừng chân bên bên đường thấy một vị khách cũng đang thẫn thờ nhìn xuống dòng Nậm Kim: “Cách đây chục năm trước trên đường từ Than Uyên về đến Mù Cang Chải suối rất đẹp. Giờ đi qua suối không còn nước, không còn hình là suối, thành một suối chết, suối cạn”.
Vẻ đẹp của dòng Nậm Kim không còn như vị khách vừa chia sẻ là bởi từ địa phận xã Mường Kim (huyện Than Uyên) đến xã Khao Mang (huyện Mù Cang Chải) chưa đến 20 km mà đã có tới 6 nhà máy thủy điện nhỏ.
Cùng chung số phận như suối Nậm Kim là suối Bẹ, suối Sập ở hai huyện Bắc Yên và Phù Yên của tỉnh Sơn La. Anh Mùa A Làn (ở bản Bẹ, xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên) hoài niệm: “Suối Bẹ và suối Sập hợp lưu với nhau ở cuối địa phận bản chúng tôi ngày xưa nước rất trong xanh, nhiều thác nước đẹp, nhiều loại cá bơi thành đàn. Chỉ cần đứng bên bờ suối ném đá rồi nhảy xuống mò các hốc đá là bắt được cá. Bây giờ nhiều thủy điện, suối không còn nước nên các loài cá đã bị tiệt chủng”.
Cho đến tận bây giờ, Già làng Mùa A Súa (thuộc bản Bẹ, xã Tà Xùa) vẫn không quên trận xả lũ kinh hoàng bất ngờ cuối năm 2017 của Thuỷ điện Xuân Thiện (Tập đoàn Xuân Thành - Ninh Bình) đóng trên địa bàn. 80% đất canh tác của bản bị đất đá vùi lấp.
“Ruộng chưa hỏng hết, chỉ bị từng đoạn, từng khúc nhưng để lâu năm thì không thể gieo cấy được nữa. Có những khúc ruộng đổ nước vào thì nước bị ngấm xuống hết, có những chỗ tạo thành hố rộng bằng cái bếp”, Già làng Mùa A Súa nói.
Thuỷ điện về với Tà Xùa lợi cho xã chưa thấy nhưng thiệt hại cho đồng bào lại vô cùng lớn. Toàn xã chỉ có 522 hộ dân nhưng có trên 300 lao động bỏ bản đi làm thuê, hộ nghèo chiếm tới 30%. Bà Trịnh Thị Phượng, Trưởng phòng Tài chính huyện Bắc Mê, tỉnh Sơn La so sánh, tính đến tháng 7/2020 khi các nhà máy thủy điện nhỏ hoạt động, ngân sách huyện sẽ thu được khoảng 278 tỷ đồng trong 5 năm. Bình quân mỗi năm huyện thu được 55 tỷ đồng từ thuỷ điện. Nhưng, mỗi năm huyện phải cân đối cấp chi thường xuyên từ 350 đến 400 tỷ đồng, thuỷ điện chỉ góp 1/7 số chi thường xuyên này liệu có đáng so với những hệ luỵ tạo ra? Thực chất, thuỷ điện hiện nay chỉ mang lợi cho chính doanh nghiệp nên cần có một chính sách đặc thù, buộc doanh nghiệp cân đối lại kinh phí cho địa phương đang phải gánh những hậu quả mà các nhà máy thuỷ điện trên địa bàn gây ra.
Lai Châu được quy hoạch 71 công trình thuỷ điện nhỏ. Đến nay, đã có tới 20 công trình đi vào hoạt động. Các công trình còn lại đang mạnh ai, kẻ đó xây. Có công trình chưa được tỉnh cấp phép vẫn ngang nhiên xây dựng; có cả công trình đào hầm xuyên qua Quốc lộ, vi phạm nghiêm trọng hành lang, an toàn đường bộ; xâm hại rừng đặc dụng… không hề bị xử lý.
Ông Lò Văn Yên, cán bộ xã Mường Than chia sẻ, trước đây có đủ nước làm 2 vụ, thu gần 3.000 tấn lương thực, nay trồng 1 vụ cũng không xong. Dân đói nên phải bỏ bản đi.
“Trong bản Lằn thiếu nước trầm trọng, nếu có dịp ra cánh đồng bà con nằm ở đường hai bên nội đồng để trông nước, túc trực ở đấy trông nước qua cả đêm, không đi trông như thế thì không được, nước rất thiếu”, ông Lò Văn Yên cho hay.
Về quy hoạch, thực tế trên một dòng suối, thấy đoạn nào thuận lợi là các công ty, các doanh nghiệp thi nhau vào tranh giành để xây dựng nhà máy thủy điện. Chính vì thế, có những dòng suối có từ 3-5 nhà máy, thậm chí hơn chục nhà máy, thủy điện chồng thủy điện. Việc quy hoạch thủy điện nhỏ đáng lẽ phải đi trước, nhưng thực tế lại “lẽo đẽo” chạy theo nhu cầu của các doanh nghiệp. Thật là chuyện “cười ra nước mắt”.
Trong khi thủy điện nhỏ phát triển thiếu quy hoạch như một dịch bệnh đang hoành hành ở hầu hết các tỉnh miền núi Tây Bắc thì có những địa phương đã kiên quyết nói không với thủy điện nhỏ. Xã Quang Huy, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La là một ví dụ. Đã 6 năm nay, Công ty Thuỷ điện Việt Cường vẫn miệt mài về xã, huyện để thuyết phục cho xây dựng thuỷ điện nhỏ tại đầu nguồn suối Tấc thuộc bản Nà Xá. Và cũng tới 4 lần doanh nghiệp chủ động xin đối thoại cùng dân nhưng không thành. Chính quyền và dân quyết không cho doanh nghiệp xây thuỷ điện.
Theo ông Cầm Duy Khánh, Chủ tịch UBND xã Quang Huy, dòng suối Tấc hàng bao đời nay là cuộc sống, là văn hoá sinh hoạt của người Mông, người Mường và người Thái: “Người Thái ở vùng thấp chủ yếu dựa vào những con suối cung cấp nước để sản xuất nông nghiệp, dân tộc Mông ở vùng cao hơn thì ở các khe suối đầu nguồn suối cũng là sản xuất, cũng cần nước sinh hoạt. Hiện tại, ở thung lũng Phù Yên chỉ có mỗi suối Tấc cung cấp nguồn nước sinh hoạt, nguồn nước sản xuất”.
Cũng theo ông Cầm Duy Khánh, mới đây, khi tiếp xúc cử tri tại xã Quang Huy, huyện Phù Yên, bà Tòng Thị Phóng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội sau khi nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri đã nêu quan điểm dứt khoát rằng: Nếu không đủ điều kiện về đánh giá tác động môi trường thì kiên quyết không xây thủy điện nhỏ.
Ông Nguyễn Phương Tuấn, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội vừa có chuyến công tác giám sát tại Lào Cai đã có ý kiến: “Chúng ta chỉ phát triển thuỷ điện vừa và nhỏ ở mức độ nhất định. Khi triển khai dự án cần phải đánh giá tác động môi trường cẩn trọng, cụ thể không sẽ ảnh hưởng kéo dài hàng chục năm cho đồng bào”.
Thực thế lại khác xa với quan điểm của ĐBQH Nguyễn Phương Tuấn. Khi tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi luôn có câu hỏi đến các nhà quản lý có trách nhiệm địa phương về tài liệu đánh giá tác động của từng công trình thuỷ điện, nhưng đều nhận được câu trả lời không có hoặc công trình do Bộ Công Thương chỉ định?!
Chỉ tính riêng tỉnh Lai Châu, từ năm 2004 được quy hoạch 71 công trình thuỷ điện nhỏ, trong đó, 20 công trình đi vào hoạt động, chưa thống kê được sản lượng điện.
Tỉnh Lào Cai có 51 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ đã đi vào hoạt động chỉ cho được sản lượng hơn 800 MW.
Riêng huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La theo quy hoạch đến hết tháng 7 năm 2020 sẽ có 13 nhà máy thủy điện nhỏ đi vào hoạt động, dự kiến thu được 178 MW.
Như vậy, sản lượng điện từ thủy điện nhỏ mang lại không đáng là bao mà hậu quả lại rất khó lường.
Làm thế nào để các địa phương trên địa bàn Tây bBắc thoát khỏi nỗi lo về thuỷ điện? Mới đây, ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Theo đó, Bộ Công Thương cần có đánh giá đúng mức, minh bạch về lợi và hại của toàn bộ các công trình thủy điện nhỏ và vừa trên địa bàn Tây Bắc nói riêng và toàn quốc nói chung. Đây cũng là vấn đề Uỷ ban Dân tộc cùng các Bộ, ngành Trung ương cần ngồi lại bàn thảo với từng địa phương để rà soát lại các chính sách, từng bước tháo gỡ những khó khăn để đảm bảo đồng bào có cuộc sống ổn định ngay chính trên quê hương mình./.
Bài 1: Vì đâu nhiều người Tây Bắc vượt biên sang Trung Quốc lao động "chui"?
Phải quản lý chặt quy hoạch và vận hành thủy điện
Trên 460 thủy điện nhỏ bị loại khỏi quy hoạch
Từ khóa: quy hoạch thủy điện, thủy điện nhỏ, lao động chui, quy hoạch thủy điện nhỏ, Tây Bắc
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN