Tận dụng nền tảng thương mại điện tử giúp tăng lợi thế trong các FTA
Cập nhật: 23/04/2021
Hoa Tết đua nhau khoe sắc, người mua thưa vắng
Chứng khoán Việt chốt năm Giáp Thìn với sắc xanh lan tỏa thị trường
VOV.VN - Cùng những lợi thế do các FTA mang lại, việc hiểu rõ quy định về thương mại điện tử giúp các doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình xúc tiến thương mại và gia tăng kim ngạch xuất khẩu.
Khi nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu với việc tham gia hàng loạt FTA, nội dung về thương mại điện tử (TMĐT) cũng bắt đầu xuất hiện trong các FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia, như CPTPP, EVFTA, RCEP... điều này đòi hỏi các doanh nghiệp (DN), cơ quan quản lý cần hết sức lưu tâm khi thực hiện hoạt động thương mại.
Kênh xúc tiến thương mại hữu hiệu
Theo giới chuyên gia, quy định về TMĐT trong các FTA thế hệ mới đều bao hàm các nội dung, phạm vi, độ toàn diện cũng như những chế tài rất khác biệt. Tuy nhiên, các FTA có nội dung về TMĐT đều yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường mạng trước gian lận, lừa đảo trong TMĐT.
Đây là quy chế rất quan trọng, bởi DN hoạt động xuất nhập khẩu bình thường theo kênh truyền thống ra nước ngoài, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã là vấn đề phức tạp, nhưng với TMĐT đây lại còn là nội dung phức tạp hơn, với nhiều chế tài hơn còn cùng những yêu cầu liên quan đến vai trò của sàn TMĐT.
Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam (VINASME) nhận xét, tham gia các FTA, quá trình xúc tiến TMĐT chi phí chỉ bằng 1/10 so với cách làm trực tiếp nhưng hiệu quả mang lại lớn gấp nhiều lần.
Tuy nhiên, thực tế nhiều DN Việt chưa chú trọng với hình thức giao dịch thương mại này. Con số thống kê chỉ rõ, khoảng hơn 1.000 DN, cá nhân kinh doanh trong số hơn 700.000 DN đang hoạt động trên cả nước hiện nay, tham gia hình thức xuất khẩu qua các sàn TMĐT trên thế giới. Xuất khẩu qua các kênh online được coi là mảnh đất màu mỡ song phần lớn các DN hiện nay vẫn chưa thể khai phá.
“Nhiều sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như nhóm hàng nông sản, thủy sản, các sản phẩm thủ công nghiệp hoàn toàn có nhiều cơ hội bước chân ra thị trường thế giới bằng cách xúc tiến TMĐT. Nhưng đến thời điểm này mới chỉ có một số ít mặt hàng của Việt Nam được đưa lên sàn TMĐT xuyên biên giới như cá tra, hàng dệt may...”, ông Nam đánh giá.
Cùng với xu thế phát triển công nghệ trên thế giới, Việt Nam đã chứng kiến những cột mốc phát triển đột phá trong nền kinh tế số. Mặc dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng năm 2020 doanh số TMĐT Việt Nam, mô hình doanh nghiệp-người tiêu dùng (B2C) vẫn tăng trưởng 18%, đạt 11,8 tỉ USD, chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Mục tiêu phát triển TMĐT giai đoạn 2021-2025 dự kiến tăng 25%/năm, đạt 35 tỷ USD.
Trong năm 2020, TMĐT xuyên biên giới cũng trở thành một phương thức hữu hiệu để DN Việt Nam mở lối vào chuỗi cung ứng toàn cầu giảm thiểu rủi ro khi chuỗi cung ứng truyền thống đang bị đứt gãy, hoặc đình trệ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, để hàng hóa Việt Nam kết nối hiệu quả với thị trường toàn cầu, ngoài những giải pháp từ cơ quan quản lý thì mấu chốt là các DN phải thực sự vào cuộc, thích ứng với xu hướng.
Doanh nghiệp cần hiểu thông tin cùng những quy định
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, muốn tận dụng hiệu quả cơ hội từ các FTA với TMĐT, các DN cần nghiên cứu kỹ nội dung về TMĐT trong FTA; liên hệ chặt chẽ với đối tác nước ngoài, thông qua cơ quan quản lý của Việt Nam để truyền tải kịp thời những ý kiến phản biện hay những vướng mắc tới cơ quan quản lý nước ngoài về TMĐT.
Cụ thể theo ông Dương, nhìn từ góc độ các cam kết trong các FTA, điều quan trọng nhất là DN phải tìm hiểu thông tin liên quan đến TMĐT trong các FTA với những nội dung liên quan đến sản phẩm kinh doanh trên TMĐT như bảo hộ sở hữu trí tuệ, kiểm dịch động thực vật hay chứng nhận hợp chuẩn hợp quy và các hàng rào kỹ thuật…
“Sự tham gia, tham vấn các đối tác nước ngoài, các cơ quan quản lý nước ngoài về quy định TMĐT hoặc thông qua cơ quan quản lý của Việt Nam để truyền tải những ý kiến phản biện hay những vướng mắc của mình tới cơ quan quản lý nước ngoài về TMĐT cũng là yếu tố rất quan trọng. Các cơ quan quản lý của Việt Nam sẽ có những cơ sở thực tiễn để trao đổi với phía đối tác. Các DN cũng cần lưu ý là các cam kết cũng chỉ là điều kiện cần, tối thiểu, DN đáp ứng được các cam kết trong FTA không có nghĩa là DN đã đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn về TMĐT ở thị trường đối tác”, ông Dương chỉ rõ.
Theo ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), nhằm khai thác hiệu quả hiệp định EVFTA cũng như các FTA thế hệ mới khác, Chương trình hợp tác hỗ trợ DN khai thác EVFTA bằng nền tảng TMĐT thông qua Sàn TMĐT doanh nghiệp Việt Nam-EU (VEFTA) là đề án trọng điểm với quy mô quốc gia được thực hiện nhằm xây dựng sàn giao dịch giữa các DN.
Chương trình đã giúp hiện thực hóa “tuyến đường cao tốc quy mô lớn” để kết nối DN Việt với các đối tác thương mại quốc tế, đặc biệt các đối tác đến từ châu Âu. Bên cạnh đó, giúp các DN Việt Nam và EU cũng như các đối tác quốc tế khác có thể dễ dàng kết nối và thực hiện các hoạt động thương mại.
“Sàn đồng thời là cổng giúp xây dựng một hệ sinh thái số hoàn thiện thông qua các giải pháp số giúp cho DN thực hiện các hoạt động kết nối, thương mại thuận tiện trên một nền tảng duy nhất như thanh toán số, logistics, hóa đơn điện tử, chữ ký số...”, ông Hải nói./.
Từ khóa: thương mại điện tử, hiệp định thương mại tự do, lợi thế, xúc tiến thương mại, đàm phán kí kết, thương mại xuyên biên giới
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN