Tận dụng cơ hội mới để phục hồi kinh tế 2021 và bứt phá trong giai đoạn tới

Cập nhật: 20/01/2021

VOV.VN - Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương khẳng định, việc tận dụng được những cơ hội mới để phục hồi kinh tế năm 2021 và bứt phá có ý nghĩa quan trọng nhằm đạt mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025.

Phát biểu tại Hội thảo "Kinh tế Việt Nam trong trung hạn 2021-2025: Phục hồi và tăng tốc" diễn ra tại Hà Nội, hôm nay (20/1), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Trần Quốc Phương cho biết, như hầu hết các nước trên thế giới, nền kinh tế Việt Nam đã bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi Covid-19. Tăng trưởng GDP năm 2020 giảm còn 2,91% so với con số 6,5-7% được dự báo trước đại dịch.

Mặc dù vậy, những biện pháp kịp thời và hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 đã giúp Việt Nam giữ được ổn định kinh tế vĩ mô. Đây cũng là nền tảng cho quá trình phục hồi kinh tế trong năm 2021 và trung hạn 2021-2025. Bên cạnh đó, Covid-19 cũng hình thành hoặc đẩy nhanh nhiều xu hướng mới, định hình lại các dòng tài chính quốc tế, thương mại và đầu tư, đặc biệt là chuyển dịch chuỗi cung ứng, tạo ra nhiều thách thức và cả cơ hội phục hồi kinh tế trong dài hạn.

"Việc tận dụng được những cơ hội mới để phục hồi kinh tế năm 2021 và bứt phá trong giai đoạn 2021-2025 có ý nghĩa quan trọng nhằm đạt được các mục tiêu đã đặt ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2021-2025", Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định.

Các chuyên gia tại Hội thảo cho rằng, dịch Covid-19 đã mang đến những thách thức cho Việt Nam trong giai đoạn 5 năm 2021-2025, nhưng có nhiều xu hướng mới xuất hiện, định hình lại các dòng tài chính quốc tế, thương mại và đầu tư, đặc biệt là chuyển dịch chuỗi cung ứng.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá các yếu tố tác động và những điều chỉnh trong trung hạn 2021-2025, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế. Ở kịch bản cơ sở, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6,3%/năm trong giai đoạn 2021-2025. Kịch bản này diễn ra với giả định các nguy cơ về dịch Covid-19 vẫn thường trực, những giải pháp trợ giúp nền kinh tế của Chính phủ mang lại hiệu quả ở mức vừa phải trong khi bối cảnh quốc tế vẫn trong tình trạng rủi ro, bất ổn kéo dài; kinh tế và thương mại tăng trưởng chậm.

Trong kịch bản khả quan hơn, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 2021-2025 có thể đạt gần 6,8%/năm, nền kinh tế mặc dù có điều chỉnh giảm nhẹ sau mức tăng trưởng cao năm 2021, nhưng sau đó sẽ hồi phục ổn định.

Theo TS. Đặng Đức Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia, trên cơ sở đánh giá các yếu tố ảnh hưởng và dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam, nhiều khả năng sẽ đạt mức cao trở lại.

"Giai đoạn tới vẫn có những động lực, đặc biệt là từ việc thu hút đầu tư nước ngoài cũng như quá trình mà chúng ta có sự dịch chuyển chuỗi giá trị. Tuy nhiên, sau đại dịch Covid-19, chúng ta thấy rằng có những rủi ro và thách thức lớn, thứ nhất là yêu cầu cấp bách đổi mới mô hình tăng trưởng, duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trong giai đoạn tới. Thứ hai là kinh tế thế giới trở nên bất ổn sau đại dịch Covid-19, đặc biệt là các xu hướng về xung đột thương mại và bảo hộ thương mại trong giai đoạn tới", TS. Đặng Đức Anh nói.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, mục tiêu cần hướng tới là tập trung khắc phục hậu quả của dịch Covid-19, duy trì tăng trưởng, đẩy nhanh quá trình cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh.

"Việc tái cơ cấu doanh nghiệp, việc lấy thời cơ để tạo ra cơ hội kinh doanh phải rất nhanh. Như vậy, thì một thể chế phải thực sự được tạo ra một sự năng động và xử lý hiệu quả của doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Ngoài các chính sách tài chính thì cải cách thể chế để tạo ra khu vực doanh nghiệp năng động và có cơ hội để tái cơ cấu thể thể là vô cùng quan trọng", ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh./.

Từ khóa: tăng trưởng kinh tế, phục hồi kinh tế, kinh tế Việt Nam 2021, CIEM, Bộ KHĐT, dự báo tăng trưởng 2021

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập