Tấn công căn cứ Mỹ: Động thái ngoại giao khôn khéo của Iran?

Cập nhật: 09/01/2020

VOV.VN - Bình luận viên Nic Robertson của CNN cho rằng, cuộc tấn công của Iran là động thái ngoại giao khôn khéo, trước hết nằm ở cách thức lựa chọn mục tiêu.

Động thái ngoại giao khôn khéo

Nếu Tehran muốn tiêu diệt nhiều binh sỹ Mỹ tại Iraq thì sẽ có rất nhiều căn cứ dễ dàng hơn để nước này tấn công. Al-Asad là một căn cứ rộng lớn và xa xôi, khu vực này có nhiều vùng đất chết nằm cách xa các boong ke của quân đội, vì thế sẽ ít dẫn đến nguy cơ sát thương ngoài ý muốn.

Hơn nữa, các chỉ huy quân đội của Iraq đã được Iran cảnh báo tranh xa các căn cứ của Mỹ, trong khi đó giới chức Mỹ cũng xác nhận quân đội của họ nhận được cảnh báo đầy đủ để tránh khỏi cuộc tấn công. Tiếp đến là thời điểm tấn công, Iran biết rằng quân đội Mỹ thường ngủ vào thời điểm sáng sớm. Vì thế việc chọn thời điểm tấn công sẽ giúp giảm thiểu thương vong vì sẽ có ít binh sỹ tham gia việc canh gác quanh căn cứ.

tan cong can cu my: dong thai ngoai giao khon kheo cua iran? hinh 1
Lãnh đạo Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei tại cuộc họp ngày 8/1 phát biểu về vụ tấn công của Iran nhắm vào căn cứ Mỹ ở Iraq. Ảnh:Văn phòng Lãnh đạo Tối cao Iran.

Với những bước đi nói trên, Iran đang gây ấn tượng về một cuộc tấn công trong khi nó không thực sự dẫn đến nguy cơ leo thang căng thẳng. Đến thời điểm hiện tại, chiến lược của Iran đã phát huy hiệu quả. Ngay sau khi tên lửa đạn đạo bị nã vào các căn cứ của Mỹ, Tổng thống Trump đăng tải dòng Tweet nói rằng “tất cả đều ổn”.

Có một thông điệp dành cho cộng đồng quốc tế và một thông điệp khác dành cho những người dân Iran đổ xuống đường để tham dự tang lễ của Tướng Soleimani. Ngoại trưởng Iran Javad Zarif gọi cuộc tấn công là “sự đáp trả tương xứng”, trong khi Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei nói với người dân rằng đây là “một đòn chí mạng”. Một số quan chức Iran khác phụ trách vấn đề quốc tế cho rằng không cần thực hiện thêm các cuộc tấn công nếu Mỹ không khiến tình hình leo thang. Trong khi đó một số cơ quan báo chí của Iran tăng cường tuyên truyền rằng đã có rất nhiều binh sỹ Mỹ bị thiệt mạng. Một số nguồn tin thì cho biết không có binh sỹ nào bị thiệt mạng.

Hiện Mỹ đang đánh giá thiệt hại sau các cuộc không kích của Iran. Tuy nhiên có nhiều dấu hiệu cho thấy không có sự leo thang các cuộc xung đột quân sự ở thời điểm này. Rất khó để nói biện pháp ngoại giao đã phát huy tác dụng như thế nào. Theo một cách nào đó, tình hình dường như đã trở về thời điểm trước khi Tướng Soleimani bị sát hại.

Sau tất cả những lập luận nói trên, có thể thấy rằng, cuộc tấn công ngày 8/1 gửi đi thông điệp rằng Iran sẽ bước qua giới hạn đỏ của Mỹ và sẵn sàng tham gia một cuộc chiến tranh trực diện, nhưng họ không muốn giết hại bất cứ ai.

Điều gì khiến Iran lựa chọn tấn công có chừng mực?

Cây bút Nick Paton Walsh của CNN cho rằng, dù ý đồ của Iran thường khó đoán nhưng các thông tin đang dần được hé lộ. Trong trường hợp này có 3 cách giải thích hợp lý nhất đối với hành động của Iran.

Trước hết, lãnh tụ tối cao của Iran Khamenei có thể đã đánh giá quá cao năng lực của quân đội cũng như hiệu quả của các cuộc tấn công nhưng sau đó cuộc tấn công lại thất bại. Tuy nhiên tính toán sai lầm như vậy là điều hết sức ngạc nhiên với sự tham gia và kiến thức của ông về các vấn đề quân sự của Iran.

Thứ hai, có thể phe ôn hòa tại Iran đã thắng thế, vì vậy việc tấn công chỉ dừng lại ở chừng mực nhất định với việc tấn công các mục tiêu quân sự của Mỹ vào thời điểm sáng sớm tinh mơ bằng một số lượng nhỏ tên lửa. Điều này khiến cả hai bên đều có đường lui. Cách lý giải này tương đối logic khi xét trong bối cảnh cả Tehran và Washington đều không muốn xảy ra một cuộc chiến kéo dài.

Thứ 3, có thể Iran đang cố gắng đánh lừa để Mỹ hiểu lầm rằng quân đội nước này rất yếu kém và đã thực hiện hết khả năng nhưng chỉ đạt kết quả như vậy. Trong khi đó, ở phía sau Iran có thể đang lập kế hoạch trả đũa ác liệt hơn. Khả năng này đòi hỏi rất nhiều cuộc thảo luận chiến lược trong một chính phủ Iran đang bị chia rẽ bởi phe ôn hòa và phe cứng rắn, yêu cầu Iran phải chắc chắn rằng không một binh sỹ Mỹ nào bị thương trong các cuộc tấn công bằng tên lửa. Có lẽ đây là lý do để Iran cho phép rò rỉ cảnh báo trước tới Mỹ./.

Từ khóa: Iran tấn công căn cứ Mỹ, đòn thù, động thái ngoại giao, Mỹ, Iran

Thể loại: Thế giới

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập