Tân Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường nói về sắp xếp cán bộ

Cập nhật: 18 giờ trước

VOV.VN - Theo Tân Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy, sẽ khuyến khích các đơn vị sự nghiệp về kinh tế chuyển sang cơ chế tự chủ, có thể thành lập doanh nghiệp, tổ chức sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung theo nguyên tắc tinh gọn, không trùng lắp chức năng, nhiệm vụ...

Ông Đỗ Đức Duy - Tân Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường chia sẻ: "Việc thành lập Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trên cơ sở hợp nhất hai Bộ Tài nguyên và Môi trường – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là bước đi quan trọng trong việc thực hiện chiến lược cải cách hành chính, hướng tới bộ máy nhà nước tinh gọn và mạnh mẽ. Đây là niềm vui lớn, niềm vinh dự và tự hào của ngành Nông nghiệp và Môi trường chúng ta. Việc hợp nhất này không đơn giản là sự thay đổi về cơ cấu tổ chức mà còn là cơ hội để tái cấu trúc và nâng cao hiệu quả công việc của cả hai Bộ. Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ có một cơ chế quản lý mạnh mẽ hơn, giúp giải quyết các vấn đề môi trường trong phát triển nông nghiệp, từ bảo vệ tài nguyên đất, nước cho đến kiểm soát ô nhiễm và phát triển bền vững trong ngành nông nghiệp".

Theo Tân Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường, một trong những điểm quan trọng trong việc hợp nhất này là việc tổ chức lại bộ máy hành chính, bao gồm việc rà soát các đơn vị trực thuộc, đồng thời tối ưu hóa các quy trình làm việc để tiết kiệm nguồn lực và nâng cao hiệu quả công việc. Việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, nhạy cảm và phức tạp. Nó yêu cầu sự đồng thuận cao giữa các cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động, đồng thời phải có sự hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của ngành và đất nước. Chính vì vậy, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị cần đặc biệt chú trọng đến công tác chính trị, tư tưởng, nâng cao trách nhiệm và nêu gương của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Quá trình này cần sự đoàn kết, thống nhất và quyết tâm cao của cán bộ, công chức, viên chức hai Bộ, bởi công việc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi cán bộ trong từng đơn vị.

Một trong những nội dung quan trọng trong Đề án hợp nhất được Bộ trưởng nêu là công tác sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập. Bộ Nông nghiệp và Môi trường, với đặc thù là một trong những Bộ có số lượng đơn vị sự nghiệp rất lớn, sẽ phải tổ chức lại các đơn vị này theo một mô hình tinh gọn và hiệu quả hơn.

Theo Bộ trưởng, mỗi lĩnh vực quản lý nhà nước lớn như đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước, trồng trọt, bảo vệ thực vật, chăn nuôi và thú y sẽ có ba loại đơn vị sự nghiệp: Đơn vị nghiên cứu khoa học (các viện nghiên cứu), đơn vị đào tạo nhân lực (trường đại học, học viện, trường cao đẳng) và đơn vị sự nghiệp kinh tế (các trung tâm dịch vụ công). Các đơn vị này cần phải hoạt động theo nguyên tắc tinh gọn, không trùng lắp chức năng và nhiệm vụ. 

Với đơn vị sự nghiệp kinh tế, Bộ trưởng cho biết, sẽ khuyến khích các đơn vị này tự chủ tài chính, ít nhất là tự chủ về chi thường xuyên. Mục tiêu là giảm thiểu sự phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, đồng thời tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng giữa các đơn vị công lập và doanh nghiệp ngoài nhà nước. Những đơn vị có khả năng tự chủ hoàn toàn có thể chuyển đổi thành các doanh nghiệp, ví dụ như mô hình công ty cổ phần.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy yêu cầu Vụ Tổ chức cán bộ khẩn trương xây dựng kế hoạch và trình Bộ trưởng quyết định phân công công tác đối với lãnh đạo bộ, xây dựng các tiêu chí và hướng dẫn về sắp xếp cán bộ lãnh đạo, quản lý các đơn vị thuộc Bộ. Tất cả các phương án phải được hoàn thiện và trình phê duyệt trước ngày 1/3/2025.

Tư lệnh ngành Nông nghiệp và Môi trường nêu ra 3 phương án sắp xếp với cán bộ lãnh đạo cấp trưởng gồm giữ nguyên chức vụ hiện tại sau khi hợp nhất, điều động sang đơn vị khác nếu phù hợp hơn với năng lực và yêu cầu công tác, hoặc chuyển sang làm cấp phó của đơn vị mới sau khi hợp nhất. Các phương án đều được thiết kế để đảm bảo công bằng và hiệu quả, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho những người có nguyện vọng tiếp tục đóng góp hoặc phát triển sự nghiệp tại các vị trí mới.

"Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ sẽ tiếp tục theo dõi và điều chỉnh phương án sắp xếp cán bộ, đảm bảo tính công khai, minh bạch và phù hợp với năng lực, sở trường của từng cán bộ. Mọi quyết định cuối cùng sẽ được thông qua bởi Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ, theo các tiêu chí và yêu cầu công tác của Bộ. Chỉ còn 10 ngày nữa sẽ chính thức chuyển tiếp từ mô hình cũ sang mô hình mới - Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Vì vậy, ông đề nghị các cơ quan, đơn vị của 2 bộ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xử lý kịp thời các công việc để Bộ Nông nghiệp và Môi trường chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/3. Trong quá trình xây dựng đề án hợp nhất 2 bộ, đến nay Bộ Tài nguyên và Môi trường có 300 người (120 người đã có đơn xin nghỉ công tác, hưởng chế độ theo Nghị định số 178) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 148 người bày tỏ nguyện vọng xin được nghỉ công tác. Nhiệm vụ sắp xếp, tinh gọn là rất khó khăn, phức tạp, tác động đến mỗi con người, vì vậy chúng ta cần phải đoàn kết, sẵn sàng hi sinh nhiệm vụ của cá nhân để phục vụ cho lợi ích chung", Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường có 30 đầu mối

Trước đó, chiều 19/2, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan (nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chia sẻ tại Hội nghị Triển khai Đề án thành lập Bộ Nông nghiệp và Môi trường: "Ngành nông nghiệp và ngành môi trường như một của hai, hai trong một và còn quá nhiều dư địa để phát triển. Theo ông, nếu chúng ta không bảo vệ môi trường, không giữ gìn tài nguyên, thì chính nền nông nghiệp của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên".

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nông nghiệp không chỉ là một ngành phụ thuộc vào môi trường, mà nếu biết cách, chính nông nghiệp có thể trở thành giải pháp để bảo vệ môi trường. Nếu chúng ta biết giới hạn, biết tôn trọng tự nhiên, thì nông nghiệp không những không phá hủy môi trường mà còn giúp khôi phục lại những gì đã mất.

"Chúng ta không thể chọn giữa nông nghiệp phát triển hay bảo vệ môi trường, vì đó không phải là hai lựa chọn tách biệt. Chúng ta cần tìm cách để cả hai cùng tồn tại, bổ trợ lẫn nhau. Ngành nông nghiệp cần thay đổi từ tư duy tận dụng tài nguyên sang tư duy hài hòa với thiên nhiên. Chúng ta cần chuyển đổi sang nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ứng dụng công nghệ sinh học, canh tác hữu cơ, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Thay đổi cách tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, nơi giá trị không chỉ nằm ở sản phẩm mà còn ở hệ sinh thái bền vững", Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan chia sẻ thêm.

Theo dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường đang diễn ra, cơ cấu bộ máy tổ chức của Bộ gồm 30 đầu mối.

26 đơn vị hành chính giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước gồm Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Pháp chế, Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, Cục Chuyển đổi số, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Cục Chăn nuôi và Thú y, Cục Thủy sản và Kiểm ngư, Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm, Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Cục Quản lý đất đai, Cục Quản lý tài nguyên nước, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Cục Môi trường, Cục Biến đổi khí hậu, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Cục Khí tượng Thủy văn, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam, Cục Viễn thám quốc gia.

Trong đó quy định cụ thể, Vụ Kế hoạch - Tài chính có 03 phòng, Vụ Tổ chức cán bộ có 03 phòng. Bốn đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc bộ gồm Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường, Báo Nông nghiệp và Môi trường, Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường, Trung tâm Khuyến nông quốc gia.

Theo dự thảo Nghị định, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc Bộ, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập khác trực thuộc Bộ theo quy định.

Dự thảo nghị định cũng nêu các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định tại Nghị định số 68/2022/NĐ-CP và các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định tại Nghị định số 105/2022/NĐ-CP tiếp tục hoạt động theo quy định hiện hành cho đến khi cơ quan có thẩm quyền hoàn thành việc hợp nhất tổ chức và ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị theo quy định.

Sau khi hợp nhất, Bộ Nông nghiệp và Môi trường là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực nông nghiệp; lâm nghiệp; diêm nghiệp; thủy sản; thủy lợi; phòng chống thiên tai; phát triển nông thôn; đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản, địa chất; môi trường; khí tượng thủy văn; biến đổi khí hậu; đo đạc và bản đồ; quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; viễn thám; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ. Nghị định cũng nêu rõ 45 nhóm nhiệm vụ được giao cho Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường được thành lập trên cơ sở hợp nhất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Cũng tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, ngày 18/2, Quốc hội đã bầu ông Lê Minh Hoan – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội (nhiệm kỳ 2021- 2026).

Tiếp đó, Quốc hội cũng đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Đỗ Đức Duy giữ chức Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Cùng ngày, Chủ tịch nước Lương Cường đã trao quyết định bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường đối với ông Đỗ Đức Duy (quyết định bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/3).Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vừa ký ban hành Nghị quyết số 1533/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tăng thêm số lượng Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tăng thêm 05 Thứ trưởng để tổng số Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường là không quá 10 Thứ trưởng nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác bố trí, sắp xếp cán bộ khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy nhà nước. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành (ngày 18/2/2025).

 

Từ khóa: Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, sắp xếp cán bộ, tinh gọn bộ máy

Thể loại: Xã hội

Tác giả: văn ngân/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập