Tầm soát ung thư phổi, nên lựa chọn phương pháp nào?

Cập nhật: 08/05/2021

[VOV2] -Tầm soát ung thư phổi đóng vai trò rất quan trọng phát hiện sớm căn bệnh này. Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp là phương pháp hữu hiệu trong sàng lọc ung thư phổi với người có nguy cơ cao.

TS – BS Lê Hoàn – Phó Trưởng khoa Nội tiết – Hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, qua nhiều năm làm việc trong chuyên khoa hô hấp và từng làm rất nhiều nghiên cứu về ung thư phổi, ông nhận thấy khoảng 60 – 70% bệnh nhân ung thư phổi được phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn. Khi đó, khối u đã lớn và xân lấn ra các tổ chức xung quanh khiến cho việc điều trị khó khăn, hiệu quả thấp. Ngay cả ở những quốc gia phát triển như ở châu Âu, Hoa Kỳ, tình trạng người bệnh nhập viện muộn cũng khá thường gặp. Nguyên nhân là do  bệnh ung thư phổi thường ít triệu chứng hoặc triệu chứng không đặc hiệu ở giai đoạn sớm nên người bệnh thường dễ bỏ qua. Ví dụ: đa phần người hút thuốc đều có triệu chứng ho mạn tính, do đó khi bị ho kéo dài, khạc đờm, người bệnh thường bỏ qua, không đi khám bệnh. Chỉ đến khi xuất hiện các biểu hiện như ho kéo dài kèm theo khạc đờm dây máu thâm, tức ngực, cảm giác khó thở hoặc toàn thân mệt mỏi, ăn kém, gầy sút cân bệnh nhân mới đi khám và phát hiện ra bệnh. Một số trường hợp phát hiện sớm là do đi khám sức khỏe định kỳ hoặc một bệnh lý khác và tình cờ phát hiện ra.

Với ung thư  nói chung và ung thư phổi nói riêng, việc phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm giúp điều trị hiệu quả hơn với các phương pháp điều trị triệt căn đồng nghĩa là tiên lượng sống tốt hơn . Theo quan niệm kinh điển, thời gian sống thêm >5 năm được xem là điều trị khỏi ung thư. Nếu ung thư phổi được phát hiện ở giai đoạn I, có đến 60-90% BN sống được trên 5 năm. Nếu bệnh phát hiện ở giai đoạn muộn, thời gian sống thêm thường không quá 1 năm.  

Tầm soát ung thư phổi là những phương pháp giúp có thể phát hiện được bệnh ở giai đoạn sớm, khi chưa có hoặc chưa rõ các dấu hiệu lâm sàng. Thậm chí với những công nghệ tiên tiến hiện nay, người ta có thể phát hiện những dấu ấn của ung thư phổi ngay cả khi khối u còn chưa xuất hiện. Tuy nhiên các kỹ thuật này còn đang trong quá trình nghiên cứu rộng hơn trước khi đưa vào khuyến cáo rộng rãi.

Theo TS– BS Lê Hoàn, một số phương pháp đang được áp dụng tầm soát phát hiện sớm ung thư phổi là:

+ Chụp x-quang phổi và xét nghiệm tế bào học đờm: Tuy nhiên các phương pháp này thường có độ nhạy rất thấp, tức là dễ bỏ sót những tổn thương nhỏ, nên không giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.

+ Xét nghiệm máu tìm dấu ấn ung thư kinh điển (như các chất chỉ điểm NSE, Cyfra 21-1, SCC). Tuy nhiên qua nhiều nghiên cứu cho thấy, xét nghiệm máu không có giá trị trong việc tầm soát ung thư phổi.

+ Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp: Đây là phương pháp được khuyến cáo sử dụng rộng rãi  nhằm sàng lọc, phát hiện sớm ung thư phổi. Phương pháp này với phần mềm vi tính hỗ trợ diễn giải hình ảnh chụp chính xác và giảm chi phí. Liều chụp được đặt ở mức 2mSv (so với liều chuẩn 7mSv), giảm nguy cơ tiếp xúc tia xạ so với chụp cắt lớp vi tính ngực thông thường. Phương pháp này giúp phát hiện được những thay đổi nhỏ nhất của phổi. Kết quả hình ảnh của phương pháp chụp CT có thể xác định chính xác hơn vị trí khối u, kích thước và đánh giá được mức độ xâm lấn của khối u. Các dữ liệu nghiên cứu gần đây cho thấy, với những bệnh nhân có nguy cơ cao bị ung thư phổi, việc tiến hành sàng lọc chẩn đoán sớm ung thư bằng chụp cắt lớp với liều xạ thấp hàng năm tăng được thêm 20% số trường hợp ung thư phổi được phát hiện khi so với chụp x-quang phổi thông thường. Chính nhờ những lợi ích rõ rệt như vậy, do đó, nhiều khuyến cáo hiện nay đưa chụp cắt lớp vi tính ngực liều xạ thấp, tiến hành hàng năm là phương pháp tốt để sàng lọc, phát hiện ung thư phổi sớm.

Trong tương lai, các dấu ấn sinh học phân tử hay sử dụng trí tuệ nhân tạo cũng sẽ là phương pháp sàng lọc ung thư phổi vô cùng hữu hiệu, giúp phát hiện bệnh rất sớm  ngay từ khi mới có sự biến đổi bất thường của tế bào.

Tuy nhiên, các dấu hiệu lâm sàng cũng như hình ảnh tổn thương trên phim x-quang, phim cắt lớp vi tính lồng ngực chỉ có giá trị gợi ý hướng tới việc người bệnh có mắc bệnh ung thư phổi hay không chứ không có giá trị đặc hiệu chẩn đoán xác định. Do vậy để kết luận người bệnh có bị ung thư phổi hay không phải được làm thêm một số xét nghiệm chuyên sâu hơn như nội soi phế quản sinh thiết, sinh thiết u xuyên thành ngực.

 Về nhóm đối tượng cụ thể nên thực hiện sàng lọc, tầm soát ung thư phổi, TS – BS Lê Hoàn khuyến cáo: những người từ 50 tuổi trở lên, tiền sử hút thuốc là từ 20 bao/năm, kết hợp thêm một số yếu tố nguy cơ cao như tiền sử phơi nhiễm, tiếp xúc khói bụi, sống trong môi trường nhiễm xạ...nên thực hiện mỗi năm một lần.

Từ khóa: ung thư phổi, tầm soát, sàng lọc, phát hiện sớm, chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp

Thể loại: Đời sống

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập