Tầm quan trọng của AI trong cải thiện hiệu suất dịch vụ công

Cập nhật: 16/09/2024

VOV.VN - Ngày 13/9, tại Trung tâm Đào tạo, Bồi dưỡng Kiến thức Ngoại giao và Ngoại ngữ (CEFALT) - Sở Ngoại vụ TP.HCM, lớp học chuyên đề “Ứng dụng Trí thông minh nhân tạo (AI) trong dịch vụ hành chính công” được tổ chức. Tham gia có lãnh đạo và cán bộ quản lý từ nhiều sở, ban, ngành của Thành phố.

Khai mạc lớp học, ông Trần Xuân Thủy, Phó Giám đốc Sở Ngoại Vụ TP.HCM cho biết: Ứng dụng AI trong dịch vụ hành chính công là cần thiết để đáp ứng kỳ vọng của người dân và nâng cao hiệu quả quản lý tại TP. Hồ Chí Minh.

Theo đó hiện nay, có rất nhiều lợi ích của việc ứng dụng AI trong dịch vụ hành chính công như tự động hóa quy trình, tăng cường minh bạch, cải thiện hiệu quả quản lý, phân tích dữ liệu, đưa ra quyết định chính xác và nhanh chóng. Với những thuận lợi này, AI được kỳ vọng sẽ có thể tạo thêm khoảng 15,7 ngàn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu và khoảng 23 tỷ USD cho nền kinh tế Việt Nam vào năm 2030.

Tiến sĩ Ali Al-Dulaimi, giảng viên cao cấp, Trưởng bộ môn Máy tính và Công nghệ đổi mới – Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) đưa ra ví dụ về những quốc gia áp dụng thành công AI trong dịch vụ hành chính công, mang lại kết quả ấn tượng.

Cụ thể, Cơ quan Thuế và Hải quan Anh đã nâng tỷ lệ phát hiện gian lận từ 15% lên 25%, rút ngắn thời gian kiểm tra 50% trong năm 2020-2021 nhờ ứng dụng AI; độ chính xác trong phát hiện gian lận tăng từ 70% lên 90%.

Chính phủ điện tử của Estonia đã ứng dụng AI để cung cấp dịch vụ số, giúp 80% dịch vụ công có sẵn trực tuyến, hơn 99% công dân sở hữu thẻ căn cước số. Khai thuế chỉ mất 5 phút, tiết kiệm 2 tỷ Euro mỗi năm. Tỷ lệ cử tri bỏ phiếu điện tử đạt 44% vào năm 2019. Chính phủ Estonia đã loại bỏ hoàn toàn giấy tờ trong các thủ tục hành chính

Sáng kiến Quốc gia Thông minh của Singapore ứng dụng AI trong quy hoạch đô thị và an ninh công cộng, dự kiến đóng góp 25 tỷ đô la vào nền kinh tế vào năm 2025, tăng trưởng GDP 1,5% mỗi năm. AI giúp giảm tắc nghẽn giao thông 30%, tăng gấp đôi số lượng tư vấn y tế từ xa và 95% công dân nhận thức về sáng kiến này.

Tham gia lớp học, ông Lê Quang Sỹ, công tác Sở Thông tin Và Truyền thông TP.HCM cho rằng: “Việc ứng dụng AI vào bộ máy quản lý là không mới, các doanh nghiệp từ lâu đã triển khai hoạt động này. Từ những lợi ích của AI, hy vọng có thể ứng dụng và đồng bộ AI trong toàn thể bộ máy quản lý, dịch vụ công, cũng như triển khai sang các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục, từ đó nâng cao năng suất và phát triển nền kinh tế trên địa bàn TP.HCM nói riêng và cả nước.”

Thông qua chương trình đào tạo được kỳ vọng sẽ trang bị kiến thức và kỹ năng về AI cho các cấp lãnh đạo, quản lý và cán bộ công chức, hiểu rõ tiềm năng và thách thức của công nghệ này, đồng thời rèn luyện kỹ năng ứng dụng AI vào thực tiễn công việc. Bên cạnh đó, chương trình khuyến khích tư duy đổi mới, giúp các học viên sáng tạo và ứng dụng AI để giải quyết các vấn đề thực tế, nâng cao hiệu quả công việc và phục vụ người dân.

Từ khóa: AI, Trí thông minh nhân tạo,AI ,hành chính công,ứng dụng,trí tuệ nhân tạo

Thể loại: Thời sự

Tác giả: ngọc xuân-hoàng oanh/vov tphcm

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập