Tấm lòng của các giáo viên dạy học sinh khiếm khuyết
Cập nhật: 18/11/2024
Du lịch trở thành điểm sáng phát triển tại Hậu Giang
Thời tiết hôm nay 4/1: Hà Nội ngày nắng, đêm và sáng trời rét
VOV.VN - Dạy học sinh khiếm khuyết vô cùng khó khăn, vất vả nhưng vì lòng yêu nghề, mến trẻ và trách nhiệm với xã hội, các thầy, cô ở tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Tiền Giang (thuộc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Tiền Giang) phải cố gắng, nỗ lực để hoàn thành tốt sứ mệnh của mình.
Nằm sâu trong con hẻm của phường 5, TP. Mỹ Tho, Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Tiền Giang luôn vang lên tiếng nói cười. Bởi các trẻ khi mới vào trung tâm hầu như bị các tật nặng kèm theo hành vi chậm phát triển, nhưng qua dạy dỗ, rèn luyện của các giáo viên, các trẻ dần dần tiến bộ hòa nhập với cuộc sống.
Năm 2009, Trường Khuyết tật Tiền Giang chuyển thành Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Tiền Giang với chức năng mới là tiếp nhận dạy dỗ, rèn luyện kỹ năng cho trẻ em từ 0 tuổi đến 3 tuổi với 6 tật: tật ngôn ngữ, tật nhìn, vận động, trí tuệ, thần kinh và các khuyết tật khác…
Từ nuôi dạy trẻ khuyết tật, nay Trung tâm còn phải thực hiện nhiệm vụ can thiệp sớm, hỗ trợ giáo dục hòa nhập và tư vấn, tập huấn cho giáo viên về chuyên môn này tại các trường học trong tỉnh. Đây là môi trường giáo dục rất đặc biệt, đòi hỏi người giáo viên phải có kiến thức, kỹ năng và sự tận tâm, tận tình với trẻ em.
Trung tâm hiện có 26 cán bộ, giáo viên, nhân viên; trong đó chỉ có 4 giáo viên được đào tạo chuyên ngành giáo dục đặc biệt; số còn lại là giáo viên sư phạm thông thường nên các thầy cô tại đây phải tham gia các khóa tập huấn, học văn bằng 2 và tích cực tự nghiên cứu để rèn luyện cho mình kiến thức, kỹ năng phục vụ tốt công việc này.
Đến nay, hầu hết cán bộ, giáo viên của Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Tiền Giang đều rất vững kiến thức, kỹ năng và luôn hoàn thành tốt công việc được giao, được phụ huynh tin tưởng.
Thông thường, các trẻ đến đây đều được phân loại, chia học theo nhóm và Trung tâm phân công giáo viên phụ trách. Các trường hợp khó khăn, cán bộ, giáo viên cùng hỗ trợ để giúp các trẻ mau tiến bộ. Nhất là đối với các trẻ bị tật về vận động, khiếm thính người dạy phải tìm mọi phương pháp để giúp trẻ tiến bộ.
Một phụ huynh ở xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây có con bị bệnh tự kỷ vào học tại Trung tâm bày tỏ: “Con tôi bị tự kỷ nhẹ, chậm phát triển nên xin vào đây học kỹ năng sống. Bé nay đã có thể tập trung, làm theo tương đối. Các cô chăm sóc rất ân cần các con, mình rất an tâm. Thầy cô tận tình đã giúp bé phát triển sớm”.
Đa số các trẻ học tập tại Trung tâm với nhiều loại khuyết tật khác nhau có em bị tự kỷ, bị câm điếc, kém trí tuệ, yếu khả năng vận động và kèm theo các hành vi khác… mà ở nhà phụ huynh rất vất vả chăm sóc, nhưng đến đây các giáo viên đã tận tình dạy dỗ rèn luyện kỹ năng và tư vấn, hướng dẫn cho phụ huynh phương pháp dạy dỗ, chăm sóc con nên các em dần được phục hồi, tiến bộ tốt.
Hiện nay, mỗi ngày Trung tâm duy trì dạy cho gần 200 trẻ từ các nơi trong tỉnh. Qua đánh giá, hàng năm có khoảng 30% học sinh tiến bộ tốt có khả năng tự lo sinh hoạt bản thân.
Cô Nguyễn Thị Phụng đã 17 năm gắn bó với nghề giáo dục trẻ hòa nhập tại Trung tâm chia sẻ, trước hết phải yêu các bé, hiểu các bé, hiểu hoàn cảnh gia đình bé. Cô tìm hiểu từ phụ huynh cũng như qua đầu năm các bé được đánh giá, để biết được khả năng của trẻ nên lên chương trình phù hợp sau đó bám sát vào chương trình đó để dạy.
"Nói chung phải hiểu sở thích của bé là thích gì, nhu cầu cần gì và cách học như thế nào để tìm mọi cách, mọi phương pháp đáp ứng. Ngoài việc dạy trên lớp, chúng tôi sẽ tư vấn cho phụ huynh về hỗ trợ các em tại gia đình, tư vấn luôn cho các phụ huynh có em đã học ở đây mà nay đã hòa nhập rồi, tư vấn cho phụ huynh và giáo viên ở các trường phổ thông”, cô Phụng cho hay.
Có thể nói so với các trường mầm non, tiểu học, trường phổ thông, người cán bộ, giáo viên công tác ở Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập vất vả, nhọc nhằn hơn nhiều. Do không thu học phí và các nguồn quỹ đóng góp nào, nên cán bộ, giáo viên ở Trung tâm chỉ hưởng lương và phụ cấp ưu đãi của nhà nước, nhưng không vì thế mà thầy, cô tại đây thiếu lòng nhiệt tình với trẻ.
Để hoàn thành nhiệm vụ của người giáo viên trong môi trường đặc biệt, cán bộ, giáo viên của Trung tâm luôn cảm thông, chia sẻ nỗi đau, khó khăn của các trẻ và phụ huynh, xem họ như là người thân trong gia đình; từ đó cố gắng hết sức mình để dạy trẻ. Bên cạnh sự nỗ lực của giáo viên thì người thân của trẻ đóng vai trò rất quan trọng, phải biết được kỹ năng hỗ trợ trẻ hàng ngày thì mới thành công.
Những năm học qua, Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Tiền Giang đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Năm học nào trung tâm cũng có từ 3-4 giáo viên đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, 2 năm học qua vinh dự được UBND tỉnh Tiền Giang tặng Bằng khen về thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
“Đã vào đây rồi thì ai cũng nhiệt tình, chăm chút trẻ và có tinh thần trách nhiệm cao. Đa số các bé vào đây năng lực kém kèm theo các hành vi nên các cô giáo cũng rất vất vả. Làm lãnh đạo mình đã tính đến công việc đó, phân công công việc cho phù hợp. Ví dụ như cô giáo nào có kỹ năng tốt mình sẽ giao những bé nặng, có vấn đề hành vi, còn cô giáo nào mới, thâm niên ít mình giao các bé khá khá hơn một tí để các cô có cơ hội rèn luyện và hoàn thành nhiệm vụ”, cô Cao Thị Tiếng, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Tiền Giang cho biết thêm.
Ngoài việc dạy dỗ, rèn luyện trẻ khiếm khuyết, Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Tiền Giang còn tích cực vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm tổ chức các buổi tặng quà cho các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; cử cán bộ giáo viên đi hỗ trợ cho các trường học trong tỉnh khi có nhu cầu.
Số học sinh vào trung tâm mỗi năm một tăng, điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, phòng học lâu năm có biểu hiện xuống cấp nên rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền, các ngành chức năng và các tổ chức xã hội, mạnh thường quân để giúp cán bộ, giáo viên nơi đây thực hiện hiệu quả hơn công tác rèn luyện, dạy dỗ các trẻ khiếm khuyết sớm hòa nhập cộng đồng, giảm bớt gánh nặng cho các gia đình và xã hội.
Từ khóa: tiền giang, tiền giang, khuyết tật, trẻ khuyết tật, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tiền giang, giáo dục hòa nhập
Thể loại: Xã hội
Tác giả: nhật trường/vov-đbscl
Nguồn tin: VOVVN