Taliban sắp trao tù binh, lộ trình hòa bình Afghanistan vẫn chưa thông

Cập nhật: 02/04/2020

VOV.VN - Các cuộc đàm phán về việc trao đổi tù binh giữa chính phủ Afghanistan và lực lượng phiến quân Taliban đang diễn ra tại thủ đô Kabul.

Dự kiến, một nhóm nhỏ tù binh sẽ được trao đổi ngay trong tuần này như 1 phần của biện pháp xây dựng lòng tin – một nhân tố quyết định sự thành bại của thỏa thuận hòa bình được ký kết giữa Mỹ và Taliban, vốn được kỳ vọng sẽ chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài gần 2 thập kỷ ở quốc gia Nam Á này.

taliban sap trao tu binh, lo trinh hoa binh afghanistan van chua thong hinh 1
Đại diện ngoại giao của Taliban. Ảnh: Lawfare.

Một phái đoàn gồm 3 thành viên của Taliban đã tới thủ đô Kabul từ ngày 31/3 để gặp các quan chức chính phủ Afghanistan và thảo luận về tiến trình trao đổi tù binh, bất chấp việc đang có lệnh phong tỏa trên toàn quốc nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 tại quốc gia này. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngay lập tức đã gọi đây là một “tin tốt” trong bối cảnh các cuộc đụng độ giữa Taliban và chính phủ Afghanistan vẫn đang diễn ra với tần suất “khá dày”.

Theo thông tin ban đầu từ người phát ngôn Taliban Zabihullah Mujahid, ít nhất 100 chiến binh Taliban bị giam giữ sẽ sớm được phóng thích ngay trong tuần này. Đây là bước đầu tiên hướng tới thỏa thuận cuối cùng về việc trao đổi tất cả 6.000 tù binh mà Chính phủ Afghanistan và Taliban đang giam giữ.

Hiện hai bên đang tổ chức những cuộc thảo luận về các vấn đề kỹ thuật liên quan đến hoạt động phóng thích và điều khoản kiểm tra y tế đối với những tù binh được trả tự do. Theo ông Mujahid, 2 bên sẽ xem xét khả năng trao đổi 100 tù nhân/ngày liệu có hiệu quả hay không trong bối cảnh dịch Covid-19 đang là 1 thách thức.

Về phía chính phủ Afghanistan, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia, Javid Faisal cũng xác nhận cả hai bên đang tiến hành những cuộc đàm phán “trực tiếp” về các hoạt động trao đổi tù binh. Theo ông, dù đang đàm phán, dù đang có lệnh phong tỏa nhưng bạo lực vẫn đang xảy ra giữa 2 bên và chưa có bất kỳ dấu hiệu hạ nhiệt nào.

Hôm qua (1/4), Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng đã tiến hành họp trực tuyến thảo luận tình hình Afghanistan. Dù ghi nhận những tín hiệu tích cực của việc Taliban và Chính phủ Afghanistan đàm phán trao đổi tù binh, songbà(Ingrid Hayde) – đại diện phái bộ Liên Hợp Quốc tại Afghanistan phải thừa nhậnrằngtiến trình đàm phán hòa bình chưa thể diễn ra đúng lộ trình dự kiến. Có nhiều lý do để lý giải cho tuyên bố này như tình hình bạo lực tại Afghanistan vẫn đang gia tăng; Taliban và Chính phủ Afghanistan chưa thể đàm phán trực tiếp về 1 lộ trình hòa bình lâu dài mà mới chỉ dừng lại trong 1 vấn đề nhỏ là trao đổi tù binh; và lý do nữa là chính phủ Afghanistan chưa đoàn kết, thống nhất sau cuộc bầu cử vừa qua dẫn tới việc tuyên bố thành lập 2 chính phủ cùng lúc - điều này cũng đã khiến đồng minh Mỹ tức giận.

Mới đây, đích thân Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã phải tới Afghanistan để có 2 cuộc gặp riêng rẽ với Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani và đối thủ chính trị của ông là Abdullah Abdullah - nhân vật về thứ 2 trong cuộc bầu cử và cũng tự xưng là Tổng thống của quốc gia Nam Á này. Tuy nhiên, chuyến thăm “hòa giải” của Nhà ngoại giao Mỹ không thể giúp Afghanistan có 1 chính phủ thống nhất, 1 chính phủ có thể đứng ra đại diện để đàm phán với Taliban về tương lai hòa bình.

Sự tức giận của Mỹ đã biến thành hành động ngay lập tức với tuyên bố cắt giảm 1 tỷ USD viện trợ cho Afghanistan và sẵn sàng cắt khoản tương tự trong năm 2021. Ngoại trưởng Mỹ khẳng định, sự bất đồng giữa Tổng thống Ghani và đối thủ chính trị Abdullah đã làm tổn hại đến quan hệ giữa hai nước, làm mất danh tiếng của người dân Afghanistan, người dân Mỹ và cả những đối tác trong liên minh đã nỗ lực xây dựng tương lai mới cho đất nước Afghanistan. Ông Pompeo bày tỏ sự thất vọng của Mỹ đối với hai ông này cũng như những gì hai ông đã làm cho đất nước Afghanistan và lợi ích chung của hai nước.

Trước đó, vào ngày 29/2, Mỹ đã ký thỏa thuận hòa bình với phiến quân Taliban, theo đó Mỹ sẽ rút quân ra khỏi Afghanistan theo giai đoạn; đáp lại Taliban sẽ phải đàm phán trực tiếp với chính phủ Afghanistan và các bên nội bộ quốc gia này sẽ tự quyết định số phận của mình, miễn là không biến đất nước là mảnh đất dung dưỡng khủng bố của các nhóm Hồi giáo cực đoan IS hay al-Qaeda. Tuy nhiên thỏa thuận Mỹ - Taliban đang bị ngáng đường bởi những bất đồng chính trị trong nội bộ chính phủ Afghanistan cũng như việc gia tăng bạo lực từ lực lượng phiến quân Taliban.

Phó Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Cherith Norman Chalet mới đây cho biết: “Chúng tôi thừa nhận Taliban đã thực hiện các bước để ngăn chặn các cuộc tấn công vào các thành phố và các căn cứ quân sự lớn nhưng họ cần phải làm nhiều hơn nữa. Chúng tôi kêu gọi họ cũng giảm bạo lực chống lại các lực lượng Afghanistan ở nông thôn, để các cuộc đàm phán nội bộ Afghanistan bắt đầu và có thể đi tới thành công. Bạo lực ở các cấp độ này có nguy cơ kéo cả hai bên vào một vòng luẩn quẩn, không có lợi cho ai và phá hoại hòa bình.”./.

Từ khóa: Taliban, Afghanistan, trao đổi tù binh, lộ trình hòa bình, Covid-19

Thể loại: Thế giới

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập