Tai sao con dâu lại “khó chịu” với cách nuôi con của mẹ chồng?
Cập nhật: 02/04/2020
VOV.VN - “Ngày xưa mẹ cũng làm thế, có sao đâu…” hay “Sao cứ suốt ngày mắng con thế, nó có biết gì đâu…” là những câu nói của mẹ chồng khiến tôi rất ức chế.
Nếu biết trước sẽ có ngày cãi nhau với mẹ chồng vì chuyện nuôi con thế này, tôi đã sớm cùng chồng dọn ra ở riêng, ngay từ khi bà cho tôi lựa chọn trước khi cưới. Nhưng tôi nghĩ đơn giản lắm. Nhà có mỗi anh là con một, mẹ chồng tôi cũng là kiểu người dễ tính, hiện đại, vợ chồng tôi ở cùng ông bà cho vui vẻ. Mẹ chồng tôi lại về hưu rồi, bà sẽ đỡ đần việc nhà, vì công việc của tôi thường rất bận, ít có thời gian chăm chút cho gia đình.
Khoảng thời gian đầu mới về làm dâu, gia đình tôi rất vui vẻ. Mẹ chồng lo cơm nước, giặt giũ, hầu như tôi không phải đụng tay vào việc nhà. Lấy chồng được 1 tháng, tôi mang bầu con đầu lòng. Khỏi phải nói, gia đình tôi mừng như thế nào. Mẹ chồng tôi càng cưng chiều tôi vì tôi mang bầu con trai. Bà thường mua đồ ăn tẩm bổ cho tôi. Tôi đã nghĩ, cuộc sống của mình như này, còn gì hạnh phúc hơn vì có mẹ chồng yêu chiều, tâm lý. Nhưng tôi đã nhầm…
Khi sinh con, tôi mới bắt đầu thấm thía thế nào là mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu. Mẹ chồng tôi cưng cháu như cục vàng, và cũng chính vì thế, bà muốn can thiệp mọi việc, từ ăn uống, vệ sinh, đến nuôi dạy cháu.
Con tôi không được bụ bẫm như nhiều đứa trẻ khác, bà luôn miệng chê tôi ít sữa, sữa không tốt. Bà lấy đủ mọi kinh nghiệm kích sữa ngày xưa để áp dụng cho tôi dù nhiều cái không đúng. Tôi phải ăn cháo chân giò đến phát ngán. Hết chân giò, mẹ chồng tôi lại còn chuyển sang chân chó, chân dê. Khi tôi bảo không muốn ăn nữa, bà nói tôi không biết nghĩ cho con khiến tôi ấm ức.
Khi con đến tuổi ăn dặm, bà nhiệt tình xung phong nấu đồ ăn cho cháu. Nhưng có điều, bà luôn áp dụng những kinh nghiệm nuôi trẻ từ xưa. Nấu bột cho cháu, bà thường xuyên cho thêm mắm muối cho vừa miệng dù tôi đã dặn đi dặn lại là không được. Bà nói “Ngày xưa mẹ cũng làm thế có làm sao đâu?”… hay “Phải có gia vị thì nó mới ăn được chứ, nhạt thế không ngon đâu”… Tôi giành việc nấu ăn cho con để tránh việc để nó phải ăn gia vị quá sớm thì bà lại dỗi, nói rằng tôi không tôn trọng bà.
Với tôi, khi con bắt đầu nhận thức được là có thể dạy dỗ được rồi. Khi nó làm sai điều gì hay quấy khóc, tôi rất cứng rắn, bắt con phải xin lỗi. Con tôi ăn vạ khóc ầm lên thì bà xót cháu mắng lại tôi: “Sao suốt ngày mắng con thế? Nó ở với bà có khóc bao giờ đâu. Nó còn bé thì biết gì? Cô chẳng biết thương con gì cả…” Tôi chưa kịp nói gì, bà đã ôm cháu xuống dưới nhà rồi nịnh nọt đủ thứ để nó nín. Cứ như thế này, con tôi đâm hư mất. Bà lại giải thích: “Trẻ con phải mềm mỏng chứ, ngày xưa tôi nuôi con có bao giờ mắng nó đâu mà bây giờ nó vẫn thành người đó thôi”.
Bà luôn dành mọi thời gian cho cháu, cưng chiều nó hết mức. Bà nói, như vậy là giúp vợ chồng tôi nhàn nhã hơn, không quá vướng bận con cái mà chuyên tâm làm việc kiếm tiền. Nhưng tôi không muốn như vậy. Tôi muốn con tôi phải được giáo dục tử tế ngay từ khi còn nhỏ, đi vào khuôn phép chứ không phải suốt ngày nhõng nhẽo bên bà. Tôi thà vất vả một tí còn hơn. Nhưng chồng tôi lại nói, con ở với bà thì tốt chứ sao, đỡ đau đầu…
Trẻ con bây giờ đâu thể nuôi giống như ngày xưa, cả ngày chỉ biết ăn ngủ, loanh quanh với bà. Tôi muốn gửi con đi mẫu giáo sớm để nó được giao lưu với các bạn, học thêm nhiều điều hay từ cô giáo nhưng bà nhất định không chịu. Bà bảo bà sẽ trông cháu đến khi nào “cứng cáp”, đến 4-5 tuổi mới cho đi học. Tôi không thể chấp nhận được kiểu giữ cháu như thế! Nếu dứt cháu ra khỏi bà, tôi sẽ làm mất lòng gia đình chồng. Còn nếu cứ để con cho bà trông, nó sẽ chẳng học được gì. Tôi không biết phải làm sao nữa./.
Từ khóa: những kỹ năng cần có, đàn ông cuốn hút, đàn ông hấp dẫn, kỹ năng quản lý tài chính, cách hấp dẫn nữ giới
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN