Tai nạn trong đêm trên cao tốc, nguyên nhân và giải pháp

Cập nhật: 7 giờ trước

VOV.VN - Thống kê của lực lượng CSGT cho thấy, hơn 61% số vụ tai nạn giao thông trên cao tốc diễn ra vào ban đêm, trong đó không ít vụ gây hậu quả hết sức nghiêm trọng về người lẫn tài sản. Tình trạng này luôn là sự nhức nhối đối với người dân lẫn cơ quan quản lý trong thời gian qua.

Liên quan nội dung này, phóng viên VOV giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Trần Hữu Minh - Chánh văn phòng Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia.

PV: Xin chào ông Trần Hữu Minh, theo thống kê của lực lượng cảnh sát giao thông thì 61% tai nạn trên cao tốc xảy ra vào ban đêm trong đó có nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng. Từ đâu dẫn đến thực trạng này và đâu là nguyên nhân chủ yếu?

Ông Trần Hữu Minh: Tôi cho rằng, nguyên nhân từng vụ việc cụ thể thì sẽ do cơ quan chức năng kết luận và công bố. Tuy nhiên, số vụ tai nạn giao thông từ 10h đêm đến 4h sáng đang chiếm xấp xỉ khoảng 20%. Trong khi chúng ta thấy là lưu lượng giao thông trong khoảng thời gian này khá thấp, điều đó cho thấy, mức độ nguy hiểm và rủi ro dẫn tới va chạm vào ban đêm là cao hơn. Điều này thì tôi cho rằng, xuất phát từ bản chất của giao thông trong khung giờ ban đêm.

Thứ nhất là tầm nhìn kém nên khả năng quan sát, phản ứng của người lái xe và của người tham gia giao thông chậm hơn. Lái xe thì cơ bản là không thể nhìn xa và nhìn rõ như ban ngày, thế nên khi vượt xe hoặc vào những thời điểm chiếu sáng kém thì mức độ nguy hiểm sẽ tăng cao. Đó là chưa kể cộng thêm trong trường hợp có độ dốc, có mưa, sương mù, tầm nhìn hạn chế thì cũng sẽ gia tăng rủi ro. Khi mệt mỏi chỉ mất khoảng 2-3 giây thì xe sẽ đi rất nhanh với một khoảng cách khá xa.

Tiếp đến là đặc điểm sinh lý học trong cơ thể con người, ban đêm là thời gian ngủ nghỉ của cơ thể, khi đó người lái rất dễ buồn ngủ và mệt mỏi nên nhận thức, phản ứng, mức độ tập trung cơ bản chậm hơn ban ngày. Người lái cũng có thể dễ dàng nhầm một cái xe đỗ phía trước là một cái xe đang chạy, đây là một tình huống khá phổ biến và nguy hiểm khi lái xe trên cao tốc vào ban đêm.

Thứ ba, lưu lượng giao thông thấp và đường khá vắng nên tạo ra một tâm lý đi với tốc độ cao hơn, trên cao tốc thì lại càng dễ đi nhanh hơn, đó chính là lý do cộng hưởng dẫn tới các vụ tai nạn giao thông.

Ngoài ra, vào ban đêm, sự xuất hiện của các lực lượng chức năng cũng như các thiết bị giám sát có thể ít hơn nên người lái cũng có tâm lý khi vi phạm thì có thể không bị xử lý. Còn về chiếu sáng, tôi cho rằng, là đó không phải là lý do chính, bởi vì trên thế giới, cũng không thể chiếu sáng hết trên toàn bộ cao tốc mà chỉ có thể chiếu sáng tại các nút giao, nơi có nhập tách làn.

PV: Theo ông, các lái xe cần lưu ý gì để có thể lái xe an toàn trên cao tốc vào ban đêm?

Ông Trần Hữu Minh: Thứ nhất, do giao thông ban đêm có rủi ro cao hơn, tôi khuyến cáo, các lái xe phải tuyệt đối tuân thủ các quy tắc giao thông và cần lái cẩn thận hơn bởi vì càng ban đêm thì càng nguy hiểm, càng phải đi thận trọng hơn.

Thứ hai, nên đi với tốc độ thấp hơn so với ban ngày. Chúng ta biết là nhiều quốc gia quy định tốc độ ban đêm tự động thấp hơn ban ngày từ 15-20 km/h, nếu như ban ngày là 120 km/h thì ban đêm chỉ có 100km/h. Trong khi điều kiện pháp luật Việt Nam chưa quy định như vậy thì người lái hoàn toàn có thể chủ động điều khiển tốc độ thấp hơn. Điều đó giúp cho người lái có thêm thời gian và cơ hội để nhận diện và kịp thời phản ứng với các tình huống trên đường.

Với lái xe thì tôi cho rằng, cần chuẩn bị thể lực, ăn uống đủ dinh dưỡng và đặc biệt là ngủ đủ trước chuyến đi, đương nhiên là tuyệt đối không sử dụng rượu bia trước chuyến đi.

Đối với doanh nghiệp vận tải, cần lên kế hoạch chuyến đi để đảm bảo cự li và thời gian tuân thủ đúng quy định pháp luật. Mặc dù hiện nay pháp luật quy định không được lái liên tục 4 tiếng, thế nhưng nếu như một cung đường, ban đêm điều kiện giao thông khó thì lái xe chỉ có thể lái 2 tiếng sau đó nghỉ. Do đó, bộ phận quản lý an toàn giao thông của doanh nghiệp cần phải quản lý chặt hơn về thời gian làm việc của lái xe vào ban đêm.

Đối với các lái xe cá nhân, tôi cho rằng, nên hạn chế tối đa đi ban đêm nếu như không cần thiết, trong trường hợp bắt buộc phải đi thì nên có kế hoạch chi tiết cho chuyến đi trên cao tốc vào ban đêm. Ví dụ như thông tin về lộ trình, đi, đến, các điểm dừng nghỉ, chuẩn bị dồ dùng thiết yếu cho chuyến đi như nước uống, đèn pin, áo phản quang hoặc là thiết bị phản quang khi có sự cố. Cần thực hiện kiểm tra kỹ thuật phương tiện tốt, chủ động thông tin về dịch vụ cứu hộ và thông tin cho người thân của mình để biết là họ biết mình đang đi đâu.

Các số liệu thống kê cho thấy, các tai nạn giao thông ban đêm cũng hay xảy ra vào các cái dịp lễ hội, đặc biệt là các đợt nắng nóng kéo dài. Thông thường,  hành khách có xu hướng đặt xe từ ban đêm để đến địa điểm du lịch từ đầu giờ sáng. Hoặc lái xe có tâm lý chạy ban đêm cho nhanh và mát hơn. Đây đều là những yếu tố có khả năng cộng hưởng dẫn tới mệt mỏi, mất tập trung vào ban đêm khi đi trên cao tốc. Do đó, người dân cũng nên đặt dịch vụ xe chạy ban ngày. Nếu có thể chọn, thì chọn các nhà xe và đơn vị cung cấp dịch vụ có uy tín trên thị trường.

Còn với những phương tiện mà có kích thước lớn, chẳng hạn như xe khách, xe tải, thì nên chủ động dán các dải phản quang ở sau xe và hai bên. Điều này giúp cho những người lái khác có thể dễ dàng nhận ra xe của mình từ xa. Những cái giải pháp này khá đơn giản, chi phí thấp nhưng mà đem lại hiệu quả rất cao trong việc kéo giảm tai nạn giao thông ban đêm trên cao tốc.

PV: Về lâu dài, đâu là giải pháp cần thiết để kéo giảm số vụ tai nạn trên cao tốc vào ban đêm thưa ông?

Ông Trần Hữu Minh: Trên cơ sản phân tích nguyên nhân từng vụ tai nạn giao thông ban đêm trên cao tốc, có thể thấy, cơ quan chức năng có thể nhận diện ra rất nhiều nhóm giải pháp về hoàn thiện kết cấu hạ tầng, về tổ chức giao thông.

Giải pháp rất đơn giản về phản quang hay báo hiệu điện tử hoặc là các khuyến cáo về mặt phương tiện như cần thực hiện kiểm tra kỹ thuật phương tiện trước các chuyến đi trên cao tốc, hoàn thiện kỹ năng lái xe trên cao tốc, điều này rất quan trọng. Ví dụ, duy trì tốc độ và khoảng cách trên cao tốc như thế nào, đảm bảo sức khỏe và sự tập trung của lái xe ra sao hoặc đơn giản là các kỹ năng cảnh báo khi mà có sự cố.

Tôi cho rằng, các quy định hiện nay là khá tốt, thế nhưng vấn đề là chúng ta cần tổ chức thực hiện quy định cho thật sự hiệu quả. Đặc biệt là quản lý an toàn từ gốc, đối với doanh nghiệp vận tải thì phải thực hiện ngay các giải pháp về quản lý sức khỏe lái xe, bố trí lịch trình làm việc, lịch trình chạy xe cho phù hợp.

Tất nhiên, bên cạnh đó thì luôn luôn có những giải pháp tuyên truyền để nâng cao an toàn giao thông vào ban đêm trên cao tốc... Song song đó, là các giải pháp về kiểm tra, giám sát, xử lý các hành vi, đặc biệt là các hành vi trực tiếp dẫn tới tai nạn giao thông như vi phạm quy định về tốc độ, chuyển hướng, chuyển làn không quan sát, hoặc là các quy tắc về tốc độ và khoảng cách, hoặc dừng xe trên cao tốc...

Khi chúng ta giám sát, xử phạt nghiêm,sẽ góp phần nâng cao ý thức và hành vi của người tham gia thông trên đường, cũng như nâng cao an toàn thông trên cao tốc vào ban đêm.

PV: Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Từ khóa: tai nạn, tai nạn trên cao tốc, tai nạn giao thông, tai nạn xảy ra ban đêm, cảnh sát giao thông

Thể loại: Xã hội

Tác giả: huy hoàng/vov-giao thông

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập