Tái đàn lợn - Giải pháp cấp bách không cần do dự

Cập nhật: 14/03/2020

VOV.VN - Người chăn nuôi và doanh nghiệp cần đẩy nhanh việc tái đàn lợn để đáp ứng nhu cầu về thực phẩm và bình ổn giá trên thị trường.

Theo Bộ NN&PTNT, đến nay 99% số xã phát sinh dịch tả lợn châu Phi đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới, nhiều địa phương đã đủ điều kiện công bố hết dịch. Cùng với tăng cường phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, các địa phương, doanh nghiệp cần đẩy nhanh việc tái đàn lợn để đáp ứng nhu cầu về thực phẩm và bình ổn giá trên thị trường.

Bộ NN&PTNT khuyến cáo, với quy mô đàn lớn, mật độ chăn nuôi cao và dịch tả lợn châu Phi hiện chưa có vacine điều trị, cộng với thời tiết chuyển mùa thuận lợi cho virus phát triển, các hộ chăn nuôi và doanh nghiệp không chủ quan, đảm bảo an toàn dịch bệnh trong tái đàn.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, đàn lợn nái hiện còn 2,7 triệu con; đàn giống thuần chủng vẫn còn khoảng 109.000 con, tương đương 90% so với trước khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra. Do đó cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu nhân giống phục vụ tái đàn lợn, không có chuyện thiếu con giống.

bo nn&ptnt keu goi nhieu dn giam gia ban thit lon hinh 1
Nhiều trang trại và người dân chủ động tái đàn lợn sau dịch tả châu Phi.

Bên cạnh đó, năng lực chăn nuôi hiện nay rất cao, cơ sở vật chất chuồng trại vẫn còn. Trong quá trình chống dịch đã hình thành được các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học có thể nhân rộng trong điều kiện sản xuất ở trang trại, gia trại…

“Các tỉnh tập trung cho việc tái đàn lợn mà không cần phải do dự. Khi cơ chế chính sách đã có, cùng với mặt hàng thịt lợn vẫn đang chiếm tỷ lệ trên dưới 70%, nhu cầu hàng hóa nên sẽ ảnh hưởng ngay CPI. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo trực tiếp việc này, đề nghị các địa phương tập trung cho giải pháp tái đàn, các doanh nghiệp không xảy ra dịch bệnh cũng cần chủ động tăng đàn lợn”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, ngành nông nghiệp đã yêu cầu cộng đồng doanh nghiệp điều chỉnh giảm giá bán sản phẩm thịt lợn nhưng vẫn còn đang ở mức cao. Nếu không giảm giá thịt lợn xuống mức hợp lý để đảm bảo hài hòa lợi ích với người tiêu dùng, người sản xuất… thì trước mắt sẽ phải nhập khẩu thịt lợn./.


Từ khóa: tái đàn, tái đàn lợn, dịch tả châu phi, giảm giá bán thit lợn, cung ứng chăn nuôi

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập