Tái đàn đảm bảo nguồn cung thịt lợn: Lợi ích cho nhiều bên
Cập nhật: 09/04/2020
Khẩn trương rà soát, xác minh, xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm khai thác IUU
Kim Long Motor Huế hợp tác với tập đoàn ô tô Trung Quốc sản xuất xe du lịch
VOV.VN - Tốc độ tái đàn nhanh sẽ đủ thực phẩm cung ứng cho thị trường sẽ có lợi cho người chăn nuôi, người làm dịch vụ và người tiêu dùng.
Đảm bảo cân đối cung cầu về thịt lợn vào đầu Quý IV năm nay, Bộ NN&PTNT đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp để tăng nguồn cung, trong đó chú trọng thúc đẩy tái đàn lợn an toàn sinh học và đảm bảo sinh kế các hộ chăn nuôi.
Phóng viên VOV phỏng vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường về vấn đề này.
PV: Từ ngày 1/4 các doanh nghiệp chăn nuôi lớn đã giảm giá lợn hơi xuống mức 70.000 đồng/kg. Tuy nhiên trên thị trường, giá thịt lợn ở nhiều điểm bán vẫn chênh lệch ở mức cao, vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường:Chúng ta đã biết, do dịch tả lợn châu Phi xảy ra năm 2019 dẫn đến tổng đàn lợn thiệt hại 20% về số lượng, về khối lượng thiệt hại là 9,3% khối lượng. Đây là thiệt hại rất lớn không chỉ cho người chăn nuôi mà còn khiến giá cả thịt lợn trên thị trường tăng cao.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường |
Vừa qua có chuyện giá thịt lợn tăng cao, nguyên nhân là do chúng ta chưa đủ lượng sản phẩm thịt lợn để cung cấp cho thị trường theo yêu cầu. Vì trước khi có dịch, mỗi quý chúng ta cần trên 900.000 tấn, nhưng vừa qua mới đảm bảo từ 820.000 – 830.000 tấn, dự kiến phải đến Quý III và Quý IV chúng ta mới đạt được sản lượng 900.000-910.000 tấn.
Ngoài ra, giá thành sản xuất thịt lợn thời gian qua cũng cao vì phải đảm bảo các biện pháp an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh và những khâu khác. Tiếp nữa do tỷ lệ lợn còn thiếu, ví dụ như vừa qua 15 doanh nghiệp đồng hành từ 1/4 đưa xuất chuồng 70.000 đồng/kg lợn hơi nhưng số lượng lợn ở những doanh nghiệp chưa nhiều dẫn đến chưa đủ sức chi phối thị trường.
Bên cạnh đó, còn rất nhiều khâu trung gian, nhất là khâu giết mổ nhỏ lẻ đến hàng nhỏ lẻ dẫn đến người tiêu dùng chưa được hưởng giá xuống thấp như chúng ta mong muốn.
PV: Để giải quyết được vấn đề này, những giải pháp nào sẽ được Bộ NN&PTNT thực hiện, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường:Tới đây chúng ta phải tập trung nhiều giải pháp tổng thể, trong đó, mấu chốt vấn đề là phải tập trung tái đàn, tăng đàn. Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp cùng với các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp cùng với bà con nông dân phối kết hợp giữa các tỉnh để làm sao tăng đàn đảm bảo nhanh nhất nhưng phải an toàn dịch bệnh.
Đồng thời, Bộ cũng phối hợp giữa các ngành, và các địa phương để giảm bớt khâu trung gian đảm bảo giữa khâu sản xuất, chế biến, đến tiêu dùng ngắn nhất thì chúng ta mới có cơ hội giảm giá phù hợp với người nông dân. Tới đây, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành khác nhập khẩu sản phẩm thịt lợn vì trong ngắn hạn còn thiếu thì nhập để đảm bảo cho thị trường.
Ngoài thịt lợn, cần tăng cường tuyên truyền và hướng dẫn tiêu dùng, lựa chọn rất nhiều sản phẩm như gia cầm, trứng, cá, người tiêu dùng cần san sẻ mua các loại thực phẩm khác để vừa lợi cho sức khỏe vừa có giá cả phù hợp với sức tiêu thụ, vừa không tạo áp lực về một mặt hàng là thịt lợn. Làm đồng bộ nhiều giải pháp và tin tưởng rằng sẽ đủ thực phẩm cung ứng cho nhân dân với giá phù hợp kể cả người chăn nuôi, người làm dịch vụ, người tiêu dùng.
PV: Bộ trưởng đánh giá như thế nào về tốc độ tái đàn trong thời gian vừa qua và so với các quý sau này thì tốc độ sẽ tăng lên nhiều không?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường:Tốc độ tái đàn Quý I đạt 6,3% tổng thể chung, nhưng riêng ở khu vực 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn thì tốc độ tăng đến 17%. Dự báo tới đây tốc độ tăng đàn sẽ rất nhanh bởi vì hiện nay cả nước vẫn giữ được đàn lợn giống gốc 109.000 con, vẫn còn khoảng 2,7 triệu lợn nái.
Chúng ta đã tổng kết được quy trình an toàn sinh học cho 2 nhóm đối tượng chăn nuôi lớn thời gian qua rất hiệu quả. Khu vực chăn nuôi nhỏ lẻ cũng rút ra được kinh nghiệm để hướng dẫn cho nông dân; những yếu tố trong hệ sinh thái ngành chăn nuôi như sản xuất 20 triệu tấn cám, hệ thống thú y, dịch vụ các mặt chúng ta vẫn giữ được. Đây là những tiền đề rất tốt.
Tin tưởng những điều đó cộng với bài học kinh nghiệm rút ra vừa qua, chúng ta sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng đàn nhanh. Dự báo cuối Quý III, đầu Quý IV chúng ta có được số lượng đầu lợn cao nhất bằng với thời kỳ trước khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra.
Tốc độ tái đàn lợn Quý I đạt 6,3% tổng thể chung. |
PV: Bộ trưởng có khuyến cáo gì đối với các tỉnh đã công bố hết dịch để vừa đảm bảo nguồn cung thịt lợn cũng như đảm bảo sinh kế của người chăn nuôi?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường:Chúng tôi khuyến nghị các tỉnh, thành phố tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất với người chăn nuôi, đặc biệt chú ý đến bà con nông dân sản xuất nhỏ cần được tiếp cận các nguồn lực, nhất là giá lợn giống đang ở mức rất cao.
Thứ hai là có chính sách tín dụng để tạo sinh kế cho bà con nông dân, những người sản xuất nhỏ, bởi trước kia người dân bị thiệt hại, bây giờ muốn tái đàn lại gặp khó khăn do không có giống, không có vốn. Chính chỗ này cần phải tập trung mọi điều kiện cho bà con nông dân tạo sinh kế nhưng vừa góp phần bù đắp những thiệt hại trước đây.
Còn riêng về cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn từ chăn nuôi, thú y cấp tỉnh phải vào cuộc tăng cường hướng dẫn, không thể vì tăng đàn mà gặp lại rủi ro bệnh tật tái phát là không thể được.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!./.
Từ khóa: thịt lợn, giá thịt lợn, nguồn cung, tái đàn, nhập khẩu thịt lợn
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN