Tái cấu trúc hoạt động sản xuất trong điều kiện bình thường mới

Cập nhật: 22/10/2021

VOV.VN - Sau khi dịch Covid -19 lần thứ 4 bùng phát, các chuyên gia kinh tế cho rằng yêu cầu đặt ra trong bối cảnh hiện nay là các doanh nghiệp cần chủ động là đẩy mạnh việc tái cấu trúc, đổi mới mạnh mẽ để tiếp tục phát triển trong điều kiện bình thường mới.

Do ảnh hưởng từ Covid -19 lần thứ 4 đã khiến nhiều doanh nghiệp kiệt quệ. Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 9 tháng qua, có 85.000 doanh nghiệp thành lập mới, nhưng có tới 90.000 doanh nghiệp rời bỏ thị trường. Đây là lần đầu tiên số doanh nghiệp rời khỏi thị trường lớn hơn doanh nghiệp thành lập mới.

Dịch đã làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất lớn. Cụ thể, giãn cách xã hội dẫn đến gián đoạn thị trường là điều khó khăn nhất của doanh nghiệp hiện tại; việc siết chặt đi lại của người lao động khiến cho sản xuất không diễn ra bình thường được; Chuỗi cung ứng bị đứt gãy.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp đã và đang phải đối mặt với các khó khăn lớn. Việc cố gắng duy trì sản xuất đã dẫn đến chi phí của doanh nghiệp đội lên rất lớn, đặc biệt chi phí ''3 tại chỗ''. Tác động tiêu cực từ đại dịch khiến nhiều hàng hóa sản xuất bị ùn ứ và nếu có sản xuất cũng không bán được hàng.

"Về hiệu quả xuất của doanh nghiệp hiện đang giảm sút một cách nghiêm trọng. Các doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu khả năng thanh khoản và mất khả năng thanh toán. 94% các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng của dịch bệnh ở những mức độ khác nhau. Ngay cả các doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ, cố gắng cầm cự duy trì sản xuất kinh doanh cũng chỉ hoạt động được khoảng 10-15 % công suất, ít doanh nghiệp đạt được 30 % công suất vì không thể chịu được các chi phí, các doanh nghiệp nói chung rơi vào tình trạng kiệt quệ" - ông Vũ Tiến Lộc cho biết.

Đối với các doanh nghiệp, yêu cầu đặt ra trong bối cảnh hiện nay là đẩy mạnh việc tái cấu trúc, đổi mới mạnh mẽ để tự tiếp tục phát triển trong điều kiện bình thường mới. Chủ động nâng cao năng lực quản trị được những rủi ro, khủng hoảng vượt qua thách thức. Cùng với đó là quan tâm đến xây dựng mô hình kinh doanh bảo vệ môi trường, xanh hóa trong các hoạt động để phát triển một cách bền vững trong thời gian tới.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để vực dậy sản xuất, cần có chính sách cho các doanh nghiệp giãn thời hạn trả nợ, cắt giảm các thủ tục hành chính cản trở, gây khó cho doanh nghiệp. Việc tái mở cửa đã góp phần kịp thời “cởi trói” và thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp lúc này.

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa nêu quan điểm, hệ thống ngân hàng, Chính phủ nên có một kế hoạch giãn, hoãn nợ xa hơn cho doanh nghiệp. Đợi doanh nghiệp bắt đầu phục hồi sản xuất là thực sự bắt đầu có doanh thu, có lợi nhuận thì lúc đó mới trả được nợ. Do đó, đối với các khoản nợ cũ cần được giãn thêm nữa, ngắn hạn, trung hạn; trung hạn thì cho thành dài hạn đến năm 2023 trở đi thì doanh nghiệp mới có thể trả được nợ.

Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, để làm được điều này, doanh nghiệp ngay bây giờ cần phải làm một kế hoạch rõ ràng cụ thể về thuế và tài chính tổng thể, kế hoạch rõ ràng về nợ và trả nợ và một kế hoạch thị trường./.

Từ khóa: doanh nghiệp, covid-19, dịch bệnh, giãn nợ cho doanh nghiệp, phục hồi kinh tế

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập