Tác phẩm cho nhạc cụ dân tộc: Khó từ sáng tác đến biểu diễn

Cập nhật: 28/12/2023

Trong làng nhạc Việt, nhiều chương trình, dàn nhạc “đỏ mắt” tìm mà không thấy tác phẩm mới viết cho nhạc cụ dân tộc. Ở chiều ngược lại, cũng rất ít nhạc sĩ mặn mà với dòng nhạc này vì khó và việc phổ biến, dàn dựng cũng không dễ dàng… Đây là thực tế đang diễn ra khiến nhạc dân tộc có ít tác phẩm được sáng tác và biểu diễn.

Thiếu tác phẩm nhạc dân tộc

Khi bàn về phát triển nghệ thuật đàn bầu, tinh hoa văn hóa đậm chất Việt trong một hội thảo diễn ra gần đây, nhiều đại biểu lo lắng: Để duy trì và phát triển nghệ thuật đàn bầu, điều quan trọng là cần có tác phẩm để biểu diễn. Trong khi đó, số lượng tác phẩm được viết dành cho nhạc cụ này chỉ đếm trên đầu ngón tay, không ít tác phẩm được diễn nhiều đến mức các nhà ngoại giao nước ngoài nghe và thuộc cả giai điệu…

Không chỉ với đàn bầu, đây cũng là trăn trở chung với dòng nhạc dân tộc. Sáng tác là khâu then chốt, tạo nên sản phẩm âm nhạc có giá trị nghệ thuật cao, tác động mạnh mẽ, lâu dài tới công chúng, tuy nhiên, việc có tác phẩm cho nhạc cụ dân tộc phù hợp với sân khấu biểu diễn hiện nay lại ít được các nhạc sĩ quan tâm. Ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học yêu cầu: Để tốt nghiệp, sinh viên phải viết một tác phẩm nhạc giao hưởng và một tác phẩm cho nhạc dân tộc, với hy vọng sau này ra trường, người sáng tác chú ý tới nhạc cụ dân tộc. Nhưng nhiều ý kiến nhận định, sinh viên viết cho nhạc cụ dân tộc không đầu tư nhiều công sức, cũng không có vốn dân gian, nên chỉ làm cho đủ điều kiện ra trường, và sau này họ cũng không gắn bó với nhạc dân tộc…

Bởi thế, tìm ra tác phẩm chất lượng soạn cho nhạc dân tộc vẫn đang là khó khăn của những người gắn bó với biểu diễn, quảng bá âm nhạc dân tộc. Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh, người sáng lập Dàn nhạc dân tộc Sức sống mới chia sẻ, trong quá trình biểu diễn nhạc cụ tre nứa, tác phẩm biểu diễn quá ít, đặt hàng viết tác phẩm cũng khó, nên anh kiêm luôn chuyện viết nhạc, phối khí cũng như các công đoạn trong hành trình chuyển soạn tác phẩm cho dàn nhạc…

Nhìn lại lịch sử, trên con đường nghiên cứu, tìm tòi và sáng tạo nhằm xây dựng một nền âm nhạc hiện đại, nhiều thế hệ nghệ sĩ sáng tác đã khám phá được vẻ đẹp của nghệ thuật truyền thống do cha ông để lại, bổ sung những tác phẩm mới vừa chuyển tải được sắc thái của xã hội đương đại, nhưng vẫn giữ được tinh hoa đã chắt lọc qua nhiều thế hệ. Đội ngũ nhạc sĩ, nghệ sĩ cũng không ngừng tìm tòi, sáng tạo những tác phẩm viết cho nhạc cụ độc tấu, hòa tấu và dàn nhạc dân tộc.

Tên tuổi gắn bó với các nhạc khí truyền thống có thể kể tới nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương với Suối đàn T’rưng (đàn T’rưng độc tấu); Nguyễn Đình Long với hàng loạt tác phẩm viết cho đàn tranh như Khúc hát quê hương và các tác phẩm hòa tấu dàn nhạc truyền thống; nhạc sĩ Văn Thắng với các tác phẩm Cánh chim tự do (đàn tranh) và Tiếng lòng (viết cho đàn bầu); nhạc sĩ Quang Hải với tác phẩm cho đàn tranh độc tấu cùng dàn nhạc giao hưởng Quê hương giải phóng…

Cần nhiều tác phẩm mới mang đậm bản sắc Việt

Gần đây, khí nhạc Việt Nam, đặc biệt là các tác phẩm âm nhạc dân tộc ngày càng trở nên “lép vế” so với thanh nhạc, cả trong lĩnh vực sáng tác và biểu diễn. Theo nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, sáng tác khí nhạc của Việt Nam vẫn đang “di chuyển” chậm chạp theo kiểu đi bộ, trong khi các sáng tác thanh nhạc đang tăng tốc như đua xe phân khối lớn.

Nhìn sâu xa hơn thì thấy rằng, sáng tác cho dàn nhạc dân tộc là công việc khó. Nhiều người trong nghề chia sẻ, sáng tác một tổng phổ âm nhạc không lời vô cùng vất vả và mất nhiều thời gian, công sức, nhạc sĩ phải lao động nhiều tháng, có khi năm này qua năm khác. Đứng trước những khó khăn trong đời sống thường nhật, một số nhạc sĩ chuyển sang viết nhạc phim, sân khấu, phối khí nhạc nhẹ… cho thu nhập cao hơn lại nhiều việc làm hơn. Viết khí nhạc ít người chọn lựa, bởi cơ hội được dàn dựng biểu diễn không nhiều, do thể loại này khá kén người nghe.

Về dàn dựng và biểu diễn, những năm gần đây, trên các kênh sóng của nhiều đài truyền hình liên tục có các chương trình dành cho thanh nhạc như Bài hát Việt, Sao Mai điểm hẹn, Con đường âm nhạc… được phát sóng vào khung giờ vàng hoặc trực tiếp. Trong khi những chương trình dành cho khí nhạc, hòa nhạc dân tộc lại hoàn toàn vắng bóng. Nhạc sĩ, NSND Phạm Ngọc Khôi cho rằng đó là thực trạng đáng buồn, hiếm hoi lắm mới có nơi sẵn sàng quảng bá cho loại hình này, nhưng thường chỉ được phát sóng vào giờ hành chính hoặc khi người xem… đã đi ngủ!

Cùng với xu hướng hội nhập văn hóa toàn cầu, các tác phẩm mới viết cho nhạc cụ dân tộc Việt Nam đã bắt đầu đến với nhiều quốc gia trên thế giới. Ngoài việc khôi phục và truyền dạy vốn nhạc cổ truyền của cha ông đang có nguy cơ mai một như Nhã nhạc cung đình Huế, Xẩm, Xoan, dân ca, dân nhạc các dân tộc thiểu số… nhiều người kỳ vọng sẽ có những sáng tác mới cho dàn nhạc dân tộc. Có như vậy thì cơ hội giao lưu biểu diễn, truyền bá các tác phẩm âm nhạc truyền thống quốc gia mới thực sự đạt hiệu quả và đem lại thành công; mang tiếng nói, bản sắc độc đáo riêng có của Việt Nam đến với đông đảo bạn bè quốc tế. 

Từ khóa: nhạc cụ, nhạc cụ,nhạc cụ dân tộc,Tác phẩm cho nhạc cụ dân tộc

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả: trung nghĩa/báo văn hóa

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập