Tác nghiệp nơi đảo xa

Cập nhật: 28/12/2022

VOV.VN - Được tác nghiệp nơi biển đảo thiêng liêng là niềm vinh dự lớn đối với mỗi người làm báo. Tham gia hải trình tuyến đảo Tây Nam vào những ngày cuối tháng 12, mỗi người làm báo hiểu hơn về cuộc sống của những người lính nơi đảo xa.

Trong hành trình vươn khơi đến với các đảo tiền tiêu phía Tây Nam của Tổ quốc, dẫu có không ít gian nan, vất vả, nhưng với mỗi phóng viên, nhà báo - đó thực sự là những chất liệu tuyệt vời để có những tác phẩm báo chí phản ánh sinh động nhịp sống của những người lính cùng và nhân dân sinh sống trên đảo, luôn kiên cường trước muôn trùng sóng gió để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đoàn Công tác có 24 phóng viên đến từ 20 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương tham gia tác nghiệp. Bất kể thời tiết biển động hay sóng điện thoại chập chờn, các phóng viên đã gửi tin, bài, phóng sự truyền hình về đơn vị để kịp thời tuyên truyền đến người dân. Dù biết chuyến đi sẽ rất khó khăn với các nhà báo nữ nhưng Thu Hường, Phòng Thời sự chuyên đề (Đài PT-TH Lào Cai) đã đăng ký tham gia. Trong 7 ngày công tác, nhà báo Thu Hường đã thực hiện 10 phóng sự truyền hình về hoạt động của quân dân các đảo. Bên cạnh đó, nhà báo Thu Hường kết nối với nhiều đơn vị để tiếp tục đưa những thông tin về biển, đảo trên Đài PT-TH Lào Cai trong thời gian tới. “Vốn là cựu sinh viên khoa văn, tôi đã sớm tìm hiểu và say mê những câu thơ, những áng văn viết về biển, đảo quê hương. Nhưng đây là lần đầu tôi tham gia chuyến công tác tại vùng biển, đảo. Đây là niềm vinh dự và tự hào, giúp tôi hiểu nhiều hơn về những người dân, những người lính đảo luôn kiên cường trước muôn trùng sóng gió để bảo vệ vững chắc biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Chuyến đi công tác biển đảo là chuyến đi tôi hằng mơ ước và nay đã thành sự thật. Tôi tự hào vì điều đó. Tuổi trẻ dám dấn thân, dám vượt qua khó khăn để chạm tới ước mơ, ước mơ chinh phục những nơi khó khắn. Chúng tôi sẽ cố gắng có những phóng sự chân thực nhất để người dân Lào Cai biết được nhiều hơn về biển đảo quê hương. Tới mỗi điểm đảo, cán bộ công nhân viên Đài PT-TH Lào Cai đều có món quà nhỏ là những đặc sản của tỉnh nhà gửi tới các chiến sĩ để động viên các anh thực hiện tốt nhiệm vụ”, nhà báo Thu Hường bày tỏ.

Nhà báo, Đại úy Anh Thư, Báo Quân đội nhân dân cũng là lần đầu tiên tham gia hải trình tới tuyến đảo Tây Nam. Mỗi điểm đến trong hành trình lại mang tới cho nhà báo Anh Thư những cảm xúc khác nhau, nhưng tựu chung lại là niềm xúc động, bồi hồi khi chứng kiến sự hy sinh thầm lặng, cao cả của những người lính nơi đảo xa. “Mỗi cái Tết qua đi là đánh dấu thêm 1 năm họ xa nhà, xa gia đình, xa quê hương. Nhưng điều mà tôi luôn thấy được ở họ là hình ảnh hiên ngang, đầy sức sống của những người lính. Họ đã tạo ra nên những điều kỳ diệu ở vùng hải đảo xa xôi ấy, nơi tôi được biết một lớp học tình thương gieo con chữ, chắp cánh ước mơ cho bao thế hệ trẻ em nghèo không có điều kiện của thầy giáo Thiếu tá Trần Bình Phục, nơi tôi được nghe những câu chuyện “hũ gạo sẻ đôi, cọng rau bẻ nửa” về tình quân dân, cũng là nơi tôi nhìn thấy những nụ cười lạc quan vượt lên tất thảy những khó khăn và thiếu thốn. Tôi thực sự cảm phục và mong muốn có dịp được quay lại để chứng kiến những thay đổi mà các anh đã góp phần tạo nên ở những vùng đất ấy”, nhà báo Anh Thư bồi hồi.

Còn với nhà báo Duy Sự, Ban Đại diện Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội tại Cần Thơ, dù đã tham gia hải trình đến tuyến đảo Tây Nam Tổ quốc đã tới 7 lần, nhưng những cảm xúc về biển đảo vẫn luôn vẹn nguyên. Khác với điều kiện ở đất liền, các nhà báo khi tác nghiệp trên biển đảo phải đối diện với điều kiện nắng gió, thời gian gấp, lịch trình làm việc dày đặc...Vất vả, khó khăn là vậy, nhưng với mỗi phóng viên, những chất liệu thu được thực sự là niềm tự hào nghề báo. Với kinh nghiệm dày dặn đi đảo, nhà báo Duy Sự đã chia sẻ tận tình những mặt thuận lợi, khó khăn trên các đảo để đồng nghiệp các đơn vị khác nắm bắt được và dễ bề tác nghiệp. “Dù đã đi rất nhiều lần nhưng mỗi chuyến đi vẫn cho tôi những tình cảm rất sâu sắc. Như sau 2 mùa Covid, tham gia chuyến đi, tới các đơn vị, thấy môi trường, cảnh quan ngày một khang trang, đời sống cán bộ, chiến sĩ, nhân dân được nâng lên tôi cũng thấy rất vui”, nhà báo Duy Sự chia sẻ.

Hoàn thành chuyến đi, hơn 20 phóng viên từ các tỉnh thành trong cả nước đã có được những những cảm xúc, trải nghiệm tuyệt vời, cảm nhận sâu sắc, cụ thể hơn về chủ quyền biển đảo; có thêm được thêm tư liệu, số liệu thực tế phục vụ cho công tác tuyên truyền. Chuyến đi cũng giúp mỗi nhà báo có thêm kiến thức về biển đảo và trên hết là họ cảm nhận được tình yêu biển đảo qua mỗi người dân, cán bộ chiến sỹ được gặp trên các đảo Tây Nam. Nhà báo Huỳnh Phương Thanh, Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long chia sẻ: “Tôi thấy được tinh thần yêu nước được bồi đắp, thấy trách nhiệm trong công việc của mình hơn để gửi những tin bài tốt nhất về biển đảo quê hương. Chuyến đi này giúp tôi có thêm kiến thức về biển đảo và thấy tự hào khi được tham gia vào những hành trình công tác như này. Tuổi trẻ chỉ có một lần, vì vậy dù bạn làm bất cứ công việc gì nhưng hãy làm bằng tình yêu và sự tự hào. Tự hào vì là thế hệ trẻ của Việt Nam dám đương đầu, cống hiến.  

Hải trình kéo dài 5 ngày để lại trong mỗi phóng viên, nhà báo những cảm xúc, những kỷ niệm không bao giờ phai. Đó là kỷ niệm đẹp về sự can trường, tình cảm nồng ấm của quân và nhân dân sinh sống trên các đảo; là kỷ niệm về sự san sẻ vượt khó trong suốt hành trình tác nghiệp của đội ngũ phóng viên, nhà báo trong cả nước. Tất cả đều vững niềm tin, cảm phục trước những hy sinh của những chiến sĩ đang ngày đêm vững tay súng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo quê hương./.

Từ khóa: tuyến đảo Tây nam, vùng 5 hải quân, đảo Nam Du, Thổ Chu, Hòn Đốc, Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hải quân Vùng 5, tác nghiệp nơi đảo xa

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập