Tác nghiệp chống dịch Covid-19, phóng viên cẩn trọng để giữ an toàn
Cập nhật: 31/03/2020
VOV.VN - Dù nhiễm bệnh trong hoàn cảnh nào thì trường hợp phóng viên đầu tiên mắc Covid-19 cũng là cảnh báo cho bạn bè đồng nghiệp cần cẩn trọng khi tác nghiệp.
Trong số các ca bệnh mới được phát hiện mắc Covid-19, có trường hợp nhà báo đầu tiên của TTXVN dương tính với SARS- CoV-2 khiến cho cơ quan này đã phải ngừng phát hành một tờ báo giấy trong 2 tuần.
Trường hợp phóng viên này nhiễm bệnh là do tiếp xúc gần với bệnh nhân số 148 ngày 12/3/2020. Dù tiếp xúc trong hoàn cảnh nào thì trường hợp một phóng viên mắc Covid-19 cũng khiến cho các cơ quan báo chí trên toàn quốc coi đây là bài học để vừa cung cấp thông tin đến công chúng, vừa phải đảm bảo sức khỏe cho bản thân.
Đảm bảo an toàn khi tác nghiệp
2 tháng nay, phóng viên Hoàng Lê cùng với đồng nghiệp trong phòng Xã hội của Báo điện tử VOV dường như không có ngày nghỉ kể từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện ở nước ta. Những bản tin về tình hình dịch bệnh, về sức khỏe của những người mắc bệnh liên tục được cập nhật nhanh nhất để truyền tải tới độc giả.
Chị tâm sự, nghề báo là nghề nguy hiểm, mọi kỹ năng, kinh nghiệm tích lũy chưa bao giờ là đủ. Rủi ro luôn có thể xảy đến bất cứ lúc nào và không lường trước hết được, bởi chỉ cần một phút sơ suất thì chính phóng viên sẽ là người bị nhiễm bệnh và làm lây lan dịch bệnh.
“Thường xuyên tác nghiệp ở bệnh viện, nơi đang điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus hay các vùng dịch, bản thân tôi cũng có nhiều lo lắng dù đã chuẩn bị chu đáo trang thiết bị phòng hộ như găng tay, khẩu trang, nước rửa tay, cồn sát khuẩn... Nhưng khi tới môi trường tác nghiệp, thì chính các bác sĩ đã khiến chúng tôi yên tâm hơn. Họ đã hướng dẫn, giải thích để chúng tôi hiểu rõ, hiểu đúng và làm đúng các biện pháp phòng dịch bệnh” – phóng viên Hoàng Lê chia sẻ.
Phóng viên Hoàng Lê (ảnh giữa) cùng các đồng nghiệp trong lần tác nghiệp đưa tin về dịch Covid-19. |
Với chị, nghề báo cần sự dấn thân, nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải đảm bảo an toàn cho chính mình cũng như cho đồng nghiệp. Vì vậy, khi tác nghiệp trong các khu vực có khả năng lây nhiễm, việc đầu tiên cần làm là phải giữ khoảng cách và luôn cẩn thận khi tác nghiệp, đồng thời xin ý kiến của những người có quyền hạn, tham khảo ý kiến của bác sĩ để có thể đảm bảo an toàn nhất.
Là phóng viên ảnh thường xuyên tác nghiệp ở các điểm nóng như Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội), Bệnh viện Bạch Mai... phóng viên Nguyễn Khánh – Báo Tuổi Trẻ hiểu rõ những khó khăn, rủi ro khi phải đối mặt. Anh chia sẻ, trước mỗi vấn đề “nóng”, nhà báo không thể đứng ngoài cuộc mà cần phải lăn xả vào sự kiện để đưa đến cho độc giả một cái nhìn trực quan và khách quan nhất.
“Chuẩn bị chu đáo về nghiệp vụ, chuẩn bị tinh thần chủ động, lạc quan cũng như các phương tiện bảo hộ y tế, bởi rất có thể, những tai nạn nghề nghiệp đáng tiếc có thể xảy ra bất cứ lúc nào. An toàn cho mình là điều tiên quyết trước khi bạn nghĩ đến việc tác nghiệp. Đừng lao vào những sự kiện nóng như một con thiêu thân và trở thành gánh nặng cho người khác” - phóng viên Nguyễn Khánh chia sẻ.
Phóng viên Nguyễn Khánh trong lần tác nghiệp tại khu cách ly đặc biệt Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. |
Còn nhớ lần tác nghiệp ở Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội) - nơi đang là tuyến đầu trong trận chiến chống Covid-19 tại Việt Nam, khi đó đang có 46 ca dương tính và 368 người có dấu hiệu nghi ngờ cao đang được điều trị và cách ly. Để có thể tác nghiệp tại đây, anh đã được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ Y tế cũng như lãnh đạo bệnh viện.
“Do điều kiện tác nghiệp đặc biệt nên phóng viên chỉ có khoảng 20 phút để ghi lại tất cả những hình ảnh tại đây. Đó là một khoảng thời gian vô cùng ít ỏi, nhưng mức độ nguy hiểm không cho phép chúng tôi lưu trú lâu hơn. Trong 20 phút đó, tôi phải vô cùng tập trung và luôn phải giữ một khoảng cách an toàn, tuân thủ những nguyên tắc nhất định.” – phóng viên Nguyễn Khánh cho biết.
Tạo điều kiện cho phóng viên tác nghiệp an toàn
Hiện nay, dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường khi mỗi ngày qua đi, lại có thêm nhiều ca bệnh mới và số người tử vong trên thế giới không ngừng gia tăng. Sau khi có nữ phóng viên đầu tiên tại Việt Nam mắc Covid-19, ông Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, đây là một tin rất đáng lưu tâm đối với các nhà báo trong đại dịch này và chúc nhà báo an tâm điều trị, nhanh chóng bình phục để tiếp tục trở về công tác.
Ông Hồ Quang Lợi. (Ảnh: PetroTimes) |
Theo ông, báo chí luôn luôn ở tuyến đầu của mọi công việc quan trọng, khó khăn của đất nước. Đặc biệt, công tác phòng chống dịch bệnh hiện nay đang là mặt trận nóng bỏng và quan trọng nhất, đội ngũ những người làm báo đang cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đang tập trung sức lực, tinh thần và lực lượng tham gia trên tuyến đầu chống dịch.
“Bên cạnh lực lượng y tế, công an, quân đội, báo chí luôn nêu cao thần sẵn sàng nhận nhiệm vụ, tích cực tham gia vào mặt trận chống dịch Covid-19. Nhưng để hoàn thành tốt nhiệm vụ, bên cạnh tinh thần sẵn sàng thì những nhà báo tác nghiệp trực tiếp tại địa bàn chống dịch cần phải có kiến thức, có kỹ năng, có sự chuẩn bị chu đáo để bảo vệ mình và bảo vệ đồng nghiệp. Đó cũng là trách nhiệm của cơ quan báo chí, của các cấp Hội Nhà báo và của chính bản thân những người làm báo. Bên cạnh đó, các phóng viên, nhà báo cần sự phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ để họ tạo điều kiện cho báo chí tác nghiệp một cách thuận tiện nhất, an toàn nhất” – ông Hồ Quang Lợi cho biết.
Từng có nhiều năm làm nhiệm vụ phóng viên, cũng như trực tiếp tham gia vào các lĩnh vực, các địa bàn khó khăn, ông Hồ Quang Lợi hiểu và chia sẻ với những khó khăn, thách thức hiện nay mà các đồng nghiệp của ông đang phải đối mặt trên mặt trận chống dịch Covid-19. Ông mong muốn các nhà báo thường xuyên rút kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng tác nghiệp để vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, vừa luôn cẩn trọng để bảo vệ mình, giữ an toàn khi tác nghiệp. Ông cũng đề nghị các cơ quan báo chí khi cử phóng viên đi tác nghiệp tại những địa bàn và lĩnh vực có độ rủi ro cao cần quan tâm, tạo những điều kiện tốt nhất, an toàn nhất cho họ.
Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng về việc cấm tụ tập đông người để tránh dịch lây lan, song với sứ mệnh của mình, các cơ quan báo chí vẫn phải làm việc, vẫn phải thực hiện các bản tin, các chương trình phát thanh, truyền hình với đòi hỏi rất cao về tính cập nhật và độ chính xác của thông tin, cho nên hoạt động báo chí không được phép dừng một phút giây nào. Song trước bối cảnh dịch bệnh diễn biến khó lường, phức tạp, Hội Nhà báo Việt Nam mong muốn các cơ quan báo chí nghiên cứu sắp xếp, điều chỉnh chế độ làm việc phù hợp để vừa đảm bảo tính liên tục của thông tin, vừa đảm bảo sự an toàn cho các phóng viên.
“Trong lúc dịch đang diễn biến phức tạp, ngoài những phóng viên trực tiếp tác nghiệp tại địa bàn, các cơ quan báo chí cần sử dụng một cách hiệu quả nhất các nền tảng công nghệ thông tin truyền thông, làm việc online…để giảm thiểu tối đa sự rủi ro cho các nhà báo” – ông Hồ Quang Lợi nhấn mạnh./.
Từ khóa: Covid-19, virus SARS-CoV-2, nhà báo mắc Covid-19, báo chí
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN