Sức sống mới trên huyện nghèo Bá Thước
Cập nhật: 13/03/2020
VOV.VN - Diện mạo nông thôn mới cũng như cuộc sống người dân huyện nghèo Bá Thước đã thực sự thay đổi.
Với triết lý “Kinh doanh gắn liền với trách nhiệm xã hội, cộng đồng” trong 10 năm qua Tập đoàn Viettel đã hỗ trợ có trọng tâm, với cách làm mới, giúp nhiều đồng bào ở huyện Bá Thước thoát nghèo bền vững.
“Bệ phóng” của người nghèo ở Bá Thước
Dựng chiếc xe đạp vào lán, bà Vi Thị Thưa ở thôn Pặt, xã Kỳ Tân, huyện Bá Thước tranh thủ vào đo lại huyết áp rồi về đi lấy cỏ cho bò. Từ ngày trạm y tế xã Kỳ Tân được xây mới và đầu tư khang trang tháng nào đều đặn bà 2 lần vào trạm y tế xã kiểm tra huyết áp và khám sức khỏe.
“Bệnh huyết áp tưởng nhẹ nhưng lại rất nguy hiểm, dạo trước ngại đi khám vì trạm cơ sở vật chất trạm y tế cũ nghèo nàn nên có đợt phải đi cấp cứu vì đột quỵ nhẹ. Giờ có trạm xá mới khang trang, mỗi tháng tôi lên khám và đo huyết áp 2 lần. Nhờ đó, bệnh tình thuyên giảm, tôi ăn được, ngủ được và không bị đau đầu, choáng như trước nữa”- bà Thưa phấn khởi kể.
Từ nguồn vốn hỗ trợ bò giống ban đầu của Viettel gia đình chị Bùi Thị Khoa ở xã Thiết ống, huyện Bá Thước đã mạnh dạn chuyển đổi sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững. |
Trạm y tế xã Kỳ Tân là một trong những công trình an sinh quan trọng mà Viettel đã hỗ trợ xã Kỳ Tân. Khởi công từ tháng 9/2017, Trạm y tế xã Kỳ Tân có tổng mức đầu tư gần 3,9 tỷ đồng, được xây dựng kiên cố với hai tầng, 13 phòng (trong đó có năm phòng lưu trú người bệnh) và đầy đủ các phòng chức năng quan trọng, được trang bị thiết bị hiện đại phục vụ khám, chữa bệnh tuyến đầu cho người dân xã Kỳ Tân và các vùng lân cận.
Dù mới đi vào hoạt động được hơn 1 năm (từ tháng 12/2018) nhưng theo bác sĩ Hà Thị Dung, Trạm trưởng Trạm y tế xã Kỳ Tân cho biết, Trạm y tế mới đã làm thay đổi đáng kể điều kiện dân sinh trong vùng nhất là góp phần thay đổi tục quản tự chữa bệnh ở nhà.
“Trạm y tế khang trang hơn, trang thiết bị được đầu tư nhiều hơn nên tỷ lệ người dân đi khám tăng gần gấp 2 lần so với năm 2018. Tính đến đầu tháng 12/2019 đã có hơn 3.000 lượt người đi khám bệnh. Đặc biệt công tác chăm sóc bà mẹ dân số - kế hoạch hóa gia đình đã được nâng cao rõ rệt. Nhờ đó trong năm 2019 không có tai biến sản khoa và tai biến sau thực hiện các biện pháp tránh thai” – bác sĩ Hà Thị Dung cho biết.
Nhìn ngôi nhà mái tôn vững chãi cùng chiếc xe ô tô 7 chỗ chẳng ai nghĩ trước kia chủ hộ vốn là hộ nghèo thâm niên của xã Thiết Ống. Có được cơ ngơi này chị Bùi Thị Khoa 32 tuổi hóm hỉnh chia sẻ: Chính Viettel là người đã tiếp thêm sức mạnh để hai vợ chồng đánh liều vay tiền mua ô tô để chạy thuê. Vợ chồng tôi cưới nhau với hai bàn tay trắng, sinh con ra cuộc sống càng khó khăn gấp bội, con nhỏ nhưng tôi vẫn buộc phải gửi con xuống thành phố cách nhà gần 100km để làm công nhân với mức thu nhập chưa đến 3,5 triệu đồng. Số tiền này tằn tiện cũng không đủ nuôi con. Năm 2015 được sự hỗ trợ bò giống sinh sản của Viettel cuộc sống gia đình tôi đã thực sự bước sang một khởi đầu mới.
Sau 3 năm gia đình anh Cao Văn Hải ở thôn Thiết ống, xã Quyết Thắng đã sở hữu 3 chú bò sinh sản. |
“Từ con bò giống hỗ trợ ban đầu nhờ chăm sóc và nuôi tốt mỗi năm tôi có được một lứa bê. Bán lứa bê đầu tiên được 15 triệu, có chút vốn chồng tôi đã xin đi học lái xe và chạy xe thuê. Có công việc ổn định cuộc sống gia đình tôi dần khá lên và có chút tích lũy. Đến năm 2019 thì hai vợ chồng bàn nhau mạnh dạn vay thêm bạn bè, ngân hàng chính sách mua ô tô chạy dịch vụ. Giờ số tiền nợ ngân hàng tuy vẫn còn nhiều nhưng hiện trong chuồng đã có 5 con bò mẹ, bò con nên chắc chắn gia đình sẽ không bị tái nghèo” – chị Khoa hóm hỉnh chia sẻ.
Hiệu quả từ cách làm khác
Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Trưởng phòng phát triển nông nghiệp và nông thôn huyện Bá Thước cho biết, những hộ dân vươn lên thoát nghèo nhờ sự hỗ trợ sinh kế của Viettel như gia đình chị Khoa không phải là hiếm ở Bá Thước. Theo thống kê từ năm 2015 đến nay số hộ nhận bò giống sinh sản của Viettel thì tỷ lệ thoát nghèo luôn đạt ở mức 70%, số còn lại hộ cận nghèo.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Tâm, Bá Thước, hỗ trợ của Viettel đem lại hiệu quả thiết thực nhất trong số các chương trình xã hội hoá công tác giảm nghèo.
“Khi hỗ trợ nhân dân ở huyện Bá Thước theo Chương trình 30A, Viettel không chỉ tặng bò hỗ trợ sinh kế, hay tặng nhà làm chốn an cư cho người nghèo mà còn tổ chức các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi để người dân sử dụng hiệu quả các ‘quà tặng’ đó. Đồng thời, Viettel thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng để theo dõi, trao đổi kinh nghiệm, áp dụng công nghệ kỹ thuật cho người dân trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi” – ông Nguyễn Văn Tâm nói.
Với sự hỗ trợ thiết thực này, tỷ lệ hộ nghèo ở Bá Thước giảm từ 50,14% năm 2010 xuống chỉ còn 7,26% hộ nghèo vào năm 2019 (theo tiêu chí mới). Huyện Bá Thước đang phấn đấu đến năm 2020 sẽ thoát khỏi danh sách huyện nghèo.
Bà Trương Thị Tiếp, Chủ tịch Hội chữ Thập đỏ tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: “Viettel còn chú trọng đồng hành cùng người dân với công trình thiết yếu như trạm y tế, trường học, hạ tầng CNTT cho địa phương… Đây là những thứ hỗ trợ cho người dân vươn lên thoát nghèo bền vững” – bà Trương Thị Tiếp khẳng định.
10 năm hỗ trợ 250 tỷ đồng để giảm nghèo
Sau 10 năm, Viettel đã hỗ trợ gần 250 tỷ đồng cho hơn 4.700 hộ nghèo ở 3 huyện miền núi Mường Lát, Bá Thước (Thanh Hóa) và Đắkrông (Quảng Trị) để xây dựng nhà ở, tặng bò giống, xây dựng trường học, trạm y tế. Nỗ lực này giúp giảm tỉ lệ hộ nghèo tại các huyện trung bình đạt 6,85%/năm - cao hơn 2,85% so với mục tiêu giảm nghèo của địa phương theo Nghị quyết 30a của Chính Phủ.
Đến nay, Viettel đã trao hơn 2.500 con bò giống, 2.200 ngôi nhà đến tận tay các hộ nghèo tại 3 huyện (Mường Lát gần 1.200 con & 355 ngôi nhà, Bá Thước gần 700 con bò & 440 ngôi nhà, Đắkrông gần 600 con bò & 1.469 ngôi nhà). Song song, Viettel cũng tài trợ xây dựng 13 công trình (gồm 8 trạm y tế, 3 trường học, 2 nhà bán trú) trên địa bàn 3 huyện Bá Thước, Mường Lát (Thanh Hóa) và Đắkrông (Quảng Trị)./.
Viettel chính thức cung cấp dịch vụ MultiSIM
Từ khóa: Viettel, nông thôn mới, người dân nghèo, Bá Thước, Thanh Hoá
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN