Sức nóng Kỳ thi THPT chuyên Sư phạm Hà Nội
Cập nhật: 01/06/2022
Bà Rịa – Vũng Tàu đưa nhiều vụ tàu cá vi phạm IUU ra xét xử
Công an Bình Dương, Bình Phước phát hiện và thu giữ số lượng lớn pháo nổ trái phép
[VOV2] - Tuấn Phong cho biết, sở dĩ em quyết tâm vào trường chuyên vì hiện nay trong xét tuyển đại học, nếu là học sinh trường chuyên thì sẽ có lợi thế hơn hẳn so với học ở các trường khác khi được ưu tiên xét tuyển.
Sáng 1/6, hơn 5.400 thí sinh dự thi tuyển sinh lớp 10 THPT chuyên Sư phạm Hà Nội. Năm học 2022-2023 trường tuyển 305 chỉ tiêu. Ngay từ sáng sớm, nhiều phụ huynh đã đưa con đến trường thi khiến tuyến đường Xuân Thủy, Cầu Giấy ùn tắc cục bộ.
Phụ huynh trải chiếu, đọc sách đợi con thi chuyên
Cách trường thi khoảng 12km nên từ 5h45 phút, 2 mẹ con chị Nguyệt ở quận Hoàng Mai đã xuất phát. Buổi sáng con thi 2 môn Toán và Văn, hơn 11h trưa mới xong nên chị Nguyệt và các phụ huynh khác rủ nhau trải chiếu, ngồi đọc sách để “giết” thời gian. Ngoài thi chuyên Sư phạm, con chị Nguyệt còn đăng ký thi chuyên Ngoại ngữ và chuyên Nguyễn Huệ.
“Con đã ôn chuyên mấy năm nay, đây cũng là cơ hội cọ xát. Nếu được vào chuyên con sẽ được va chạm với nhiều bạn học tốt. Đó cũng là mong muốn của bố mẹ nhưng nếu không được thì cũng không sao vì còn các nguyện vọng khác”, chị Nguyệt cho biết không đặt áp lực và luôn nhắc nhở cháu “trường đời nhiều con đường khác nhau, không phải cứ vào chuyên hay vào tốp đầu”.
Nhà ở tận huyện Hoài Đức nên từ 5h30, 2 mẹ con chị Hạnh đã chở nhau tới trường thi. Chị Hạnh không kỳ vọng con đỗ được vào chuyên Anh của trường THPT Chuyên Sư phạm, chỉ mong con đỗ vào cận chuyên là cả nhà phấn khởi.
“Trước đó cháu cũng thi thử online, thi thử trực tiếp hôm 8/5, thi thử chuyên ngữ kết quả không được cao lắm, chỉ được 5.5 điểm do đề khó, tỷ lệ chọi cao quá, con muốn học cận chuyên nhưng không biết có “đấu” được không.
Chị Hạnh cho biết hôm nào con cũng học tới 12h, ăn ngủ thì thất thường. “Cũng nói với con là nếu mệt có thể dừng, thỉnh thoảng cũng nhắc cháu đi ngủ sớm đi vì sợ nó trầm cảm”.
Trong Kỳ thi tuyển sinh vào trường THPT Chuyên Sư phạm Hà Nội, nhiều phụ huynh từ nhiều tỉnh cũng đưa con đi thi.
Cách Hà Nội 120 km, anh Tô Duy Cương ở thôn Bắc, Huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình đưa con lên Hà Nội từ hôm qua (31/5). Sáng nay 2 bố con đến trường thi từ rất sớm. Ngoài thi chuyên Sư phạm, cháu còn đăng ký thi THPT chuyên Thái Bình.
“Cũng kỳ vọng cháu sẽ đỗ chuyên nhưng gia đình không đặt áp lực lên cháu, sợ cháu mệt mỏi”.
Quách Nguyễn Anh Ngọc, học sinh lớp 9 trường THCS Thành Công, Thanh Hóa là thí sinh vượt chặng đường xa nhất để tham gia thi vào trường chuyên Sư phạm. Sắp tới em còn thi vào THPT Chuyên Ngoại Ngữ (Đại học Quốc Gia Hà Nội).
Cách đây 2 ngày em đã khăn gói lên Hà Nội. Ngọc khẳng định vào trường chuyên là ước mơ từ nhỏ của em. Nếu đỗ trường chuyên Sư phạm em sẽ lên Hà Nội ở với chị của mình và theo học ngôi trường này.
Vì sao phải là chuyên?
Bước ra từ phòng thi, Minh Hà – học sinh lớp 9 Trường THCS Hà Nội - Amsterdam cho biết, em làm tốt môn Văn còn môn Toán hơi khó.
Nữ sinh dí dỏm “năm em sinh ra là năm lợn vàng, nhà nhà, người người thi nhau đẻ, vô tình khiến con cháu mình gánh còng lưng, nhưng em mong được quý nhân phù trợ”.
Ngoài thi chuyên Sư phạm, Hà còn thi chuyên Ngoại Ngữ, chuyên Chu Văn An và THPT Khoa học giáo dục (trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội).
“Em phấn đấu phải vào trường chuyên để có nền tảng vững chắc tiến xa hơn để đi học đại học và sau đó là du học, đó là xu hướng hiện tại. Trước khi đi thi thầy cô giáo cũng tạo cho em tâm thế thoải mái. Em rất yêu thích trường này nhưng nếu không đỗ thì vẫn ổn và biết là không nên tạo áp lực nặng nề quá”. Tuy nhiên, nữ sinh trường Ams thành thật, bản thân đã là học sinh chuyên nếu không đỗ vào trường chuyên “chắc chắn em sẽ thất vọng lắm, lắm, lắm”.
Để chuẩn bị cho thi chuyên vào lớp 10, Nguyễn Vũ Tuệ Giang, học sinh trường THCS Marie Curie đã chuẩn bị từ đầu cấp 2. “Em học khá nhiều, ôn luyện đề, xem trên youtube nữa”.
Dù bố mẹ không gây áp lực bắt con phải đỗ chuyên nhưng nữ sinh cho biết em tự đặt áp lực cho mình “mẹ em bảo không đỗ thì vào trường tư học nhưng em nghĩ mình nên vào trường chuyên để vào ĐH tốt, em thích môi trường cạnh tranh ở trường chuyên hơn, trường tư rất dễ để đứng đầu nhưng trường chuyên thì luôn có bạn giỏi hơn mình”.
Ngoài thi chuyên Sư phạm, Ngô Tuấn Phong, học sinh lớp 9 Trường THCS Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng đăng ký thi chuyên Anh vào các trường chuyên Ngoại Ngữ, chuyên Nguyễn Huệ.
“Em chưa biết là mình thực sự thích trường chuyên nào, coi như mình thích tất cả, đỗ trường nào sẽ học trường đó. Nếu không đỗ được sư phạm thì em sẽ cố gắng cho các bài thi tiếp theo ở các trường chuyên khác”.
Tuấn Phong cho biết, sở dĩ em quyết tâm vào trường chuyên vì hiện nay trong xét tuyển ĐH, nếu là học sinh trường chuyên thì sẽ có lợi thế hơn hẳn so với học ở các trường khác khi được ưu tiên xét tuyển.
Tuy không kỳ vọng đỗ chuyên nhưng đây cũng là lý do mà Vũ Ngọc Quang, học sinh lớp 9 Trường THCS Mai Dịch phấn đấu thi chuyên. Bên cạnh đó, nguyện vọng 1 của nam sinh là vào trường THPT Yên Hòa – trường có tỉ lệ chọi cao nhất ở Hà Nội. Điều này làm nam sinh có phần lo lắng.
Kết thúc 2 bài thi Văn, Toán, Quang cho biết đề khó khó hơn những đề em từng học qua. Em hơi tiếc vì một số câu toán chưa làm được. Năm nay em học không tập trung như những năm trước do có quãng thời gian dài học online.
TS. Vũ Văn Tiến, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Đại học sư phạm Hà Nội cho biết, mùa thi năm trước do dịch bệnh căng chỉ có học sinh Hà Nội đến trường thi trực tiếp; học sinh tỉnh ngoài không thi đợt 1 đến đợt 2 mới thi còn năm nay trường chỉ tuyển 1 đợt. Cấu trúc đề thi bám sát sách giáo khoa, thí sinh chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản.
Thống kê của Trường THPT Chuyên Đại học sư phạm Hà Nội cho thấy có hơn 5.400 thí sinh dự thi vào trường. Trong đó có 943 thí sinh thi chuyên Toán. 359 thí sinh thi chuyên Tin. 506 thí sinh thi chuyên Lý. 395 thí sinh thi chuyên Sinh. 713 thí sinh thi chuyên Hóa. 642 thí sinh thi chuyên Văn. 1921 thí sinh thi chuyên Anh.
Từ khóa: thi chuyên, trường THPT Chuyên Đại học sư phạm, vov2
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2