Sức mạnh đáng gờm của MiG-31BM – tiêm kích “bất khả chiến bại” trên chiến trường
Cập nhật: 11/12/2022
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - MiG-31BM là một trong số các biến thể mới của MiG-31 - tiêm kích đánh chặn tầm xa siêu thanh 2 chỗ ngồi, có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết.
Các đơn vị không quân của Quân khu miền Trung (TsVO) của Nga, đồn trú tại vùng lãnh thổ Krasnoyarsk vừa tiếp nhận 2 tiêm kích đánh chặn nâng cấp MiG-31BM.
MiG-31BM là một trong số các biến thể mới của MiG-31 - tiêm kích đánh chặn tầm xa siêu thanh 2 chỗ ngồi, có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, (định danh NATO là Foxhound 'Chó săn cáo') có từ thời Liên Xô. Đây là loại máy bay chiến đấu tầm xa đa năng, di chuyển với tốc độ cao, có khả năng tấn công cả mục tiêu trên không và dưới mặt đất.
MiG-31BM có hệ thống điện tử hàng không được nâng cấp, sử dụng cần điều khiển HOTAS, màn hình hiển thị tinh thể lỏng đa chức năng (MFD), hệ thống máy tính tích hợp mạnh mẽ, liên kết dữ liệu kỹ thuật số và radar mảng pha điện tử. Đây được cho là phiên bản máy bay đánh chặn hiệu quả nhất của MiG-31. Theo truyền thông Nga, MiG-31BM là một trong số ít máy bay chiến đấu của Nga có thể đánh chặn và bắn hạ tên lửa hành trình bay ở độ cao thấp. Nó có thể được trang bị nhiều loại tên lửa không đối không và không đối đất của Nga. Đáng chú ý, máy bay có khả năng đánh chặn đồng thời 24 mục tiêu.
Không quân Nga có khoảng 252 chiếc MiG-31 trong kho dự trữ. Moscow bắt đầu nâng cấp tiêm kích Foxhound này lên biến thể MiG-31BM và BSM vào năm 2010. Hiện tại, Nga có ba trung đoàn MiG-31BM, vận hành 90 máy bay thuộc loại này.
Chiến đấu cơ chưa một lần bị bắn hạ trên chiến trường
MiG-31BM được coi là một trong những biến thể mạnh nhất của dòng máy bay đánh chặn MiG-31. Nó đã chứng minh hiệu quả ưu việt hơn so với các loại máy bay chiến đấu khác được triển khai trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, chẳng hạn như Su-30SM và Su-35S, mặc dù 2 loại máy bay này đã gây ra nhiều thiệt hại cho quân đội Ukraine trong khi chiến đấu.
Các phi công Ukraine và nhiều chuyên gia quân sự thừa nhận, Su-30SM và Su-35S của Nga hoàn toàn vượt trội so với các máy bay chiến đấu của Không quân Ukraine. Nhưng đối với Ukraine, trong cuộc chiến trên bầu trời, ưu tiên không phải là giành ưu thế trên không mà là ngăn chặn các cuộc tấn công của chiến đấu cơ Nga bằng cách sử dụng một loạt hệ thống phòng không.
Ukraine triển khai các hệ thống phòng không tầm trung và tầm xa, như S-300 và Buk-M1, buộc các máy bay chiến đấu của Nga phải bay ở độ cao dưới 4.500 m, dễ rơi vào tầm bắn của hệ thống phòng không di động. Nga được cho là đã mất ít nhất 1 chiếc Su-35S và 11 chiếc Su-30SM trên chiến trường.
Nếu như một số chuyên gia quân sự hoài nghi về hiệu quả của Su-30SM và Su-35S thì đối với MiG-31BM, họ cho rằng, đây là chiến đấu cơ có sức mạnh và hiệu quả không thể bàn cãi. MiG-31BM đặc biệt trở nên lợi hại khi kết hợp với tên lửa đất đối không tầm xa R-37M. Sự kết hợp này đã mang đến nhiều ưu thế cho không quân Nga. Đến thời điểm hiện tại, chưa có bất cứ thông tin hay báo cáo nào về việc MiG-31BM bị bắn hạ trong chiến đấu.
Theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu quốc phòng và an ninh thuộc Bộ Quốc phòng Anh (Royal United. Services Institute - RUSI) công bố trong thời gian gần đây, các cuộc tuần tra phòng thủ của Không quân Nga đã chứng minh hiệu quả cao trong việc đối phó với máy bay chiến đấu của Ukraine. Tiêm kích MiG-31BM kết hợp với tên lửa đất đối không tầm xa R-37M đã gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng cho các phi công Ukraine.
Báo cáo của RUSI nói rằng Su-27, máy bay đánh chặn tốt nhất của Không quân Ukraine, không thể sánh được với MiG-31 về độ cao, tốc độ hoặc tầm hoạt động. MiG-31 có thể di chuyển với tốc độ Mach 2,5 trong thời gian ngắn và bay ở độ cao khoảng 18 km, tầm hoạt động hơn 700 km.
Ngoài ra, tên lửa R-37M có tầm bắn 300 km, tốc độ hơn 7.400km/giờ. Ngược lại, tên lửa R-27 mà Su-27 Ukraine sử dụng chỉ có thể bắn hạ mục tiêu nằm cách 50 km.
Các chuyên gia tại RUSI thừa nhận “Nhờ tốc độ cực lớn cùng tầm bắn hiệu quả và thiết bị tìm kiếm được thiết kế để tấn công các mục tiêu ở độ cao thấp, R-37M trở thành tên lửa cực khó bắn hạ”. Điều này mang lại cho Foxhound nhiều lợi thế hơn so với các máy bay chiến đấu của Ukraine, cho phép chúng bắn vào bất kỳ mục tiêu nào trên không nào và nhanh chóng lẩn tránh hệ thống phòng không của đối phương.
MiG-31K và tên lửa Kh-47 Kinzhal
Ngoài MiG-31BM, Nga cũng sử dụng một biến thể khác của MiG-31 được trang bị tên lửa siêu thanh Kh-47 Kinzhal để tấn công các mục tiêu trong chiến dịch quân sự tại Ukraine. Đó là MiG-31K.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, ban đầu MiG-31BM được chỉ định là chiến đấu cơ mang tên lửa siêu thanh Kinzhal, nhưng sau quá trình xem xét, quân đội nước này đã lựa chọn MiG-31K. Tên lửa Kh-47 Kinzhal được cho là có tầm bắn 2.000 km. Nó có thể mang đầu đạn phân mảnh nặng gần 500 kg hoặc đầu đạn hạt nhân 500 kiloton, mạnh gấp 33 lần quả bom nguyên tử Mỹ từng thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản.
Tên lửa có thể di chuyển với tốc độ gấp 5 đến 12 lần tốc độ âm thanh và bay theo quỹ đạo phẳng hơn so với tên lửa đạn đạo tiêu chuẩn, khiến lực lượng phòng không đối phương không có rất ít thời gian để phản ứng. Ngoài ra, tên lửa rất khó bị đánh chặn do khả năng cơ động ở tất cả các giai đoạn trong hành trình bay. Kh-47 Kinzhal có thể tấn công chính xác cả mục tiêu cố định lẫn mục tiêu di động nhờ sự trợ giúp của hệ thống tìm kiếm bằng radar.
Trước đó ngày 19/3, Nga tuyến bố sử dụng tên lửa Kinzhal phá hủy một kho vũ khí ở làng Deliatyn thuộc vùng Ivano-Frankivsk ở miền tây Ukraine, đánh dấu lần đầu tiên vũ khí siêu thanh được sử dụng trong chiến đấu. Do tên lửa Kinzhal chỉ có thể được sử dụng cho máy bay bay ở tầm cao với tốc độ cực nhanh nên tiêm kích đánh chặn MiG-31K được cho là phù hợp nhất. Nga đã tăng cường triển khai các máy bay MiG-31K ở khu vực Kaliningrad như một phần của các biện pháp răn đe chiến lược để đối phó phương Tây./.
Từ khóa: xung đột nga ukraine, chiến tranh nga ukraine, tiêm kích đánh chặn MiG-31BM, máy bay chiến đấu MiG-31BM, sức mạnh của MiG-31BM, máy bay chiến đấu nga, MiG-31BM kết hợp với tên lửa đất đối không tầm xa R-37M, tên lửa đất đối không tầm xa R-37M, tên lửa siêu thanh Kinzhal, máy bay chiến đấu MiG-31K, biến thể của máy bay MiG-31, tiêm kích bất khả chiến bại, máy bay chưa từng bị bắn hạ trên chiến trường, máy bay đánh chặn tầm xa siêu thanh
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN