Sức mạnh của lá phiếu cử tri trong cuộc bầu cử Mỹ tháng 11

Cập nhật: 2 giờ trước

VOV.VN - Những lá phiếu cử tri đang chứng minh sức nặng của mình trong chặng cuối của cuộc bầu cử Mỹ, trong bối cảnh cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang hối thúc cử tri đi bỏ phiếu sớm.

Lợi thế từ xu hướng bỏ phiếu sớm

Bắt đầu từ giữa tháng 9, một số bang như Minnesota, Nam Dakota hay Virginia đã tổ chức bỏ phiếu sớm, có thể theo hình thức bỏ phiếu trực tiếp tại hòm phiếu nhưng bỏ phiếu qua thư là lựa chọn phổ biến nhất. Ý nghĩa lớn nhất của việc bỏ phiếu sớm là hoạt động này có thể tiết lộ thông tin về tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu. Tại các bang có tỷ lệ bỏ phiếu sớm cao, chẳng hạn như Arizona, Bắc Carolina hay Texas có thể cung cấp thông tin về tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trên toàn quốc nói chung. Mức độ bỏ phiếu sớm có thể giúp xác định kịch bản tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu tác động đến kết quả bầu cử. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các cử tri mà tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu có thể tác động đến kết quả chung cuộc, ví dụ như gương mặt mới trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay, Phó Tổng thống Kamala Harris.

Theo thông lệ, trước ngày bầu cử thường có "làn sóng xanh", khi các cử tri Dân chủ là những người ưa thích bỏ phiếu sớm. Tuy nhiên, trong ngày bầu cử thì xu hướng lại ngược lại, với làn sóng đỏ, khi đa số cử tri Cộng hòa thường đi bỏ phiếu trực tiếp đúng ngày 5.11. Theo đó, nếu đảng Dân chủ dẫn đầu trong các cuộc bỏ phiếu sớm thì họ có cơ hội dành thắng lợi chung cuộc. Còn nếu đảng Dân chủ thất bại thì gần như đảng Cộng hòa sẽ giành chiến thắng. Điều này không chỉ áp dụng cho cuộc bầu cử Tổng thống mà còn đúng với các cuộc bầu cử nghị sỹ, thống đốc bang,...

Chính vì thế, đây cũng chính là lý do đảng Dân chủ và ứng cử viên Kamala Harris đang nỗ lực vận động cử tri của mình đi bỏ phiếu sớm nhằm tìm kiếm lợi thế. Về phía cựu Tổng thống Donald Trump, mặc dù tiếp tục chỉ trích việc bỏ phiếu qua thư đầy rẫy gian lận nhưng ông này cũng đã kêu gọi cử tri đảng Cộng hòa đi bỏ phiếu sớm nhằm cạnh tranh từ sớm với đảng Dân chủ.  

Khả năng "phản thùng" của cử tri Mỹ

Trong lịch sử Mỹ, 99% đại cử tri thuận theo lựa chọn của bang; nhưng cũng có không ít trường hợp đại cử tri “phản thùng" - tức bỏ phiếu ngược với kết quả kiểm phiếu phổ thông. Điều này đã từng xảy ra năm 2016 với cả hai ứng cử viên Tổng thống là bà Hillary Clinton và ông Donald Trump. 

Việc đại cử tri "phản thùng", không trung thành, hay không bỏ phiếu cho ứng cử viên mà họ đã cam kết với cử tri phổ thông trước đó hoàn toàn có thể xảy ra trong kỳ bầu cử năm nay. Việc cử tri "phản thùng" đã từng xảy ra nhiều lần trong lịch sử bầu cử của Mỹ khi các quy định bầu cử tại từng bang là khác nhau và có thể được điều chỉnh, sửa đổi theo từng giai đoạn. Hiến pháp Mỹ không quy định bất kỳ bang nào phải thực thi luật để trừng phạt những cử tri không trung thành, và một đạo luật liên bang như vậy có thể sẽ bị coi là vi hiến. Theo quy định hiện nay, có đến 21 bang không bắt buộc các thành viên đại cử tri đoàn bỏ phiếu cho ứng cử viên do đảng lựa chọn, 29 bang còn lại, bao gồm cả thủ đô Washington D.C, có đề xuất hình phạt dành cho các đại cử tri phản thùng, ví dụ như phạt tiền.

Tuy nhiên, việc đại cử tri "phản thùng" không ảnh hưởng đến kết quả chung cuộc. Trong lịch sử 58 cuộc bầu cử Tổng thống, đã có 90 cử tri thực sự bỏ phiếu lệch với cam kết trước đó nhưng chỉ có duy nhất 1 phiếu đại cử tri là bỏ cho ứng cử viên đối lập trong cuộc bầu cử năm 1796. Hai phần ba trong số phiếu đại cử tri lệch chuẩn là do ứng cử viên của đảng qua đời trong khi các phiếu còn lại chủ yếu là bầu cho ứng cử viên khác.

Trong cuộc bầu cử năm 2016, đã có 10 phiếu đại cử tri lệch so với cam kết trước đó nhưng không phải là bỏ phiếu cho ông Trump mà là bỏ phiếu cho một ứng cử viên khác. Đối với ứng cử viên Phó Tổng thống, đã có 75 trường hợp cử tri bỏ phiếu cho Tổng thống nhưng lại không bầu cho Phó Tổng thống. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay chưa có trường hợp nào mà các đại cử tri "phản thùng" làm sai lệch kết quả chung cuộc.

Việc đại cử tri "phản thùng" hoàn toàn có thể diễn ra trong mọi cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ và cuộc bầu cử năm nay cũng không phải là một ngoại lệ. 

Từ khóa: Mỹ, bầu cử Mỹ, cử tri,Minnesota,bầu cử mỹ

Thể loại: Thế giới

Tác giả: pv/vov-washington

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập