VOV.VN - Business Insider đã chỉ ra những loại mìn được sử dụng trên chiến trường ở Ukraine và mối đe dọa của chúng đối với lực lượng Nga và Ukraine.
Để ứng phó với cuộc phản công đang diễn ra của Ukraine, Nga đã thiết lập những bãi mìn dày đặc, chiến hào và các hệ thống công sự.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cho biết một trong những thách thức lớn nhất với chiến dịch phản công của nước này là những bãi mìn Nga lập ra trong phòng tuyến nhiều lớp ở miền Nam và miền Đông Ukraine.
“Những bãi mìn trải dài hàng trăm km, hàng triệu thiết bị kích nổ, ở một số nơi trên tiền tuyến, mật độ rải mìn lên đến 5 quả/m2”, ông Reznikov cho biết ngày 13/8.
Mặc dù mìn đã được sử dụng phổ biến trong các cuộc chiến ở thế kỷ 20, nhưng loại vũ khí này vẫn được sử dụng thường xuyên vì giá rẻ, dễ sản xuất và có hiệu quả cao trong việc tấn công đối phương.
Mìn sát thương
Mìn sát thương chống bộ binh thường chia ra làm hai loại chính là mìn nổ mảnh và mìn phân mảnh.
Mìn nổ mảnh là loại mìn phổ biến nhất, được thiết kế để gây thương tích nặng hoặc thương vong cho đối phương. Theo trang Howstuffworks của Mỹ, mìn nổ được chôn dưới mặt đất chỉ vài mét và thường được kích nổ bằng áp lực nặng từ 4,9–16kg.
Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) cho biết, những nhân viên rà phá bom mìn đã tìm thấy và vô hiệu hóa mìn nổ PMN-2 và PMN-4 ở Ukraine. Theo HRW, PMN-2 là một loại mìn có hình tròn, có vỏ bằng nhựa, lưu ý thêm rằng Ukraine đã phá hủy kho dự trữ loại mìn này vào năm 2003.
Một loại mìn nổ khác đã gây tranh cãi trong cuộc xung đột Nga – Ukraine là mìn PFM-1 với biệt danh “Cánh hoa”. PFM-1 nặng khoảng 80gr, được làm từ polyethylen và được rải trên mặt đất bằng thiết bị rải mìn từ xa.
Loại mìn này có màu xanh lá cây hoặc màu nâu, dài 12cm và rộng 6,5cm. Do kích thước nhỏ nên loại mìn này khó bị phát hiện, đặc biệt là trong bóng tối. PFM-1 thường được dùng để gây thương vong cho bộ binh.
Mìn PFM-1 là vũ khí bị cấm theo Công ước cấm mìn sát thương cá nhân năm 1997.
Trước đó, chính quyền Cộng hòa nhân dân Lugansk tự xưng thông báo đã tìm thấy mìn PFM-1 ở những khu vực mà quân đội Ukraine bỏ lại khi rút lui.
Trong khi đó, mìn phân mảnh, khi phát nổ sẽ khiến các mảnh thủy tinh hoặc kim loại bắn theo nhiều hướng khác nhau.
HRW cho biết đã tìm thấy các quả mìn phân mảnh giới hạn OZM-72 được sử dụng trên chiến trường ở Ukraine.
Mìn phân mảnh OZM-72 được phát triển ở Liên Xô từ đầu những năm 1970 nhưng hiện vẫn được sử dụng. Mìn OZM-72 bao gồm một ống bọc bằng thép, một lượng chất nổ và các đầu đạn nổ, trong đó có 660gr thuốc nổ TNT và 2.400 nguyên tố gây nổ.
Ngòi nổ của OZM-72 được kích hoạt trong trường hợp có áp lực tác động vào dây thép. Sau khi bị kích nổ, lượng thuốc nổ bắn lên cách mặt đất 60-80cm. Bán kính sát thương của mìn OZM-72 là 25m.
VOV.VN - Ẩn mình sau các rặng cây thấp, hệ thống pháo phản lực hỏa thần nhiệt áp TOS-1A Solntsepyok dồn dập trút bão lửa lên các cứ điểm và hầm hào của Ukraine. Solntsepyok tỏ ra hiệu quả trước các mục tiêu ẩn nấp kỹ.
Mìn chống tăng
Mìn chống tăng là loại vũ khí có sức công phá mạnh hơn nhiều so với mìn sát thương. Loại mìn này được thiết kế để làm hư hỏng hay phá huỷ các phương tiện, xe cơ giới như xe tăng, xe bọc thép, thiết giáp. So với mìn sát thương, mìn chống tăng có kích thước lớn hơn và chứa nhiều thuốc nổ hơn.
Theo Howstuffworks, để kích nổ mìn chống tăng cần một áp lực lớn khoảng 158 – 338kg. Trên chiến trường ở Ukraine, có nhiều loại mìn chống tăng đã được sử dụng, bao gồm PTM-1 và TM-62M. Cả Nga và Ukraine đều có nguồn cung mìn chống tăng.
PTM-1 là một quả mìn hình chữ nhật, thân bằng nhựa, được thả xuống từ máy bay trực thăng hoặc bắn từ hệ thống pháo phản lực phóng loạt. Loại mìn này có trọng lượng nhỏ, chỉ khoảng 1,5kg. PTM-1 đã được nâng cấp thành nhiều phiên bản khác nhau như PTM-3, PTM-4. Chúng đều có những tính năng của PTM-1.
Một trong những loại mìn chống tăng có khả năng gây sát thương cao là TM-62M. Loại mìn này hình tròn lớn, có vỏ kim loại, bên trong chứa 7,5kg thuốc nổ. Với lượng thuốc nổ này, TM-62M khi phát nổ đủ để làm hỏng trục lăn bánh xích, phá hủy sự cân bằng của xe tăng khiến chúng khó có thể hoạt động bình thường.
Mối đe dọa đối với xe tăng phương Tây
Nga đã xây dựng hệ thống phòng thủ kiên cố, bao gồm các chiến hào rộng lớn, dây thép gai, bãi mìn và hào chống tăng, để đẩy lùi cuộc phản công của Ukraine. Trong một số trường hợp, quân đội Ukraine đã phải bỏ lại trên chiến trường xe tăng và xe chiến đấu bộ binh bị mắc kẹt trong chiến hào lầy lội hoặc giữa các bãi mìn. Trong các trường hợp khác, lực lượng Ukraine phải giảm tốc độ tấn công hoặc dừng lại.
Ukraine đã phải thay đổi chiến lược phản công vào mùa hè này sau khi nhiều xe tăng và xe chiến đấu bộ binh do phương Tây cung cấp bị mắc kẹt trong các cánh đồng rải đầy mìn. Điều này khiến xe tăng của Ukraine dễ bị nhắm mục tiêu bởi pháo binh Nga và máy bay không người lái tấn công.
Khi hạn chế trước những bãi mìn của các phương tiện như xe chiến đấu bọc thép Bradley do Mỹ sản xuất bộc lộ trên chiến trường, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, Tướng Valeriy Zaluzhny, đã đề nghị phương Tây cung cấp cho Kiev các máy bay chiến đấu hiện đại như F-16 do Mỹ sản xuất để cải thiện năng lực tấn công.
“Chúng tôi không thể làm bất cứ điều gì chỉ với việc triển khai những chiếc xe tăng được bảo vệ bằng một vài lớp giáp vì các bãi mìn quá rộng. Sớm hay muộn, xe tăng cũng phải dừng lại và bị tiêu diệt bằng hỏa lực tập trung”, ông Zaluzhny nói.
VOV.VN - Các thiết bị rà phá bom mìn đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Ukraine vượt qua các bẫy mìn của Nga để tiến hành phản công.
Từ khóa: mìn, vũ khí, nga, ukraine, mìn sát thương, sát thương, công phá, mìn chống tăng, nga tấn công ukraine, chiến dịch quân sự đặc biệt của nga ở ukraine, PMN-2, mìn nổ mảnh, mìn phân mảnh, rà phá bom mìn, gây thương tích, thương vong, OZM-72, PMN-4