Sửa Nghị định kinh doanh xăng dầu: DN tự định giá không vượt quá khung quy định

Cập nhật: 25/07/2024

VOV.VN - Chuyên gia và doanh nghiệp đồng thuận với quy định cho phép doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, phân phối tự quyết định giá bán, đồng thời đề xuất thành lập Sàn giao dịch xăng dầu.

Dự thảo lần 3 Nghị định về kinh doanh xăng dầu đang tiếp tục được Bộ Công Thương lấy ý kiến thẩm định trình Chính phủ phê duyệt. Dự thảo vẫn bám sát nguyên tắc điều hành kinh doanh theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước; hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng, DN sử dụng xăng dầu và DN kinh doanh xăng dầu; giảm bớt khâu trung gian trong chuỗi cung ứng xăng dầu…

DN phân phối lấy 1 nguồn, tránh hình thành nguồn cung giả tạo

Đánh giá về những thay đổi trong dự thảo Nghị định lần này, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, với quy định cho phép DN đầu mối, phân phối tự quyết giá bán lẻ xăng dầu là một bước tiến mới. Trên cơ sở khung công thức cố định do Nhà nước bán hành, tùy theo biến động giá và tình hình thị trường, DN tự điều chỉnh giá nhưng không vượt quá khung quy định của Nhà nước.

Đối với quy định các DN phân phối xăng dầu không được lấy nguồn của nhau, chỉ được lấy từ DN đầu mối khiến các DN phân phối phản ứng, vì coi đây là quyền tự do của DN, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, nếu cho phép các DN phân phối lấy chéo xăng dầu của nhau, hoặc từ nhiều nguồn sẽ không làm tổng số lượng xăng dầu tăng, chỉ có doanh số bán hàng của DN tăng.

“Dự thảo Nghị định quy định DN phân phối chỉ được phép lấy nguồn từ DN đầu mối nhập từ nước ngoài về để có căn cứ tổng hợp số liệu. Nếu để các DN phân phối xăng dầu lấy nguồn của nhau sẽ hình thành nguồn cung một cách giả tạo. Hơn nữa, đây là một quy định bắt buộc trong hoạt động kinh doanh xăng dầu có điều kiện”, PGS.TS Ngô Trí Long cho biết.

Đồng tình với quy định cho phép DN bán lẻ được lấy xăng dầu từ nhiều nguồn khác nhau, TS. Giang Chấn Tây - Giám đốc Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (DN kinh doanh xăng dầu tại Trà Vinh) cho rằng, quy định này tạo cho DN có một chút ưu thế. Bởi trên thực tế các DN bán lẻ không có khả năng, năng lực cũng như quyền đàm phán thương mại với các thương nhân đầu mối hay thương nhân phân phối.

Về chu kỳ điều hành giá, theo TS. Giang Chấn Tây, chu kỳ điều chỉnh vào ngày thứ Năm hàng tuần là hợp lý, vì quy định này khiến các DN đầu mối và phân phối sẽ không có điều kiện chèn ép các DN bán lẻ. Trong trường hợp điều chỉnh theo chu kỳ 15 ngày, trong 5 ngày đầu thương nhân bán lẻ sẽ được hưởng chiết khấu cao, nhưng sau đó thương nhân đầu mối và phân phối thấy có tín hiệu giá xăng dầu tăng sẽ giảm chiết khấu, DN bán lẻ chỉ còn hưởng khoảng 100 - 200 đồng/lít và kéo dài cả chục ngày cho đến kỳ điều hành sau, khiến các DN bán lẻ sẽ không thể chịu nổi.

“Nghị định mới ra đời lần này cho phép các DN đầu mối và phân phối tự định giá bán là điều tiến bộ, nhưng đồng thời cũng phải cho DN bán lẻ được lấy xăng dầu từ nhiều nguồn (ít nhất là 3 nguồn) mới là linh hoạt và giảm bớt khó khăn cho DN. Nếu không thay đổi được như vậy, nên giữ nguyên các quy định theo Nghị định 80 trước đây”, TS. Giang Chấn Tây bày tỏ.

Nghiên cứu sớm lập Sàn giao dịch xăng dầu

Bàn về điều hành thị trường xăng dầu và để thị trường xăng dầu hoạt động một cách công khai, minh bạch, Chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, cơ quan điều hành và các DN nên thành lập Sàn giao dịch xăng dầu. Khi có sàn giao dịch sẽ tạo ra thị trường xăng dầu lành mạnh, hoạt động giao dịch đúng theo nguyên lý thị trường, thuận mua vừa bán, không ai ép ai, xăng dầu ở đâu rẻ, chất lượng thì DN và người tiêu dùng sẽ mua.

“Ở ta đã có các sàn giao dịch chứng khoán, sàn giao dịch gạo, cà phê, hàng hóa… rất hiệu quả lại chống thất thu thuế và Nhà nước cũng kiểm soát được giá cả và điều tiết được thị trường. Lập sàn giao dịch xăng dầu, giá bán buôn, bán lẻ xăng dầu hoàn toàn do các DN tự tính toán, lời ăn - lỗ chịu. Khi đó thị trường xăng dầu sẽ không còn theo kiểu xin cho, không còn áp phải lo chiết khấu, giá trần định mức, không có giá cơ sở. Đồng thời đoạn tuyệt luôn với Quỹ Bình ổn bằng tiền của dân vì không hiệu quả mà còn bị lợi dụng để trục lợi”, chuyên gia Vũ Vinh Phú khẳng định. 

Cũng theo ông Phú, khi lập Sàn giao dịch xăng dầu còn giúp quản lý được chất lượng xăng dầu, tránh nạn xăng dầu lậu, xăng dầu giả. Quan trọng là loại bỏ ngay cơ chế xin - cho, thúc đẩy cơ chế cạnh tranh bình đẳng và công bằng, chống độc quyền từ đưa nền kinh tế thị trường phát triển, triệt tiêu được các nhóm lợi ích thao túng thị trường xăng dầu như hiện nay. Ngoài xăng dầu, các mặt hàng khác như điện, than, nước sạch,… tới đây cũng phải có sàn giao dịch, không thể khác được.

“Xăng dầu là mặt hàng chiến lược đặc biệt, nên bên cạnh kinh doanh vẫn phải thực hiện nhiệm vụ chính là đảm bảo con số dự trữ. Xăng dầu phục vụ cho những mục đích đặc biệt như an ninh-quốc phòng có thể được ưu tiên cung cấp từ kho dự trữ quốc gia theo Nhà nước quy định. Do đó, lượng dự trữ cũng cần phải tăng lên, ít nhất cũng phải đủ đáp ứng được nhu cầu từ 3 - 6 tháng, với quy định 20 ngày như dự thảo vẫn là quá ít, rất khó biến chuyển kịp trong những tình huống bất khả kháng”, ông Phú đề xuất.

Nói về thành lập Sàn giao dịch xăng dầu, chuyên gia kinh tế, PGS. TS Ngô Trí Long cho rằng, nếu thành lập sàn này cơ chế giá trong Nghị định kinh doanh xăng dầu mới sẽ phải xem xét thay đổi. Vì khi giá xăng dầu giao dịch trên sàn sẽ thể hiện và thay đổi hàng ngày, hàng giờ nên quy định điều chỉnh chi tiết như thế nào sẽ cần phải bàn thêm.

Ngày 18/7 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cũng đã giao Bộ Công Thương rà soát, nghiên cứu về việc lập Sàn giao dịch xăng dầu. Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương cần phối hợp các bên liên quan nghiên cứu việc lập sàn này, trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng trong tháng 7.

Từ khóa: kinh doanh xăng dầu, kinh doanh xăng dầu,giá xăng dầu, điều hành, đầu mối, phân phối, bán lẻ

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: nguyễn quỳnh/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập