Sửa Luật Thủ đô có giải quyết được ùn tắc, ô nhiễm hay không?
Cập nhật: 26/03/2024
VOV.VN - Cho rằng vấn đề của Thủ đô Hà Nội hiện nay là ô nhiễm môi trường, không khí, ùn tắc giao thông, đại biểu Quốc hội băn khoăn việc sửa luật lần này có giải quyết được vấn đề này hay không?
Vấn đề này được nêu ra Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 khi thảo luận về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
Vừa góp ý, đồng thời đặt ra các câu hỏi, đại biểu Đinh Ngọc Minh - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, vấn đề của Thủ đô Hà Nội hiện nay là ô nhiễm môi trường, không khí, ùn tắc giao thông đang gây khó khăn cho người dân Thủ đô và người dân cả nước đến học tập công tác. Vậy sửa luật lần này có giải quyết được vấn đề này hay không?
Theo Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị thì tỷ lệ đất dành cho giao thông khoảng 16-26%, cho cây xanh 10m2/người vào 2030. Vậy tỷ lệ này hiện nay của Hà Nội là bao nhiêu, khi sửa luật này thì hướng các chỉ tiêu thế nào?
Ông Minh đề nghị bổ sung cơ chế giải quyết các vấn đề này vào Điều 28 về bảo vệ môi tường, Điều 30 về phát triển hạ tầng kỹ thuật, giao thông, nhất là các cơ chế cho quận nội thành.
Vị đại biểu này cũng nêu vấn đề làm thế nào để Hà Nội là trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước? Hà Nội là nơi tập trung của nhiều trường đại học, các viện nghiên cứu, nhiều cơ quan đầu não của Trung ương cùng với đó nhiều GS.TS đầu ngành.
“Vấn đề là đề tài thì nhiều, áp dụng thì ít, hồ sơ thanh toán dày hơn hồ sơ nghiên cứu” – ông Minh nói.
Cũng theo đại biểu, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia trên địa bàn Thủ đô thiếu cơ chế linh hoạt để hoạt động đổi mới sáng tạo, như chế độ sử dụng tài sản công khi được các tổ chức cho tặng, cơ chế thử nghiệm giải pháp công nghệ mới, cơ chế mua sắm thiết bị đặc thù...
Đại biểu đề nghị bổ sung cơ chế chính sách để Hà Nội bứt phá nghiên cứu và trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia là mô hình chuẩn có thể nhân rộng trong tương lai.
Đại biểu Lê Thanh Vân thì đề nghị rà soát lại kỹ vì dự thảo luật còn khá nhiều quy phạm chính trị chỉ nên nằm trong văn bản của Đảng, còn văn bản quản lý, luật thì phải rõ ràng.
Đại biểu cho rằng, cần bổ sung 1 điều về tổ chức các cơ quan chuyên môn của UBND. Với đặc điểm, đặc thù của Hà Nội thì cần trao cho thành phố quyền tự tổ chức cơ quan chuyên môn. Bên cạnh khung cứng được Chính phủ quy định thì cho phép Hà Nội tổ chức cơ quan chuyên môn phù hợp điều kiện, đặc điểm của mình.
“Phần “cứng” là cơ quan bắt buộc phải có theo quy định của Chính phủ như công an, quân đội, nội vụ, tư pháp, mang tính chuyên chính, còn cơ quan liên quan xã hội, giáo dục, y tế thì giao cho thành phố quyết định theo tiêu chí của Chính phủ” – ông Lê Thanh Vân đề xuất.
Đề cập vấn đề thu hút, trọng dụng người có tài năng, ông lưu ý cần định chế thành quy định mạch lạc hơn. Khái niệm trọng dụng người có tài năng nên sửa lại là trọng dụng nhân tài, cao hơn có thể sửa là trọng dụng hiền tài.
Vị đại biểu này cũng nêu 3 cách thu hút là thi tuyển, tiến cử và tự tiến cử vì “kinh nghiệm người xưa có hết rồi”.
Về “trọng dụng”, đại biểu phân tích: một là bố trí đúng sở trường, năng lực nào bố trí công việc đấy, “chứ không phải thu hút về xong để đấy, một người tài bố trí làm hành chính thì lãng phí”.
Khía cạnh trọng dụng tiếp theo là có cơ hội thăng tiến. Ông cho rằng “người tài ngồi dưới trướng kém tài mà vô hạnh nữa... thì thôi!”.
Thứ ba, phát minh sáng kiến của người tài được tôn trọng và thực thi.
Bên cạnh đó cần có ưu đãi về thuế, lương, y tế, giáo dục, nhà ở. “Trước đây Hà Nội có rồi nhưng hiền tài về rồi họ lại đi”.
Lưu ý việc khen thưởng, kỷ luật, ông Lê Thanh Vân đề nghị khen thưởng những ai tuyển dụng, tiến cử người tài. “Còn ai lạm dụng đưa người của mình, “4 C” (ý là con cháu các cụ - PV) vào thì kỷ luật cho nghiêm”.
Từ khóa: hà nội, thủ đô hà nội, luật thủ đô, quốc hội, đại biểu quốc hội
Thể loại: Nội chính
Tác giả: ngọc thành/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN