Sự trở lại của pháo binh trên chiến trường Ukraine
Cập nhật: 19/09/2022
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Cuộc chiến ở Ukraine cho chúng ta thấy không quân chỉ đóng vai trò hạn chế trong khi pháo mới là vũ khí chiếm ưu thế.
Sự trở lại của pháo binh
Trong hàng thế kỷ qua, pháo được gọi là vua của chiến trường. Các chỉ huy thậm chí dựa vào số lượng pháo để giành ưu thế trên chiến trường cho tới khi máy bay ra đời.
Từ năm 1945, "những pháo đài bay" đã thay thế cho những khẩu pháo thông thường khi có ưu thế hơn trong việc khai hỏa, đặc biệt ở những đội quân phương Tây như Mỹ, các nước NATO và Israel. Các chiến đấu cơ với khả năng di động và có tầm hoạt động xa được xem là một phương tiện công nghệ cao và cần ít nhân lực để thực hiện các cuộc tấn công chính xác.
Tuy nhiên, cuộc chiến ở Ukraine đã mang đến một thực tế khác. Đó là không quân đóng vai trò hạn chế trong khi pháo mới là vũ khí chiếm ưu thế.
Với cả hai bên, cách thức triển khai hoặc phá hủy lựu pháo và hệ thống phóng tên lửa đã trở thành nhiệm vụ ưu tiên.
Cuộc chiến ở Ukraine có thể cho chúng ta thấy tương lai của pháo binh. Chiến trường Ukraine tập trung đủ các loại pháo hiện đại từ lựu pháo kéo, pháo đặt trên xe tải cho tới pháo tự hành và các hệ thống tên lửa phóng loạt được sản xuất ở nhiều quốc gia.
"Ukraine đang cung cấp một nghiên cứu hiệu quả khi đánh giá về tương lai của pháo", Nick Reynolds, nhà phân tích thuộc Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) nhận định.
Hoặc ít nhất, chiến trường Ukraine đã cho thấy các loại pháo đã trở lại.
Có một số lý do cho thấy tại sao không lực không phải là nhân tố chính ở Ukraine, trong đó có việc Ukraine chỉ sở hữu số lượng nhỏ các chiến đấu cơ trong khi Nga không tập trung nhiều vào mặt trận này. Bất chấp những thành công ban đầu, thậm chí các UAV tấn công cũng dần trở nên kém hiệu quả.
Trong kỷ nguyên của các hệ thống phòng không tiên tiến, không lực ít có cơ hội để hoạt động tự do. Ngoài ra, các chiến đấu cơ với chi phí đắt đỏ song chỉ mang được số lượng nhỏ đạn dược có lẽ thường được huy động để nhắm vào các mục tiêu ở xa thay vì hỗ trợ hỗ trợ tầm gần.
Tuy ít linh động hơn các chiến đấu cơ nhưng các hệ thống pháo có thể khai hỏa 24/7 dưới mọi điều kiện thời tiết mà không cần dựa vào các căn cứ không quân, vốn dễ trở thành mục tiêu bị dội bom.
Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã cho thấy tầm quan trọng của tầm bắn. Sau khi bị pháo binh Nga tấn công dồn dập, Ukraine đã kêu gọi được phương Tây hỗ trợ các hệ thống pháo và tên lửa tầm xa. Các lựu pháo cỡ nòng 155mm và 105mm, đặc biệt là hệ thống pháo phản lực HIMARS M142, cùng với các hệ thống tên lửa phóng loạt đã khiến Ukraine có thể tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào kho đạn dược, bốt chỉ huy và những cây cầu quan trọng của Nga.
"Tầm bắn có vai trò vô cùng quan trọng, được coi như một nhân tố bảo vệ lực lượng cũng như tấn công vào sâu trong lòng địch", ông Reynolds nói.
Một đặc điểm nổi bật khác trong cuộc chiến ở Ukraine là tính cơ động. Trong lịch sử, vấn đề của pháo binh là theo kịp tốc độ của bộ binh, kỵ binh và xe tăng. Tuy nhiên, trong cuộc chiến ở Ukraine, cơ động đồng nghĩa với sống sót. Sự xuất hiện của UAV và radar đối kháng, có thể xác định ngay lập tức các hệ thống pháo khi chúng khai hỏa, khiến chiến thuật bắn và chạy trở nên cần thiết.
Ukraine đã nhận được các lựu pháo M777 cỡ nòng 105mm nhưng chúng phải mất từ 3 phút trở lên để di chuyển sau khi khai hỏa. Dù vậy, ở một mức độ nào đó, không hẳn là hệ thống này dễ bị tấn công, bởi chuỗi hỏa lực của Nga diễn ra tương đối chậm, do đó "các hệ thống như pháo kéo vẫn có thể hoạt động, bất chấp việc về lý thuyết chúng dễ bị tấn công lại trong các cuộc chiến cường độ cao".
David Johnson, nhà nghiên cứu thuộc tập đoàn RAND Corp tin rằng tính cơ động là cơ sở để các hệ thống pháo tương lai chuyển sang pháo tự hành. Pháo kéo có lợi thế là đơn giản hơn so với các phương tiện khác, chẳng hạn như xe tăng. Theo đó, việc huấn luyện để sử dụng pháo thường dễ dàng hơn, quá trình di chuyển cơ động hơn và việc bảo trì đơn giản hơn. Tuy nhiên, pháo kéo chỉ phù hợp để đối phó với những đối thủ có năng lực quân sự kém hơn còn với một đối thủ có khả năng và vũ khí tiên tiến hơn, đó lại là một vấn đề khác.
Theo ông Johnson, các hệ thống pháo kéo mất nhiều thời gian để di chuyển nên nếu sau khi khai hỏa mà không rời đi nhanh chóng, lực lượng pháo binh có thể dễ bị tấn công.
Hoạt động của pháo binh ở Ukraine
Cuộc chiến ở Ukraine đã cho thấy hoạt động của pháo binh không chỉ là đơn thuần là khai hỏa một khẩu pháo mà còn là sự kết hợp của các vũ khí, bộ cảm biến và các mạng lưới khác nhau.
Chẳng hạn, cả Nga và Ukraine đều triển khai UAV để xác định vị trí đặt pháo của đối phương, một kỹ thuật "được chứng minh là có ưu thế hơn hẳn so với các phương tiện nhắm vào mục tiêu khác như hệ thống radar hoặc hệ thống xác định cự ly bằng âm thanh", ông Reynolds nói. Tuy nhiên, "nếu không có hệ thống phát hiện điện tử và radar đối kháng để cung cấp khả năng xác định phương hướng nói chung, UAV không thể nhắm trúng các khu vực đặt pháo của đối phương".
Chuyên gia này cũng cho rằng mức độ sát thương và phá hủy của đạn pháo là một nhân tố quan trọng cần chú ý tới. Ngoài ra còn có tầm quan trọng của các cơ sở hạ tầng công nghiệp hỗ trợ pháo binh, chẳng hạn như tầm bắn của đạn pháo hay khả năng thay thế các bộ phận như nòng pháo.
Cuộc chiến ở Ukraine cũng cho thấy sự tương đồng ngày càng lớn giữa lựu pháo và hệ thống phóng tên lửa. Hệ thống tên lửa phóng loạt thời Thế chiến II Katyusha có thể phóng hàng loạt tên lửa không dẫn đường, mặc dù không chính xác, nhưng vẫn có thể phá hủy mục tiêu của đối phương do đương lượng nổ cao. Ngày nay, các hệ thống pháo phản lực, chẳng hạn như HIMARS chỉ có thể phóng một vài quả rocket dẫn đường nhưng có đủ độ chính xác tương tự như các lựu pháo để phá hủy các mục tiêu quan trọng như cầu đường.
Theo ông Johnson, một hệ thống pháo hoàn hảo là hệ thống có tốc độ bắn cao, độ cơ động cao, có lớp bọc thép và khả năng xử lý nhanh chóng dữ liệu về mục tiêu. Tương tự như các thiết kế xe tăng và tàu chiến, các thiết kế pháo cần phải giải quyết bài toán cân bằng giữa hỏa lực, sự bảo vệ và tính cơ động. Cho tới nay, các công nghệ mới như robot, các phương tiện chạy bằng điện, đạn pháo và tên lửa tầm xa có thể đáp ứng phần nào các tiêu chí nhưng dường như chưa có thiết kế nào đáp ứng được toàn bộ các tiêu chí trên./.
Từ khóa: Sự trở lại của pháo binh, chiến trường Ukraine, vũ khí chiếm ưu thế ở Ukraine, hệ thống pháo phản lực HIMARS, radar đối kháng. vũ khí sát thương ở Ukraine, chiến sự Ukraine, giao tranh Nga Ukraine, UAV tấn công, tấn công chính xác
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN