Sự tồn tại của Việt Nam trong ASEAN+3 là thích hợp và đầy sức nặng
Cập nhật: 13/04/2020
VOV.VN - Ngày 14/4, Hội nghị cấp cao ASEAN+3 sẽ diễn ra bằng hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Hội nghị cấp cao ASEAN+3 (3 nước bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) sẽ diễn ra bằng hình thức trực tuyến vào ngày mai 14/4 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Hội nghị ASEAN+3 sẽ tập trung thảo luận về sự hợp tác của các bên trong hoạt động chống dịch Covid-19, hỗ trợ của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đối với các nước ASEAN trong bối cảnh hiện nay. Riêng Nhật Bản đánh giá cao Việt Nam với tư cách Chủ tịch ASEAN. Phóng viên thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại Tokyo, Nhật Bản có bài phỏng vấn ông Asano Katsuhito, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản về hội nghị.
Ông Asano Katsuhito |
PV: Ông nhận định thế nào về việc Việt Nam chủ trì Hội nghị trực tuyến ASEAN+3 đối phó dịch Covid-19?
Ông Asano Katsuhito: Theo tôi, việc Việt Nam chủ trì hội nghị thượng đỉnh ASEAN+3 (Nhật, Hàn, Trung) với tư cách là Chủ tịch ASEAN vào thời điểm này là thích hợp nhất và có vai trò quan trọng. Bởi lẽ trong cuộc chiến chống dịch Civid-19 hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra được những biện pháp chống dịch nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Đến nay, con số người nhiễm mới chỉ hơn 200 người, và chưa có ai tử vong. Đây là thành quả khó tin trong điều kiện dịch bệnh bùng phát và khó kiểm soát như hiện nay. Tôi tin bằng “người thực, việc thực”, Việt Nam sẽ làm tốt vai trò của mình.
PV: Hợp tác, liên kết giữa các nước tham gia Hội nghị có vai trò như thế nào trong cuộc đấu tranh quyết liệt với dịch Covid-19?
Ông Asano Katsuhito: Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, việc đưa ra thể chế hợp tác, liên kết song phương và đa phương trong phòng chống dịch Covid-19 có thể nói là vô cùng cần thiết và đúng lúc. Mỗi nước đều có những biện pháp đối phó dịch bệnh khác nhau, nhưng chia sẻ thông tin, chia sẻ công nghệ, khoa học y tế giữa các nước không thể chểnh mảng.
Tôi thiết nghĩ, nhân Hội nghị lần này, các nước ASEAN và Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc cần phải đưa ra một thể chế chung ứng phó với dịch Covid-19. Đương nhiên, tôi hy vọng Việt Nam sẽ chủ trì tốt việc này.
PV: Nhật Bản cần có những hỗ trợ gì đối với các nước ASEAN, thưa ông?
Ông Asano Katsuhito: Tình hình dịch bệnh tại Nhật Bản đang diễn ra rất nghiêm trọng. Trước mắt, tôi nghĩ rằng Nhật Bản cũng đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp chống dịch bệnh, nhưng hỗ trợ các nước khác chống dịch cũng không thể lơi là.
Trong các chính sách phòng chống dịch Covid-19, Nhật Bản cũng nhấn mạnh rằng sẵn sàng hỗ trợ, viện trợ về mặt tài chính đối với các nước ASEAN. Bởi lẽ, Nhật Bản là nước đang giữ vai trò chủ đạo trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, thì việc hợp tác cùng một số nước khác như Hàn Quốc chẳng hạn giúp đỡ các nước ASEAN là lẽ đương nhiên. Đồng thời, đây cũng là trách nhiệm của Nhật Bản. Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo cũng đã cam kết sẽ hộ trợ hết sức có thể đối với các nước ASEAN ngay cả khi dịch đã kết thúc, đặc biệt là giai đoạn phục hồi kinh tế.
PV: Hồi phục, kích thích phát triển kinh tế trong dịch và sau dịch là mong muốn chung của tất cả các nước tham gia Hội nghị. Tuy nhiên, ngoài việc đó, ông có cho rằng các nước ASEAN và Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc cần lưu ý những gì cho giai đoạn tiếp theo?
Ông Asano Katsuhito: Một chủ đề quan trọng hơn nữa mà tôi muốn đề cập đến đó là chính sách kích thích nền kinh tế trong dịch và sau dịch Covid-19. Sự suy sụp của nền kinh tế, tài chính do dịch bệnh không thể tính toán hết được.
Đặc biệt, những nước như Nhật Bản, Mỹ, Đức, thậm chí Hàn Quốc đang nỗ lực đóng vai trò tích cực trong việc cải thiện môi trường trên các lĩnh vực giao lưu con người, hợp tác thương mại với các nước ASEAN trong đó có Việt Nam, trước hết cũng phải khôi phục, kích thích nền kinh tế của nước mình, sau đó mới có thể thúc đẩy viện trợ tài chính, kinh tế cho các nước phát triển đang gặp khó khăn vì dịch bệnh.
Bên cạnh đó, một lo ngại lớn của tương lai không thể lảng tránh và dường như rất gần chúng ta đó là sự lây nhiễm của dịch Covid-19 vào đại lục châu Phi. Nếu điều này xảy ra, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước ASEAN cần phải thống nhất hợp tác, đưa ra biện pháp đối ứng thích hợp.
Theo tôi, đây cũng phải là chủ đề quan trọng của Hội nghị lần này. Dĩ nhiên, theo đó, vai trò và sự tồn tại của Việt Nam với tư cách là Chủ tịch ASEAN sẽ có sức nặng hơn rất nhiều.
PV: Việt Nam được cộng đồng quốc tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá cao về hiệu quả ngăn chặn dịch Covid-19. Ông có nhận xét gì về những nỗ lực đó của Việt Nam?
Ông Asano Katsuhito: Theo tôi đươc biết, từ ngày 8/3, Việt Nam đã hạn chế nhập cảnh vào Việt Nam, thực hiện kiểm tra y tế, cách ly người nhập cảnh. Trong nước thực hiện triệt để và nghiêm túc chính sách cách ly xã hội bao gồm cả phong tỏa những khu vực được coi là ổ dịch.
Chính phủ cũng huy động cả quân đội, trường học tham gia vào hoạt động cách ly. Những biện pháp của chính phủ Việt Nam mà đứng đầu là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc chiến đấu với dịch Covid-19 thực sự là hình mẫu của các nước khác.
Nhưng tôi ấn tượng nhất đó là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng an toàn của người dân là trên hết, hơn cả thiệt hại về kinh tế. Chính phủ Việt Nam thực sự là của nhân dân.
PV: Xin trân trọng cám ơn ông./.
Từ khóa: Hội nghị cấp cao ASEAN+3, Hội nghị cấp cao, đại dịch Covid-19, Asano Katsuhito, ASEAN+3
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN