Sự ra đi của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý để lại niềm tiếc nuối khôn nguôi
Cập nhật: 28/12/2019
VOV.VN - Sự ra đi của Nguyễn Văn Tý – tác giả của “Dư âm”, “Dáng đứng Bến Tre”... để lại nhiều tiếc nuối cho các thế hệ người yêu nhạc Việt Nam.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý qua đời vào lúc 17h ngày 26/12, tại nhà riêng ở Quận 1, TPHCM, hưởng thọ 94 tuổi. Nghe tin ông mất, nhiều nghệ sĩ bày tỏ sự thương tiếc sâu sắc.
Ca sĩ Ánh Tuyết chia sẻ: “Tôi biết rồi cũng đến lúc ông ra đi vĩnh viễn. Nghe tin ông xa lìa cõi trần, mà sao lòng tôi cứ xốn xang. Không riêng gì tôi mà những ai yêu mến ông đều tiếc thương cả”.
Trong ký ức của ca sĩ Ánh Tuyết - người từng thể hiện thành công nhiều nhạc phẩm của cố nhạc sĩ, ông là người ân cần, dịu dàng, thường xuyên khích lệ, động viên lớp nghệ sĩ cháu con.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý và ca sĩ Ánh Tuyết. |
"Ông có thể nói về lịch sử âm nhạc Việt Nam cả buổi mà không thấy chán. Khi nhạc sĩ về già, tôi thường đến thăm ông, cảm nhận ông mừng như trẻ con mỗi lần khách đến. Vài năm nay, tôi chuyển về Hội An nên không còn qua chào hỏi ông thường xuyên như trước. Ông là một trong số cây đa, cây đề hiếm hoi của nhạc Việt ngang tầm với Phạm Duy, Văn Cao về trình độ âm nhạc, kiến thức...", Ánh Tuyết đánh giá.
Cũng như ca sĩ Ánh Tuyết, ca sĩ Đăng Thuật rất buồn và tiếc vì nền âm nhạc Việt Nam lại mất đi một đại cổ thụ nữa: “Biết tin ông mất, tôi rất buồn và tiếc thương vì nước nhà và dòng âm nhạc dân tộc lại mất đi một đại cổ thụ nữa.
Trong sự nghiệp của mình, tôi đã hát rất nhiều bài của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, trong đó có nhiều tác phẩm mang âm hưởng dân gian như “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”, “Dáng đứng Bến Tre”, “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa”... Đó là những ca khúc mà cả đất nước đều biết. Thậm chí có những bài đã nổi tiếng ngay khi mới ra đời và có ảnh hưởng lớn đến nhiều thế hệ nhạc sĩ và các ca sĩ sau này”.
Clip: Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh - Phạm Phương Thảo
Với ca sĩ Phạm Phương Thảo, những sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã gắn bó với cả tuổi thơ cô và đặt nền móng cho sự nghiệp âm nhạc của cô: “Tôi rất biết ơn nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã sáng tác ra bài hát “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”. Đây là ca khúc đã gắn bó với cả tuổi thơ tôi và sau này đã đặt nền móng cho cái tên Phạm Phương Thảo đến với công chúng.
Những ca khúc ông viết mộc mạc, đời thường, đi sâu vào đời sống, dễ thấm, dễ nhớ nhưng lại có sự bác học. Ông ra đi, để lại cho nền âm nhạc nước nhà một kho tàng những ca khúc tuyệt vời”.
Nói về âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, nhà phê bình âm nhạc – nhạc sĩ Nguyễn Quang Long nhận định: “Ông là một tên tuổi của nền âm nhạc mới Việt Nam thế kỷ XX, cha đẻ của nhiều ca khúc bất hủ: “Mẹ yêu con”, “Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh”, “Dáng đứng Bến Tre”, “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa”, “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”, “Dư âm”...
Chỉ cần nhìn tên những ca khúc ấy, những giai điệu và lời ca đã bay nhảy và vang lên trong trái tim mỗi chúng ta. Đó là những giai điệu bất tận về tình yêu quê hương đất nước, về những vùng đất, con người, tình yêu của mẹ cha dành cho con cái và tình yêu lứa đôi.
Nguyễn Văn Tý có biệt tài kể chuyện bằng âm nhạc và truyền cảm hứng khiến ta yêu lây những vùng đất mà ông đã đến, cảm nhận và kể lại trong tác phẩm của mình. Khiến ta dù có thể chưa đến mảnh đất ông kể cũng cảm thấy gần gũi và yêu nó đến nhường nào”.
Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long (áo đỏ) trong một lần đến thăm nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. |
Trong một bài viết đăng trên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ cũng có những đánh giá về những sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, đặc biết là về ca từ: “Những ca khúc do nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý viết ca từ đã đóng góp một cách xứng đáng cho nền âm nhạc Việt Nam hiện đại. Anh không chỉ là một nhạc sĩ mà còn là một nhà thơ thực thụ.
Điểm nổi bật và xuyên suốt, đó là anh luôn luôn đi sâu khai thác, phát huy và sáng tạo vốn âm nhạc dân gian khắp mọi miền đất nước. Những tác phẩm của anh thường hay phảng phất âm hưởng dân ca như đồng bằng Bắc bộ, Nghệ An, Hà Tĩnh, Tày, Thái, Mông, Nam Trung bộ và Nam bộ. Những ý, những từ mộc mạc trong đời sống bình thường được chuyển tải bằng giai điệu uyển chuyển, mượt mà và gợi cảm. Một bước ngoặt đáng lưu ý là anh đã phổ nhiều bài thơ của các tác giả, trong đó có nhà thơ Xuân Quỳnh, Trần Mạnh Hảo, Lưu Trọng Văn, Nắng Hồng, Từ Huy…”.
Khi hay tin nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý mất, nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Âm nhạc TP.HCM, bùi ngùi: “Là nhạc sĩ thế hệ sau này, khi nghe tin nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý mất, tôi rất buồn và cảm nhận được một nỗi mất mát to lớn của nền âm nhạc Việt Nam. Ông là nhạc sĩ tài hoa, đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu, sáng tạo, cống hiến cho âm nhạc với rất nhiều tác phẩm để đời mà bao thế hệ trẻ phải học hỏi, noi theo”.
Clip: "Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa" - Trọng Tấn
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên lặng người chia sẻ: “Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là người thầy đã dạy cho tôi rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm nghề. Thầy là người rất uyên bác, có tấm lòng rộng mở, luôn nhiệt thành, sẵn sàng giúp đỡ, truyền dạy kinh nghiệm cho các nhạc sĩ trẻ. Ông là người thầy đáng kính của bao thế hệ nhạc sĩ tên tuổi như Nguyễn Ngọc Thiện, Từ Huy, Nguyễn Đức Trung, Lê Văn Lộc... Nay thầy đã ra đi, thế hệ nhạc sĩ đã có tuổi chúng tôi thành kính tri ân, kính gửi đến thầy nén nhang tưởng nhớ với nỗi buồn khôn nguôi!”.
NSƯT Cao Hữu Nhạc, nguyên Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển cũng chia sẻ: “Nhạc sĩ tiền bối Nguyễn Văn Tý đã về miền mây trắng! Những “Dư âm”, “Vượt trùng dương”, “Mẹ yêu con”, “Dáng đứng Bến Tre”, “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”, “Tấm áo mẹ vá năm xưa”... còn mãi với nghìn sau! Xin kính cẩn nghiêng mình trước vong linh nhạc sĩ”./.
Nghe lại những ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý
Từ khóa: nguyễn văn tý, nhạc sĩ nguyễn văn tý qua đời, dư âm, dáng đứng bến tre, ánh tuyết
Thể loại: Âm nhạc - Điện ảnh
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN