"Sự phá hoại của lãng phí rất lớn!"
Cập nhật: 22/10/2024
TP.HCM cần sự ủng hộ của bạn bè quốc tế để phát triển trong kỷ nguyên vươn mình
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Giám đốc Tập đoàn Rosatom, Liên bang Nga
VOV.VN - Theo ông Đinh Văn Minh, sự "phá hoại" của lãng phí rất lớn. Lãng phí cản trở quá trình đổi mới đất nước, làm mất tiền bạc, phá hoại tài nguyên thiên nhiên và làm suy giảm lòng tin của người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.
Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống lãng phí, bởi lãng phí gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội. Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình cho phát triển kinh tế xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước.
Trước yêu cầu tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác phòng, chống lãng phí đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách. Đây cũng là thông điệp trong bài viết mới đây của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với nhan đề “Chống lãng phí”.
Phóng viên VOV phỏng vấn Tiến sĩ Đinh Văn Minh, nguyên Vụ Trưởng Vụ Pháp chế, Thanh Tra Chính Phủ về nội dung này.
PV: Theo ông, vì sao Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm lại đặt vấn đề một cách mạnh mẽ và kiên quyết về công tác chống lãng phí trong lúc này?
Ông Đinh Văn Minh: Cùng với công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống lãng phí cũng được Đảng, Nhà nước rất đặc biệt quan tâm và chúng ta cũng thực hiện các biện pháp, giải pháp để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tuy nhiên, kết quả đạt được còn hạn chế, tình trạng lãng phí còn khá phổ biến và khá nặng nề.
Đây không phải lần đầu tiên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh là chúng ta phải mạnh mẽ và kiên quyết hơn nữa. Có vẻ có thời gian nào đó chúng ta cũng chưa thực sự nhận thức đầy đủ về tính chất nguy hại của lãng phí nên ứng xử với hiện tượng lãng phí cũng chưa thực sự kiên quyết, triệt để. Do đó những hạn chế của nó bộc lộ ra và lúc này Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh rằng, phải mạnh mẽ, kiên quyết phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đặc biệt là trong thời kỳ chúng ta đang cố gắng để đưa đất nước sang một kỷ nguyên mới.
PV: Trên thực tế, việc nhận diện những dạng thức của lãng phí là khó hay dễ, thưa ông?
Ông Đinh Văn Minh: Tham nhũng, lãng phí rất phổ biến và chỗ nào cũng có lãng phí. Ý kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là một sự đúc kết lại trong các lĩnh vực công tác, các lĩnh vực hoạt động của bộ máy Nhà nước gây ra lãng phí. Ngoài ra còn nhiều loại lãng phí khác trên thực tiễn, thậm chí có những biểu hiện dễ dàng nhận thấy nhưng cũng có biểu hiện khó nhận thấy.
Ví dụ, tham nhũng sinh ra lãng phí, có thể là một công trình nào đó không hiệu quả nhưng vì tỷ lệ phần trăm, phần nghìn lợi ích nên người ta vẫn cứ thực hiện để họ lấy phần tiền đó, thậm chí là phần tiền rất nhỏ nhưng công trình đó bỏ hoang. Hoặc nhiều công việc triển khai một cách rầm rộ, nhưng thực chất là không có hiệu quả, nhưng đổi lại thì họ lại lấy được những thành tích này khác…
Tham nhũng và lãng phí liên quan rất chặt chẽ với nhau. Nếu như tham nhũng chủ yếu trong bộ máy Nhà nước thì lãng phí trong cả xã hội, trong tiêu dùng của người dân, trong văn hóa lễ hội, trong việc sử dụng xe, trong tất cả những hoạt động bình thường của xã hội. Lãng phí rất rộng, như Bác Hồ từng nói lãng phí tai hại ở chỗ là nó phổ biến, chỗ nào cũng có và nhiều khi còn nhiều hơn cả tham nhũng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đúc kết lại thành một số nội dung lớn mà chúng ta cần phải quan tâm để từ đó chỉ ra những nguyên nhân để có biện pháp khắc phục trong thời gian tới.
PV: Việc chống lãng phí luôn là việc cần làm dù ở bất kỳ thời điểm nào và ở giai đoạn nào, thưa ông?
Ông Đinh Văn Minh: Từ trước đến nay, vấn đề tham nhũng và lãng phí luôn đi đôi với nhau. Sinh thời, Bác Hồ luôn nói phải chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu. Và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước có nhắc lại những lời căn dặn của Bác để nói lên cái tai hại của lãng phí và cũng nhấn mạnh trách nhiệm của chúng ta trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Điều đó lại càng cần thiết hơn khi chúng ta đang có nhiều biện pháp, giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân.
Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, có những lúc, có những thời điểm chúng ta chưa thực sự coi trọng bằng hành động. Trong các văn bản vẫn luôn quan tâm đến việc chống lãng phí như tham nhũng, nhưng trên thực tế thì có những thời điểm chưa thực sự hành động một cách quyết liệt và có những biện pháp cụ thể.
Cho nên lần này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã dùng từ “phải coi nó tương đương với tham nhũng”, chữ "tương đương" đó chứng tỏ có lúc nào đó chúng ta làm chưa quyết liệt như tham nhũng. Bây giờ chống tham nhũng đã mạnh mẽ, hiệu quả rồi nhưng lãng phí là vấn đề cần phải làm mạnh mẽ, kiên quyết hơn nữa. Điều này làm trong mọi giai đoạn cách mạng, lúc nào cũng phải tiết kiệm, trong việc gì cũng phải tiết kiệm và kiên quyết đấu tranh chống lãng phí.
Thực ra sự phá hoại của lãng phí rất lớn, nó cũng là một sự cản trở quá trình đổi mới đất nước, làm mất tiền bạc, phá hoại tài nguyên thiên nhiên và làm suy giảm lòng tin của người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.
Như chúng ta thấy, hàng ngày hàng giờ người dân đi qua các mảnh đất “vàng”, đất “bạc” hoặc là các công trình bỏ hoang… khiến người dân rất xót xa với tiền thuế của dân, với nguồn lực của đất nước. Chúng ta vẫn nói liên tục gắn phòng, chống tham nhũng với lãng phí nhưng lần này phải mạnh mẽ hơn, kiên quyết hơn và đặc biệt là trong nhận thức thì phải coi nó tương đương với nhiệm vụ chống tham nhũng thì đó mới là điều quan trọng.
PV: Không chỉ tham nhũng, tiêu cực mà lãng phí cũng là loại giặc nội xâm cần phải diệt trừ. Cuộc chiến đó thì chắc hẳn không hề đơn giản. Theo ông, liệu chúng ta đã có đủ cơ sở pháp lý cho cuộc chiến này?
Ông Đinh Văn Minh: Trên thực tế, từ trước đến nay, Đảng, Nhà nước và Bác Hồ luôn luôn coi tham nhũng, lãng phí gắn bó với nhau. Cho nên vừa chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Các văn bản của Đảng, Nhà nước cũng đều gắn bó hai hoạt động này với nhau.
Ví dụ như năm 1998, chúng ta có pháp lệnh chống tham nhũng thì cũng có pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đến khi nâng pháp lệnh chống tham nhũng lên thành luật thì cũng đồng thời nâng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí lên thành luật. Trong các văn bản của Đảng thì có Nghị quyết số 04 của Hội nghị Trung ương 3 khóa X về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí". Có nghĩa là về mặt cơ sở pháp lý, về các chỉ đạo của Đảng từ trước đến nay rất nhất quán và chúng ta hoàn toàn có đầy đủ các căn cứ để đẩy mạnh việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Tuy nhiên cũng có hai vấn đề, một là vấn đề nhận thức, hai là trong quá trình tổ chức thực hiện. Nhận thức thì như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhấn mạnh, cần phải coi chống lãng phí cũng rất quan trọng như chống tham nhũng. Còn trong quá trình tổ chức thực hiện, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng đã chỉ ra rất nhiều các biện pháp, giải pháp, đặc biệt là vấn đề xây dựng thể chế.
Thể chế ở đây cần hiểu cả 2 khía cạnh: Thể chế là các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chúng ta đã có Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các quy định rồi thì bây giờ cần xem phải sửa đổi, bổ sung gì. Quan trọng là trong ý thức, nhận thức của quá trình xây dựng pháp luật chúng ta cũng phải tính đến nguy cơ có thể xảy ra lãng phí.
Tôi lấy ví dụ như bây giờ tại sao tình trạng đất cát bị bỏ hoang hóa như thế, rồi dự án treo… thì nó có vấn đề của luật. Hay tình trạng nhà đất giá tăng rất cao, tại sao có câu chuyện đầu cơ… rõ ràng có vấn đề của chính sách thuế. Từng chính sách trong các lĩnh vực công tác đều liên quan đến các câu chuyện mà chúng ta cần phải tính toán.
Hay như đổi mới chương trình sách giáo khoa, hay đổi mới cái gì đó, tách ra, nhập vào, sắp xếp… đều có tác động đến cả. Cần tính toán nếu làm thế này thì chi phí là bao nhiêu, bởi vì trên thực tế có sự lãng phí, tức là làm ăn không có hiệu quả.
Tôi rất tâm đắc khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói có lẽ chúng ta phải xây dựng văn hóa. Như tôi nói ban đầu, chống lãng phí không chỉ là câu chuyện trong bộ máy Nhà nước mà nó là vấn đề toàn xã hội. Nó không phải chỉ là những đợt vận động mà phải trong ý thức, trong nhận thức hàng ngày, hàng giờ trong bất kỳ công việc gì, kể cả những việc bình thường nhất như chuyện tiền điện, tiền nước dùng trong cơ quan hay sử dụng xe làm sao cho hiệu quả… Đó là những điều mà Tổng Bí thư đã chỉ ra và rất là sâu sắc.
PV: Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã thể hiện tinh thần quyết tâm cao độ của Đảng ta trong việc giữ gìn, vun đắp nguồn lực phát triển cho đất nước. Theo ông, nguồn lực tinh thần ấy cần được cụ thể hóa, thể chế hóa ra sao trong quá trình lãnh đạo của Đảng và trong quá trình triển khai để có những hiệu quả?
Ông Đinh Văn Minh: Chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền, cho nên mọi công việc bắt đầu bằng câu chuyện thể chế hóa. Bây giờ cần xem lại Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, qua quá trình tổ chức thực hiện như vậy cái gì được, cái gì chưa được để hoàn thiện.
Trong quá trình xây dựng pháp luật, bất kỳ một đạo luật nào cũng phải tính đến hiệu quả của nó. Bởi vì các đạo luật là để quản lý nhà nước, vấn đề làm sao để các quy định bảo đảm hiệu quả cao nhất trong quản lý nhà nước thì đó cũng chính là thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng, trong quá trình tổ chức thực hiện, giống như trước kia chúng ta liên tục có các chỉ thị để thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí". Cùng với đó là đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và một điều cũng rất quan trọng là vấn đề xử lý.
Cần xem lãng phí cũng là một điều rất tệ hại, cần bỏ quan niệm tham nhũng đút vào túi mới là có tội, còn lãng phí thì không có tội. Nhưng thực ra phải coi lãng phí cũng là có tội đối với đất nước, đặc biệt là nó ảnh hưởng đến quá trình phát triển của dân tộc.
PV: Xin cảm ơn ông.
Từ khóa: lãng phí, lãng phí, chống lãng phí, tham nhũng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước
Thể loại: Nội chính
Tác giả: pv/vov1
Nguồn tin: VOVVN