Sự hy sinh của giáo viên vùng cao là không hề toan tính
Cập nhật: 18/11/2021
Nghệ An: Phá đường dây vận chuyển ma túy qua đường hàng không
Đi ăn cưới về, nhóm 9 người rủ nhau vào chung cư dùng ma tuý
[VOV2] - "Sự hy sinh của giáo viên vùng cao là rất lớn. Một sự hy sinh mà không đòi hỏi, không toan tính bất cứ điều gì", thầy giáo Nguyễn Văn Tập, Hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc nội trú THPT huyện Nậm Pồ (Điện Biên) chia sẻ.
Thầy giáo Nguyễn Văn Tập, Hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc nội trú THPT huyện Nậm Pồ (Điện Biên) – một trong 191 nhà giáo, cán bộ quản lý vừa được Bộ GD-ĐT tuyên dương đã có những chia sẻ nhiều cảm xúc với VOV2 (Đài Tiếng nói Việt Nam) về hành trình gần 14 năm gắn bó với giáo dục vùng cao.
Học sinh đến được trường để học đã là một kỳ tích
Năm 2008 vượt gần 1000 km, thầy giáo Nguyễn Văn Tập (quê Bắc Giang) nhận công tác tại trường THPT Chà Cang, huyện Mường Nhé (nay thuộc về huyện Nậm Pồ) - một nơi được coi là “đệ nhất khốn khó” về mọi mặt trong các trường THPT của tỉnh.
Nhớ lại ngày đầu tiên nhận công tác tại một trong những vùng đất khó khăn, xa xôi nhất của cả nước, điều khiến thầy Nguyễn Văn Tập bỡ ngỡ nhất là sự khác biệt về phong tục, tập quán văn hóa và bất đồng về ngôn ngữ. Đặc biệt, đời sống của bà con khó khăn, hoàn toàn phụ thuộc vào nương rẫy; trình độ, nhận thức của học sinh còn nhiều hạn chế…
“Với các em học sinh các bản vùng sâu, vùng xa huyện Nậm Pồ việc đến trường đã là một kỳ tích, một sự kỳ diệu chưa nói gì đến việc các em học tốt hay không”, thầy Nguyễn Văn Tập chia sẻ.
Để thích nghi với vùng đất khó khăn, hiểu được phong tục, tập quán của bà con và đặc biệt để định hình được phương pháp giáo dục phù hợp, thầy Tập cùng các đồng nghiệp của mình phải dành nhiều thời gian để tìm hiểu, tận tâm tìm hiểu hoàn cảnh, cuộc sống của từng em học sinh.
Điều khiến người thầy 8X nhớ nhất là những ngày xuống tận xã, tận bản, đến từng gia đình học sinh để làm công tác tuyển sinh, kiên trì vận động học sinh đến trường…
“Ngày tôi mới lên Mường Nhé hay là huyện Nậm Pồ công tác, nhiều em học sinh vẫn còn giữ phong tục lấy chồng, lấy vợ sớm. Nhiều em sẵn sàng bỏ học để lập gia đình. Chúng tôi phải vào tận nhà vận động các em đi học trở lại. Điều hạnh phúc với tôi là nhiều em học sinh giờ đã trưởng thành, giữ các vị trí quan trọng ở xã, huyện...”, thầy Nguyễn Văn Tập nhớ lại.
Gần 14 năm công tác ở vùng đất khó khăn, khắc nghiệt, điều mà thầy Tập nhận ra, với giáo dục vùng cao, vùng sâu, vùng xa, nếu người thầy không có chữ “tâm”, không có sự hy sinh thì sẽ khó lòng bám trụ được.
Rất nhiều câu chuyện cảm động về sự hy sinh của giáo viên vì học sinh mà không đòi hỏi bất cứ điều gì, một sự hy sinh như khẳng định của thầy Tập là không hề toan tính khi giáo viên có thể dạy cả ngày lẫn đêm phụ đạo học sinh yếu, kém, hay hướng dẫn học sinh giỏi…
“Có những tiết dạy không chỉ là gói gọn trong 45 phút như theo quy định của Bộ GD-ĐT mà giáo viên phải dành thêm thời gian rất nhiều. Giáo viên phải dạy đi, dạy lại đến khi nào học sinh hiểu và nắm chắc kiến thức. Công sức giáo viên bỏ ra là không thể kể hết”, thầy Nguyễn Văn Tập khẳng định.
Thành công của học trò là hạnh phúc lớn nhất của người thầy
Khi trường phổ thông dân tộc nội trú THPT Nậm Pồ được thành lập và đi vào hoạt động, thầy Nguyễn Văn Tập được điều động, bổ nhiệm làm phó hiệu trưởng phụ trách; và kể từ tháng 7/2021 chính thức được bổ nhiệm là hiệu trưởng của trường.
Đứng đầu một ngôi trường dân tộc nội trú, đối với thầy Nguyễn Văn Tập là một thử thách to lớn bởi như khẳng định của thầy, quản lý một trường nội trú khác biệt rất lớn so với các trường phổ thông khác. Mỗi giáo viên phải sắm trên mình nhiều vai, không chỉ là người thầy mà còn là người cha, người mẹ, là anh, chị để thấu hiểu, gần gũi, giúp đỡ các em trong sinh hoạt và học tập.
"Tôi có thói quen dạy từ 5 giờ sáng tập thể dục cùng học sinh nội trú. Cả ngày theo sát việc học, giảng dạy của giáo viên, học sinh. Buổi tối có khi 10-11 giờ đêm khi học sinh học bài, tắt đèn đi ngủ, hiệu trưởng cùng giáo viên mới an tâm nghỉ ngơi", thầy Tập cho biết.
Đặc biệt do mới thành lập, trường phổ thông dân tộc nội trú THPT Nậm Pồ bộn bề khó khăn. Đến nay trường vẫn phải sử dụng chung cơ sở vật chất của trường THCS bán trú Nà Hỳ nên thiếu phòng học, thiếu nước sinh hoạt, thiếu không gian sinh hoạt vui chơi… đội ngũ giáo viên phần lớn là còn trẻ, kinh nghiệm còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên điều khiến thầy Nguyễn Văn Tập xúc động là sự nhiệt tình, tâm huyết của đội ngũ nhà giáo, sự ham học hỏi và khát vọng vươn lên của học sinh.
Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên trường phổ thông dân tộc nội trú THPT Nậm Pồ có khóa học sinh ra trường. Không chỉ có tỉ lệ 100% các em đỗ tốt nghiệp mà điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp học sinh trường xếp thứ 4 trên toàn tỉnh Điện Biên. Nhiều em trúng tuyển vào các trường đại học top đầu như công an, quân đội…
Có được kết quả này, theo thầy Nguyễn Văn Tập là cả một quá trình nỗ lực của học sinh, kỳ công rèn rũa, dạy dỗ của đội ngũ giáo viên của nhà trường. Điều này được thầy ví như một hành trình rèn rũa những viên sỏi thô thành những viên ngọc.
(Phóng sự về thầy giáo Nguyễn Văn Tập)
Nhưng hơn cả niềm vui điểm số, điều khiến thầy Nguyễn Văn Tập xúc động nhất là khát vọng vươn lên của học trò. Nhiều học sinh của thầy Tập giờ đã trở thành công an, cán bộ trên địa bàn huyện, thậm chí là những giáo viên, đồng nghiệp của thầy.
“Mỗi dịp 20/11 đến, giáo viên vùng cao chúng tôi cũng nhận được rất nhiều món quà tinh thần của học trò. Đó có thể chỉ là một bó hoa rừng, một giỏ hoa phong lan… nhưng sự thành công của học trò chính là món quà vô giá của những giáo viên chúng tôi”, thầy Nguyễn Văn Tập chia sẻ.
Từ khóa: Thầy giáo, cô giáo, ngày 20/11, hy sinh, cống hiến, Nậm Pồ, Điện Biên, thầy Nguyễn Văn Tập
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2