VOV.VN - Iran nằm ở Tây Á, còn Việt Nam thuộc Đông Nam Á, hai nước cách xa nhau nghìn trùng. Thế nhưng Tết Nowruz truyền thống của Iran và Tết Nguyên đán của Việt Nam lại có nhiều điểm tương đồng bất ngờ.
Cận cảnh mâm Haftsin được người Iran chuẩn bị vào ngày mồng 1 của Năm mới Nowruz truyền thống của họ. Ngày Tết này rơi vào khoảng ngày 20 hoặc 21/3 Dương lịch. Theo lịch Ba Tư, Nowruz năm nay là Nowruz năm 1403. Mâm này có 7 vật phẩm bắt đầu bằng chữ “S” theo tiếng Ba Tư. Số 7 là con số linh thiêng trong văn hóa Iran.
Nowruz 1403 cũng là Năm Rồng, giống Năm Giáp Thìn 2024 của người Việt. Trong ảnh là hình tượng một chú rồng xinh xắn trên mâm Haftsin của người Iran.
Đại sứ Iran tại Việt Nam Ali Akbar Nazari phát biểu tại buổi lễ tổ chức Nowruz 1403 vào tối 20/3. Đây là lần đầu tiên Đại sứ quán Iran tổ chức lễ Tết này tại Việt Nam, với địa điểm là trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.
Đông đảo cán bộ và sinh viên trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn có mặt tại sự kiện. Được biết, ngôi trường này có mở các lớp dạy tiếng Farsi (tiếng Ba Tư) - một ngôn ngữ phổ biến của Iran.
Lễ hội Nowruz của Iran cũng có tục lì xì (mừng tuổi) giống như Việt Nam. Trong ảnh, Đại sứ Nazari đang trao bao lì xì đỏ cho các bạn trẻ. Nowruz nghĩa đen là “ngày mới”. Đây là thời điểm bắt đầu của mùa xuân, là năm mới của người Iran trên khắp thế giới và một số khu vực, quốc gia khác từng chịu ảnh hưởng của văn hóa Ba Tư cổ, trong đó có cả Azerbaijan.
Tâm điểm của mâm Haftsin là đĩa Sabzeh - mầm hạt ngũ cốc (lúa mì, lúa mạch hoặc đậu) được trồng trong một cái đĩa, tượng trưng cho sự sự tươi mát, xanh tươi, sự tái sinh của thiên nhiên. Tết Nowruz cũng gắn với nông nghiệp và hướng tới cộng đồng, gia đình.
Ba vật phẩm quan trọng khác trên mâm Haftsin, gồm Táo (Sib) - tượng trưng cho sức khỏe và sắc đẹp, Giấm (Serkeh) - tượng trưng cho môi trường trong lành, hóa giải phép thuật và nguyền rủa, và món ăn Samanu - một loại đồ ngọt làm từ bột mầm lúa mì, tượng trưng cho sự sung túc, dồi dào, phước lành.
Trên bàn Haftsin còn có đĩa quả Nhót đắng khô (Senjed) - tượng trưng cho tình yêu, đam mê và sinh sản, Tỏi (Sir) - tượng trưng cho sức khỏe, giúp tránh tà ác. Bên phải đĩa tỏi là đĩa quả Somaq - tượng trưng cho tình yêu và sự kết nối trái tim. Khay trứng là vật phẩm cũng được người Iran hay bày biện thêm bên cạnh 7 vật phẩm chính.
Một nhân viên Đại sứ quán Iran cho biết, chiếc gương có tác dụng nhân lên ánh sáng, xua tan những điều hắc ám, giúp người tu tỉnh.
Một cuốn kinh Koran được đặt ngay trước gương.
Bể cá vàng nhỏ được bày biện trên mâm Haftsin.
Trong khuôn khổ lễ hội Nowruz tổ chức tại Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại sứ Nazari cũng khai trương triển lãm tranh tiểu họa của danh họa Iran, Mahmoud Farshchian.
Đại sứ Nazari giới thiệu về tranh của Farshchian với Giáo sư-Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn -
Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn.
Mahmoud Farshchian là bậc thầy về hội họa nói chung và tranh tiểu họa nói riêng. Tác phẩm của ông pha trộn hội họa cổ điển Ba Tư, thơ ca và nghệ thuật hiện đại.
Bức tranh son dầu “Trẻ lại”, được Farshchian sáng tác vào năm 1977.
Trong khuôn khổ sự kiện, Đại sứ Iran Ali Akbar Nazari trao thư cảm ơn của Bộ trưởng Khoa học, Nghiên cứu và Công nghệ Iran cho PGS-TS Đỗ Thu Hà để vinh danh những nỗ lực và đóng góp của bà đối với thúc đẩy hợp tác khoa học giữa Iran và Việt Nam trong những năm qua.
Từ khóa: iran, iran, tết nowruz, tết iran, tết nguyên đán, iran việt nam, văn hóa iran, văn hóa ba tư, mâm haftsin, lễ hội truyền thống, vật phẩm iran, kinh koran,nowuz