Sử dụng tiết kiệm nước góp phần làm giảm tác động của biến đổi khí hậu
Cập nhật: 22/03/2020
Bắc Kạn: Yêu cầu siết chặt công tác PCCC rừng mùa hanh khô (28/11/2024)
Hà Nội: Cần cơ chế cho không gian sáng tạo nghệ thuật phát triển (28/11/2024)
VOV.VN - Cần quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên nước sẽ giúp giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu làm hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng
Theo số liệu thống kê, trên toàn cầu, hiện có khoảng 663 triệu người vẫn chưa được tiếp cận với nguồn nước uống an toàn, đảm bảo về sức khỏe và vệ sinh môi trường. Ngay cả đối với những người có khả năng tiếp cận thì các dịch vụ về nước thường không đủ để đáp ứng các nhu cầu cơ bản.
Biến đổi khí hậu làm cho nguồn nước ngày càng cạn kiệt. |
Ngày Nước thế giới năm 2020 được Liên Hợp Quốc phát động với chủ đề là “Water and Climate change”- “Nước và Biến đổi khí hậu” nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của tài nguyên nước. Theo đó, các giải pháp quản lý bền vững nguồn nước sẽ giúp giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) và tăng tính thích ứng với các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành chỉ rõ, BĐKH đang diễn biến ngày càng khó lường dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra ngày càng thường xuyên và khó dự đoán, làm ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn tài nguyên nước mặt và nước ngầm.
Riêng tại Việt Nam, BĐKH đang diễn ra từng ngày, từng giờ, gây ra những hậu quả nghiêm trọng như tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước trên phần lớn các khu vực hiện nay.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành. |
“Điều đó cũng chứng minh trên thực tế, tài nguyên nước bị tác động mạnh nhất và trực tiếp nhất trước diễn biến của BĐKH, kéo theo các vấn đề về dân sinh, kinh tế và môi trường”, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, với chủ đề của Ngày Nước thế giới và Ngày Khí tượng thế giới năm nay, vai trò của việc đo đạc giám sát lượng mưa trên phạm vi toàn cầu để xây dựng một cơ sở dữ liệu chung, chia sẻ cho các mục đích khác nhau, từ nghiên cứu khoa học đến quản lý tài nguyên nước để sử dụng tối ưu nguồn nước cho phát triển kinh tế - xã hội và phòng chống thiên tai là điều cấp thiết.
Cùng với đó, sử dụng tài nguyên nước hiệu quả, bền vững chính là thích ứng với biến đổi khí hậu. “Hãy góp phần giảm thiểu tác động của BĐKH thông qua việc thay đổi các thói quen sử dụng nước hằng ngày”, Thứ trưởng nhắn nhủ.
Nhân Ngày Nước thế giới, Thứ trưởng Lê Công Thành kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng, các nhà hoạch định chính sách trong việc giải quyết các vấn đề về tài nguyên nước, bởi dây chính là chìa khóa giúp thích ứng tốt hơn, đồng thời có thể giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Hạn hán ngày càng diễn biến phức tạp và khốc liệt hơn. |
“Các nhà hoạch định chính sách phải coi tài nguyên nước như một giải pháp thiết thực giúp thích ứng với BĐKH, đồng thời, đối với cộng đồng người dân, thông qua các hoạt động nhỏ hằng ngày như sử dụng tiết kiệm nước cũng góp phần giảm thiểu BĐKH”, Thứ trưởng nhấn mạnh
Để hiện thực hóa mục tiêu sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước, Thứ trưởng Lê Công Thành cho rằng, cần sự chung tay của tất cả các ban ngành Trung ương, các địa phương, các tổ chức, cá nhân, các nhà khoa học. Các ngành sử dụng nước như nông nghiệp, công nghiệp, thủy sản, thủy điện, giao thông thủy… cần có các giải pháp chiến lược, căn cơ để ứng phó với diễn biến bất thường của tài nguyên nước trong bối cảnh BĐKH; sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, bền vững đồng thời song hành cùng với các giải pháp bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước.
Các Bộ, ngành, địa phương cần có các giải pháp đồng bộ nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước cho sinh hoạt, tập trung các giải pháp xử lý ô nhiễm trên các dòng sông. Mỗi người dân sử dụng nước tiết kiệm hàng ngày, tăng cường ý thức bảo vệ nguồn nước là những đóng góp thiết thực, hiệu quả cho công tác quản lý tài nguyên nước và ứng phó với BĐKH.
Hãy thay đổi thói quen sử dụng nước hàng ngày
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN&MT) Châu Trần Vĩnh cho biết, BĐKH đang diễn ra sớm và mạnh hơn so với dự báo.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN&MT) Châu Trần Vĩnh. |
“Đây chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng hạn hán, thiếu nước trên phần lớn các khu vực ở nước ta như hiện nay. Hệ quả của nó là dòng chảy trên hầu hết các sông, suối đều suy giảm nghiêm trọng, nhiều nơi đạt mức thấp kỷ lục. Kéo theo đó là tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước, kể cả nước sinh hoạt... Điều đó cũng chứng minh tài nguyên nước bị tác động mạnh nhất và trực tiếp nhất trước diễn biến của BĐKH, kéo theo các vấn đề về dân sinh, kinh tế và môi trường”, ông Vĩnh nhấn mạnh.
Theo ông Vĩnh, việc quản lý, sử dụng hiệu quả bền vững tài nguyên nước có vai trò rất quan trọng, nhất là trong điều kiện BĐKH khắc nghiệt như hiện nay.
Hạn hán ngày càng khốc liệt khiến nhiều hoa màu bị tác động tiêu cực. |
“Cần có các giải pháp quản lý bền vững nguồn nước sẽ giúp giảm thiểu các tác động của BĐKH và tăng tính thích ứng với các tác động tiêu cực của BĐKH”, ông Vĩnh cho hay.
Hiện tại BĐKH đang làm tăng cường độ và tần suất của thiên tai và các sự kiện cực đoan liên quan đến tài nguyên nước. Ủy ban Nước của Liên hiệp quốc (UN-Water) cũng dự đoán, hai phần ba dân số thế giới sẽ có thể bị ảnh hưởng bởi thách thức về nguồn nước vào năm 2025. Khi dân số toàn cầu tăng lên, nhu cầu về nước tăng cũng khiến cho tài nguyên thiên nhiên trở nên cạn kiệt và tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra ở nhiều nơi. Theo đó, cần có các giải pháp bảo vệ tài nguyên nước và khai thác, sử dụng tài nguyên nước bền vững để ứng phó với BĐKH.
“Giải quyết các vấn đề về tài nguyên nước chính là chìa khóa giúp thích ứng tốt hơn với BĐKH và đồng thời có thể giảm tác động tiêu cực của BĐKH, hãy coi tài nguyên nước như một giải pháp thiết thực giúp thích ứng với BĐKH. Đối với cộng đồng người, thông qua các hoạt động nhỏ hằng ngày như sử dụng tiết kiệm nước cũng đã góp phần giảm thiểu BĐKH”, ông Vĩnh nêu.
Các hồ thủy điện ngày càng thiếu hụt nguồn nước. |
Theo Phó Cục trưởng Châu Trần Vĩnh, chính tác động nhanh, mạnh và trực tiếp của BĐKH nên mỗi quốc gia cần thiết quản lý, sử dụng hiệu quả bền vững tài nguyên nước.
Để giảm thiểu nguy cơ thiếu nước, theo ông Vĩnh trong thời gian tới sẽ tăng cường, nâng cao độ chính xác trong công tác dự báo, cảnh báo các hiện tượng cực đoan, đặc biệt là hạn hán, xâm nhập mặn; giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước và giám sát việc vận hành các hồ chứa cấp nước cho hạ du; đẩy mạnh công tác tìm kiếm thăm dò nguồn nước dưới đất để có thể cung cấp cho các vùng khan hiếm nước mà nguồn nước các hồ chứa thủy lợi, thủy điện không cấp tới được.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh xây dựng Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh; hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước tổng thể, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương,…
“Tài nguyên nước nước ta là hữu hạn và đang đối mặt rất nhiều thách thức lớn và có nguy cơ đe dọa đến an ninh nguồn nước mà hệ quả của nó là đe dọa đến đời sống dân sinh, ổn định kinh tế - xã hội. Theo tôi, điều quan trọng nhất hiện nay là làm sao để thay đổi nhận thức sâu, rộng và nâng cao tinh thần trách nhiệm của người dân, cộng đồng dân cư và các tổ chức, cá nhân trong bảo vệ, chia sẻ nguồn nước và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí nguồn nước, điều đó sẽ làm giảm tác động của hạn hán, xâm nhập mặn đặc biệt là trong điều kiện BĐKH”, ông Vĩnh nhấn mạnh./.
Từ khóa: biến đổi khí hậu, tài nguyên nước cạn kiệt, hạn hán, thiếu hụt nguồn nước
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN