Sử dụng nguồn dự phòng để xây dựng đường băng bổ sung cho sân bay Long Thành
Cập nhật: 15/11/2024
VOV.VN - Bộ trưởng GTVT kỳ vọng tối đa không quá 1,5 năm có thể khánh thành đường băng số 3, mốc thời gian này trùng với thời gian khánh thành toàn bộ dự án giai đoạn 1 Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành.
Góp ý vào nội dung điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Sân bay Long Thành tại thảo luận tổ hôm nay (13/11), đại biểu Nguyễn Phương Thủy, đoàn Hà Nội cho rằng, việc điều chỉnh dự án như tờ trình của Chính phủ là rất cần thiết.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, dự án đã được trình Quốc hội điều chỉnh nhiều lần (cứ 1-2 năm lại điều chỉnh), việc phải đưa ra trình Quốc hội lấy ý kiến nhiều lần, quyết các chi tiết cụ thể dẫn đến thời gian dự án bị kéo dài. Vì vậy, tới đây khi sửa Luật Đầu tư công, theo phân cấp, phân quyền mà giao Chính phủ linh hoạt quyết định.
Đại biểu Huỳnh Thành Chung, đoàn Bình Phước cũng cho rằng, việc bổ sung thêm một đường băng giai đoạn 1 là rất cần thiết với sự phát triển kinh tế - xã hội, cũng như đảm bảo an toàn và liên tục vận hành (đường băng này bảo trì thì sẽ có đường băng khác hoạt động). Phương án vốn cũng đã được tính toán kỹ, không ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư.
Tuy vậy, đại biểu kiến nghị cần Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) phải cân nhắc nguồn dự phòng. Theo đó, nguồn để thực hiện đường băng bổ sung một phần sẽ lấy từ quỹ dự phòng, vậy nếu trong quá trình thực hiện các hạng mục đã được phê duyệt, nếu có sự thay đổi về quy mô, kỹ thuật… thì không còn nguồn dự phòng để xử lý.
Đại biểu Huỳnh Thành Chung đề nghị, Dự thảo Nghị quyết cần nêu rõ ưu tiên sử dụng tối đa nguồn dự phòng để xây dựng đường băng bổ sung, song trường hợp bất khả kháng cần cho phép chính phủ bổ sung ngân sách.
Liên quan tới dự án này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Đỗ Đức Duy cho hay, hiện nay, tại sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất có 2 đường băng cất hạ cánh song không đảm bảo khoảng cách đủ lớn nên không thể cất hạ cánh đồng thời, phải mất thời gian chờ, có khi kéo dài 5-10 phút gây lãng phí.
Kiểm tra thực tế cho thấy, dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 đang phù hợp cho xây dựng Đường hạ cất cánh số 3. Nếu để đến tận giai đoạn 3 mới thực hiện như phương án hiện tại sẽ ảnh hưởng đến vận hành, gây tiếng ồn và mất an ninh cho Đường hạ cất cánh số 1 khi vận hành. Bên cạnh đó, nguồn vốn cũng đã được tính toán kỹ (sử dụng nguồn tiết kiệm từ các gói thầu khác và nguồn dự phòng).
“Nói điều chỉnh dự án thì có vẻ phức tạp song thực chất là đẩy nhanh tiến độ dự án. Mong Quốc hội ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ”, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết.
Còn theo đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, Uỷ viên thường trực Ủy ban Kinh tế bổ sung đường cất hạ cánh (đường băng) số 3 sẽ mang lại nhiều thuận lợi, hiệu quả vì hiện tại mặt bằng, nhân lực, vật lực có sẵn và vị trí của đường băng số 3 chỉ cách đường băng số 1 một khoảng cách ngắn.
Hơn nữa, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, báo cáo của Chính phủ cho thấy kinh phí xây dựng đường băng số 3 chỉ khoảng 3.000 tỉ và đây là nguồn nhà đầu tư sắp xếp được từ nguồn tiết kiệm đấu thầu cũng như nguồn dự phòng cho dự án thành phần 3 của giai đoạn 1.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng băn khoăn khi thêm đường băng thì khả năng cung ứng dịch vụ của nhà ga T1 vốn được thiết kế chỉ cho một đường băng liệu có quá tải, phức tạp hay không? Việc kết nối đường băng số 3 với hệ thống dịch vụ khác có phát sinh gì hay không?
Ngoài ra, theo đề xuất, thời gian thực hiện đường băng số 3 dự kiến trong 24 tháng bao gồm 12 tháng chuẩn bị và 12 tháng thực hiện. Song, trên thực tế đã có hạ tầng, nguyên vật liệu, nhân lực, vật lực thì liệu có rút ngắn hơn nữa thời gian chuẩn bị thực hiện hay không?
“Mỗi hạng mục đẩy nhanh tiến độ, đưa vào sử dụng sớm ngày nào sẽ giúp tiết kiệm chi phí, phát huy tác dụng hơn ngày đấy”, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế nói.
Làm rõ ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho hay Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã tính toán kỹ.
“Việc mở thêm đường băng không có nghĩa nâng thêm công suất, vẫn là 25 triệu lượt khách/năm. Nhưng quá trình khảo sát và thi công cho thấy nếu không làm đường băng số 3 ngay mà thực hiện sau thì sẽ ảnh hưởng đến việc khai thác của sân bay vì rất bụi. Trong khi đó, hiện nay chúng ta có đủ thời gian, kinh phí để thực hiện”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.
Hơn nữa, báo cáo nêu rõ, nếu chỉ có một đường băng, trong trường hợp phải sửa chữa nâng cấp thì Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất phải gánh, dẫn đến quá tải. Do đó, Bộ GTVT nhận thấy việc đề xuất triển khai đường băng số 3 sẽ đảm bảo quá trình sau này không bị ảnh hưởng.
Trong quá trình khai thác, có thể dừng đường băng này để bảo trì đường băng kia mà không gây tác động.
Khi nghiên cứu, ACV cũng tính toán kỹ và cho thấy khi xây dựng ngay đường băng số 3, hệ thống cung cấp dịch vụ, hệ thống kết nối giữa đường lăn, các tuyến giao thông kết nối đều đồng bộ và không bị ảnh hưởng.
Về thời gian thi công, Bộ trưởng cho biết lý do dự án Cảng HKQT Long Thành bị chậm tiến độ một chút là vì nhiều nguyên nhân.
Thực tế, sau khi Quốc hội ra nghị quyết triển khai dự án vào năm 2015, dịch bệnh Covid-19 xảy ra và việc thực hiện gặp nhiều khó khăn về giải phóng mặt bằng.
“Chính vì không có mặt bằng nên không có cách nào để triển khai và mãi đến 2023 mới lựa chọn được nhà thầu”, Bộ trưởng GTVT cho biết.
Về thời gian thực hiện đường băng số 3, theo đề xuất là tối đa là 24 tháng nhưng Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng hoàn toàn có thể rút ngắn nếu nỗ lực đẩy nhanh tiến độ triển khai vì nay đã sẵn máy móc, thiết bị.
Bộ trưởng GTVT kỳ vọng tối đa không quá 1,5 năm, có thể khánh thành đường băng số 3 và mốc thời gian này tương đồng với thời gian khánh thành toàn bộ dự án giai đoạn 1 Cảng HKQT Long Thành.
Từ khóa: long thành, long thành, sân bay long thành, cảng hàng không quốc tế long thành, bộ trưởng gtvt
Thể loại: Xã hội
Tác giả: vân anh/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN