Sử dụng công nghệ giám sát người nghi nhiễm nCoV: Nên hay không?
Cập nhật: 07/02/2020
Phu Quoc welcomes direct flight route from Beijing, China
Vietnam among top Lunar New Year destinations for RoK visitors
VOV.VN - Những tranh cãi về việc có nên sử dụng công nghệ giám sát người nghi nhiễm nCoV hay không đang lan rộng ra khắp Trung Quốc.
Nhiều nơi áp dụng
Theo tạp chí Fortune, chính quyền Hong Kong (Trung Quốc) đã phát cho 30 gia đình có người vừa trở về từ tỉnh Hồ Bắc – trung tâm dịch corona – các thiết bị theo dõi cá nhân để những người này đeo vào tay trong suốt thời gian 14 ngày cách ly vì dịch bệnh.
Người dân Hong Kong xếp hàng mua khẩu trang y tế. Ảnh: EPA |
Phát biểu tại cuộc họp báo hồi đầu tuần, ông Victor Lam, Giám đốc Trung tâm Thông tin Hong Kong cho biết: “Những người này buộc phải cách ly tại nhà nhưng họ không phải là những tên tội phạm. Chính vì thế, chúng tôi nhất trí là cần phải tôn trọng quyền riêng tư của họ”.
Thiết bị đeo tay nói trên sẽ kết nối trực tiếp với một chiếc điện thoại do chính quyền thành phố cung cấp được bật liên tục 24/24. Nếu những người này di chuyển cách chiếc điện thoại nói trên hơn 30m hoặc một trong 2 thiết bị bị hỏng, giới chức thành phố y tế ngay lập tức sẽ nhận được thông tin cảnh báo.
Tuy nhiên, theo ông Lam, do thiết bị này không được trang bị Hệ thống Định vị toàn cầu (GPS) và không có cảm biến để xác định liệu những người thuộc diện phải giám sát có đeo nó trên tay hay không nên cũng khó có thể biết chính xác những người này có tuân thủ chặt chẽ quy định nói trên hay không. Dù vậy, ông Lam cảnh báo, những người vi phạm quy định cách ly có thể sẽ bị coi là tội phạm hình sự và phải ngồi tù tới 6 tháng kèm khoản tiền phạt 640USD.
Việc sử dụng các thiết bị theo dõi và camera để giám sát các bệnh nhân phải cách ly trong nhà không phải là biện pháp mới. Hồi năm 2003, khi dịch SARS bùng phát, Singapore cũng đã áp dụng biện pháp này với 8.000 người bị cách ly trong nhà. Thậm chí, quốc đảo sư tử còn “mạnh tay” hơn khi cảnh báo những người vi phạm sẽ phải đối mặt với mức án 6 tháng tù cùng số tiền phạt lên đến 7.000USD.
Hiện tại, không chỉ Hong Kong mà cả Đài Loan cũng đã triển khai các thiết bị công nghệ để giám sát những người nghi nhiễm nCoV. Những người này được phát những chiếc smartphone có khả năng theo dõi vị trí người bị cách ly và báo cho cảnh sát biết nếu những người này đi quá xa khỏi nhà riêng. Lãnh đạo Cục Phòng chống Dịch bệnh Đài Loan cho biết, những người vi phạm có thể bị phạt tới 9.000USD.
Nhân viên y tế Trung Quốc chuẩn bị giường cho những người bị cách ly. Ảnh: AP |
Tại Trung Quốc đại lục, rất nhiều hệ thống giám sát, trong đó có cả những hệ thống phân tích dữ liệu lớn đã được triển khai để theo dõi hàng nghìn người bị nghi ngờ nhiễm virus corona. Giới chức Trùng Khánh cho biết, họ đang theo dõi khoảng 5.000 người về từ Hồ Bắc trong dịp Tết Nguyên Đán. Một nửa trong số này hiện đang bị cách ly.
Các tập đoàn lớn tại Trung Quốc cũng tham gia tích cực vào việc này. Baidu cho biết, hệ thống giám sát nhiệt từ xa của họ - được trang bị trí tuệ nhân tạo (AI) để hướng cảm biến hồng ngoại về phía trán của những hành khách đang di chuyển tại các nhà ga tàu hỏa, tàu điện và sân bay.
Tập đoàn an ninh mạng Qihoo 360 đã ra mắt một chương trình cho phép người sử dụng theo dõi xem liệu họ có đi cùng một chuyến tàu hoặc máy bay với hành khách nào đó được xác định là nhiễm virus corona sau đó.
Bài học từ Singapore trong xử lý dịch viêm phổi do virus corona
Nhiều vấn đề cần giải quyết
Tuy nhiên, điều này lại làm nảy sinh nguy cơ thông tin của những người thuộc diện phải cách ly để theo dõi có thể lọt vào tay những kẻ xấu. Theo AP, người dân Thượng Hải đang lan truyền một danh sách thông tin của gần 200 người vừa về từ Vũ Hán. Nhiều người trong danh sách này đã trình báo cảnh sát về việc họ thường xuyên bị những người lạ quấy rối. Những vụ việc tương tự cũng đã xảy ra tại nhiều địa phương của Trung Quốc.
Tại Hong Kong, giới chức y tế địa phương đã công bố danh sách 24 khu dân cư được dùng làm nơi cách ly những người nghi nhiễm virus corona cũng như thời điểm những người này có thể rời khỏi khu cách ly để trở về nhà. Dù giới chức y tế Hong Kong đã lên tiếng trấn an những người không thuộc diện cách ly sống gần những khu dân cư này không nên quá hoảng loạn nhưng đã xảy ra nhiều vụ việc đáng tiếc liên quan đến quyết định này.
Hồi cuối tháng 1/2020, một tòa nhà bỏ trống dự kiến được sử dụng cho việc cách ly những người nghi nhiễm virus corona đã bị đánh bom. Vụ việc dù không gây thiệt hại về người nhưng đã khiến rất nhiều người sắp được đưa vào đó cách ly cảm thấy hoang mang, lo lắng.
Wong Tzewai, Giáo sư phụ trợ tại Đại học Trung Quốc ở Hong Kong, nhận định: “Những người bị cách ly sẽ có cảm giác như họ là những tên tội phạm. Chính vì thế, chúng ta cần làm tốt công tác tư vấn để họ hiểu rõ lý do chúng ta buộc phải thực hiện biện pháp này bởi về căn bản, chúng ta đang tước đi quyền tự do đi lại của họ”./.
Cuộc sống “không ngày tháng” của người dân vùng “tâm dịch” Vũ Hán
Từ khóa: virus corona, dịch viêm phổi cấp, vũ hán, dịch corona, viêm phổi cấp
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN