Sự cố mất liên lạc của MobiFone: Người dân có thể khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại

Cập nhật: 01/10/2020

VOV.VN - Trong trường hợp sự cố do mạng di động Mobifone bị mất liên lạc, không có sóng mà gây thiệt hại đến tài sản của bên người sử dụng thì sẽ phải bồi thường theo quy định.

Nhiều người dùng mạng di động MobiFone bị mất liên lạc, không có sóng vào chiều tối ngày 29/9, sau đó, nhà mạng này đã có thư xin lỗi gửi khách hàng bị ảnh hưởng. Trong thư xin lỗi, MobiFone rất lấy làm tiếc vì sự cố ngoài mong muốn, và với tinh thần cầu thị, nhà mạng này cho biết, sẽ gửi tặng những khách hàng đang sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) 7,5GB data (1,5GB/ngày x 5 ngày). Với những thuê bao đang sử dụng điện thoại thường, MobiFone gửi tặng ưu đãi miễn phí các cuộc gọi nội mạng dưới 10 phút (trong 30 ngày, tối đa 1.000 phút). Nhà mạng này cũng cho biết, sẽ nhắn tin tới các khánh hàng bị ảnh hưởng bởi sự cố và quà tặng sẽ được cộng trực tiếp vào tài khoản của khách hàng trong 5 ngày tới.

Tuy nhiên, điều đáng nói, đây không phải lần đầu tiên thuê bao MobiFone gặp phải sự cố này. Trước đó, năm 2018, nhà mạng này cũng gặp trục trặc tại một số khu vực nội thành Hà Nội, TP. HCM, sau khoảng 3 tiếng, kết nối mới trở lại bình thường.

Theo Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, theo quy định của pháp luật, hợp đồng dịch vụ viễn thông giữa khách hàng và đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông (nhà mạng) là hợp đồng dịch vụ, và ở đó, quyền và nghĩa vụ của các bên được thực hiện trên cơ sở quy định của bộ Luật Dân sự và các văn bản về bưu chính viễn thông, các văn bản về hợp đồng.

Luật sư Cường cũng cho hay, trong trường hợp việc gián đoạn liên lạc, không gọi được cuộc gọi, thì trong hợp đồng cũng sẽ quy trách nhiệm, xác định trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ là phải kịp thời khắc phục sự cố. Còn trong trường hợp sự cố xảy ra mà gây thiệt hại đến tài sản của bên người sử dụng thì sẽ phải bồi thường theo quy định.

“Ở đây, sự cố xảy ra- một là nếu trong trường hợp có thể dự đoán trước thì bên cung cấp dịch vụ viễn thông phải có cảnh báo trước. Thứ hai, trong trường hợp nếu không dự liệu được trước thì không có nghĩa vụ cảnh báo, nhưng phải có nghĩa vụ khắc phục kịp thời. Thứ ba, khi đã khắc phục kịp thời, sự việc xảy ra rồi và nếu có gây thiệt hại thì phải bồi thường theo thoả thuận trong hợp đồng. Trong trường hợp hợp đồng không có thoả thuận bồi thường thì người dân vẫn có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định của bộ Luật Dân sự về bồi thường ngoài hợp đồng”, luật sư Cường cho biết.

Cũng theo luật sự Đặng Văn Cường, trong trường hợp sự cố mất liên lạc của nhà mạng MobiFone, ở góc độ đạo đức kinh doanh, nhà mạng này đã có thông báo và xin lỗi khách hàng. Mặc dù thế, không thể phủ nhận sự cố mất mạng trong nhiều giờ liền đã gây ít nhiều phiền toái và thiệt hại cho người dùng.

“Thiệt hại đầu tiên chắc chắn là khó chịu, phiền hà… Ngay bản thân tôi, thời điểm đó cũng có mấy cuộc gọi đến các số của nhà mạng này, nhưng không liên lạc được thì cũng có thể nảy sinh những ý nghĩ có thể không hay cho đối tác và nó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến công việc mình đang cần xử lý gấp. Chỉ cần tín hiệu viễn thông bị gián đoạn khoảng 10 phút thì chắc chắn tạo ra sự phiền hà, sự khó chịu, cũng như gây ảnh hưởng tổn hại đến tâm lý, tâm chí là tài sản của người sử dụng”, luật sự Đặng Văn Cường cho biết thêm.

Trên thực tế, ngay sau sự cố mất liên lạc của một số thuê bao MobiFone, nhiều khách hàng của nhà mạng này đã bày tỏ quan điểm khó chịu và dự định chuyển sang nhà mạng khác./.

Từ khóa:

Thể loại: Khoa học - Công nghệ

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập