Sống chung nhưng không yêu - cởi mở hay buông thả?

Cập nhật: 24/12/2021

[VOV2] - Có những biểu hiện như một cặp đôi đang yêu, thậm chí chung sống cùng nhau nhưng hoàn toàn không ai nói lời yêu, không dự định chung về tương lai..., lối sống "trên tình bạn dưới tình yêu" trở thành một xu hướng của người trẻ.

Không ràng buộc nhưng vẫn tổn thương

Cuối tháng 11, trang Facebook có tên Bão Team của nhóm sinh viên đại học Văn Hóa Hà Nội đã tổ chức một talkshow trực tuyến về chủ đề “Friends with benefits- Cởi mở hay buông thả?” thu hút đông đảo sự quan tâm, theo dõi của các bạn trẻ với cả ngàn comment, hàng trăm lượt chia sẻ. Nếu Việt hóa thì “Friends with benefits” được hiểu là “bạn lợi ích”, “bạn tình dục”… một dạng thức của mối quan hệ không ràng buộc.

Mở đầu là câu chuyện có thật của một bạn gái trẻ vừa trải qua mối quan hệ “Friends with benefits” với đủ cung bậc cảm xúc với cái kết buồn. Khi 2 người đang sống chung "không ràng buộc" thì người yêu chính thức của anh bạn trai xuất hiện. Suy nghĩ trước đó của bạn gái trẻ là mối quan hệ không ràng buộc sẽ không bao giờ dẫn đến bị tổn thương đã không còn đúng. Những đổ vỡ xem ra còn đau đớn và mệt mỏi hơn những quan hệ tình cảm trước đây cô đã từng trải qua. Những lời dị nghị từ hàng xóm, những khiển trách từ cha mẹ, những tổn thương khó chữa lành khiến hai năm sau đó, bạn gái không dám mở lòng cho bất kỳ mối quan hệ nào.

Ekip thực hiện buổi trò chuyện trực tuyến cũng đã công phu khi ghi nhận ý kiến đa chiều từ chính các bạn trẻ. Rất nhiều quan điểm khác nhau: phản đối, đồng tình, chấp nhận, ủng hộ.

“Là một phụ nữ, em nghĩ mối quan hệ này không phải lấy quan hệ tình dục làm lợi ích cao nhất. Phụ nữ đồng ý quan hệ tình dục khi họ có tình cảm, cảm xúc. Bởi lẽ đó mối quan hệ này tiềm ẩn rủi ro nhiều hơn cho các bạn nữ. Người mạnh mẽ sẽ cắt đứt ngay mối quan hệ khi nảy sinh cảm xúc, nhưng cơ bản phụ nữ sẽ bị cuốn theo tình cảm. Và thời điểm nhận ra bạn trai không hề có chút tình cảm nào, họ sẽ là người tổn thương ”, Haley, một nữ TikToker có lượng theo dõi khủng, đồng thời là sinh viên đại học Luật chia sẻ. 

“Friends with Benefits”- Hãy tuân thủ cuộc chơi.

Theo chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn, xu hướng sống không ràng buộc của giới trẻ, phá vỡ những khuôn thước của thế hệ trước về gia đình, hôn nhân không phải bây giờ mới xuất hiện mà đã có từ những năm 80 của thế kỷ trước, chỉ là cách biểu hiện không rõ ràng và công khai. “Friends with benefits” theo chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn xuất phát từ việc để “giải quyết nhu cầu có thực”.

Dù chưa có bản khảo sát quy mô lớn hay bình diện rộng nhưng những cặp đôi theo kiểu không ràng buộc đã có từ thế hệ 7X, 8X. Họ thường gồm những sinh viên, lao động trẻ lên các thành phố học tập, lao động. Nhu cầu có người chia sẻ về không gian sống, có người chăm sóc, chia sẻ chi phí và cả nhu cầu về đời sống tình dục... là nguyên nhân để hình thành những mối quan hệ trên tình bạn và dưới tình yêu.

Còn giới trẻ hôm nay, theo Trương Thanh Vũ, người lên ý tưởng và xây dựng talkshow “Friends with benefits”, sống chung không ràng buộc còn xuất phát từ nhu cầu tình cảm. “Nhiều bạn trải qua đổ vỡ trong tình yêu, rơi vào trạng thái đổ vỡ, thất vọng đã mong muốn có người nào đó để đi chơi cùng, xem phim cùng, xóa đi cảm giác tủi thân và cả việc giải quyết nhu cầu tình dục”, Vũ lý giải.

Hầu như tất cả các khảo sát đều cho thấy các bạn nữ thường thiệt thòi hơn trong mối quan hệ được gọi là “sống thử" trước đây và giờ là “Trên tình bạn, dưới tình yêu”. Tuy nhiên, Thanh Vũ lại cho rằng, bất kì ai khi đi qua mối quan hệ này đều gặp vấn đề riêng. "Ai dành nhiều tình cảm hơn, tâm huyết hơn vào mối quan hệ không đầu không cuối này sẽ tổn thương. “Ai yêu trong mối quan hệ này sẽ là kẻ thua”, Thanh Vũ khẳng định.

Người tổn thương trong tình cảm tìm đến mối quan hệ Friends with Benefits không thể giải quyết triệt để tổn thương. Có rất nhiều cách thức để hóa giải nỗi buồn, cô đơn thay vì vội vã lao vào một mối quan hệ không đầu không cuối.

Ở trong mối quan hệ không ràng buộc, người ta có quyền cùng một lúc duy trì song hành nhiều mối quan hệ tương tự. Vì vậy, mối quan hệ kiểu này càng làm người trong cuộc thêm mất niềm tin về quan hệ gắn bó của tình yêu, hôn nhân và về cuộc sống nói chung.

Nếu coi Friends with Benefits như một cuộc chơi, hãy biết và tuân thủ luật chơi ngay từ đầu. Phân định rõ ràng giữa tình cảm và tình dục. Nhiều bạn khi bước vào mối quan hệ này xác định sẽ không có cái kết ràng buộc, nhưng tự dưng lại muốn giữ chân người kia. Nếu tình cảm này xuất phát từ một phía thì sẽ vô cùng tổn thương với bản thân và phiền phức cho người kia.

Điều quan trọng, cần xác định mình có thực sự cần mối quan hệ này không. "Nếu lý do bước vào mối quan hệ này chỉ vì thấy chán thì thật buồn cười”, Thanh Vũ nêu quan điểm.

Luật chơi chung cho tất cả các cặp đôi, kể cả mối quan hệ Friends with Benefits còn ở việc thực hiện nghiêm túc các biện pháp an toàn tình dục. Và hãy luôn lường trước hậu quả của những mối quan hệ này với cuộc sống tương lai còn rất dài ở phía trước. 

Từ khóa: trên tình bạn dưới tình yêu, bạn bè, yêu đương, sex, giới trẻ, friends, friends with benefits, vov2

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập