Sơn Long Quyền Thuật hồi hương về cội nguồn Việt Nam

Cập nhật: 19/10/2020

(VOV5) -Sơn Long Quyền Thuật là một môn phái của võ cổ truyền rất nổi tiếng tại Pháp.

Buổi tọa đàm Lịch sử Việt Nam qua Võ cổ truyền - Sơn Long Quyền Thuật hồi hương về cội nguồn Việt Nam do Viện Pháp tại Hà Nội và Liên đoàn Thế giới Võ cổ truyền Việt Nam tổ chức, diễn ra vào 18h ngày 21/1 tại L’Éspace, Hà Nội. Tọa đàm có sự tham gia của các diễn giả: Giáo sư Hoàng Vĩnh Giang, Chủ tịch Liên đoàn thế giới Võ cổ truyền Việt Nam (WFVV); Võ sư Olivier Barbey, người mang Sơn Long Quyền Thuật hồi hương về cội nguồn Việt Nam.

Sơn Long Quyền Thuật hồi hương về cội nguồn Việt Nam - ảnh 1

Võ thuật cổ truyền là một trong những truyền thống văn hoá, lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước của người Việt Nam.Tại tọa đàm, các diễn giả sẽ giới thiệu tổng quát về Võ cổ truyền Việt Nam - Di sản văn hóa phi vật thể của người Việt Nam

Võ cổ truyền Việt Nam ra đời cùng với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, nó là di sản văn hóa phi vật thể.Võ cổ truyền còn là một phần không thể thiếu được đối với các tướng lĩnh quân đội của nhiều triều đại thông qua các kì thi để tìm ra các võ trạng nguyên.

Trải qua hàng nghìn năm Võ cổ truyền đã có mặt ở khắp các nơi, các vùng miền, căn cứ vào yêu cầu tự vệ trước tự nhiên và ngoại bang mà hình thành ra các trào lưu, trường phái Võ cổ truyền, dần dần hình thành các dòng võ, võ phái có mặt cả ở ba miền: Bắc – Trung – Nam, với mỗi miền có những nét đặc sắc riêng, và trong đó có Sơn Long Quyền Thuật - môn võ đặc sắc vùng Kinh Bắc.

Võ sư Nguyễn Đức Mộc, người sáng lập ra Sơn Long Quyền Thuật, ra đời vào năm 1913 tại tỉnh Bắc Ninh, phía Bắc thủ đô Hà Nội. Ông nội của ông là một trong những trung úy phục vụ cho Hoàng Hoa Thám, vị chiến binh lừng danh đã đấu tranh chống lại chế độ thực dân trong vòng hơn 30 năm.

Khi Thế chiến thứ hai bùng nổ, võ sư Mộc đã được chiêu mộ vào Binh chủng Hải ngoại Pháp quốc và vĩnh viễn rời đi khỏi Việt Nam để chiến đấu bên cạnh người Pháp.

Vào năm 1957, võ sư Mộc quyết định kết cấu hóa và tổ chức dạy học môn phái của mình. Ông đã đăng ký môn phái của mình trên tờ Báo Chính thức của Công hòa Pháp (JORF) dưới tên gọi là Liên đoàn Võ Việt Nam tại Pháp. Từ đây đánh dấu sự ra đời của môn phái Sơn Long Quyền Thuật tại Paris. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, võ sư Mộc và các võ sinh đã tham gia nhiều hoạt động cổ vũ cho sự độc lập toàn vẹn của đất nước Việt Nam, đặc biệt là trong giai đoạn đàm phán Hiệp định Paris. Ông cùng với Liên đoàn đảm nhiệm việc bảo vệ phái đoàn Việt Nam, đặc biệt là việc bảo vệ bà Nguyễn Thị Bình. Võ sư Mộc muốn giúp đỡ và góp sức cho sự phát triển và sự thừa nhận môn phái của mình đối với các cấp chính quyền trong nước và những võ sư kì cựu của Việt Nam thông qua nhiều hoạt động và chuyến công du.

Võ sư Nguyễn Đức Mộc đã giảng dạy và lãnh đạo môn phái Sơn Long Quyền Thuật đến tận năm 2009, cũng là năm ông đã siêu thoát tại Paris, trong sự quây quần của những võ sinh của mình, hưởng thọ 96 tuổi. Theo di nguyện của ông, Liên đoàn Quốc tế Võ-Việt Nam (FIVV) đã tổ chức chuyến hồi hương chở theo tro cốt của võ sư về quê hương của mình tại làng Bồ Sơn và đoàn tụ lại với gia đình của ông.

Sơn Long Quyền Thuật là một môn phái của võ cổ truyền rất nổi tiếng tại Pháp. Võ sư Olivier Barbey, chưởng môn đời thứ 2 của Sơn Long Quyền Thuật là người đã bỏ cả sự nghiệp để sang Việt Nam gây dựng võ đường dạy môn phái cho người Việt Nam tại Hà Nội. Mục tiêu của môn phái này là để hình thành nên một cầu nối văn hóa giữa những người tập võ của Việt Nam và của các nước trên thế giới thông qua việc luyện tập môn phái võ này. Sơn Long Quyền Thuật có thể được coi là kim chỉ nam cho tình bạn và sự trao đổi học hỏi giữa các dân tộc. Bầu không khi ấm cúng và hữu nghị làm cho môn phái này trở thành một trường đời tuyệt vời: nền văn hóa Việt Nam với đặc tính rất cộng đồng và đoàn kết mang lại những giá trị có ích cho mọi người.

Võ sư Olivier Barbey và người vợ Sarah từng là học trò của võ sư Nguyễn Đức Mộc, người sáng lập ra môn phái võ Sơn Long Quyền Thuật và phát triển môn phái tại nước Pháp - nơi ông đến với tư cách là lính bổ sung nhất thời trong Thế chiến thứ hai. Võ sư Barbey và vợ của ông đã quyết định đến Việt Nam sinh sống cách đây ba năm để phát triển môn phái võ thuật Sơn Long Quyền Thuật và “đưa giọt nước trở về với cội nguồn”. Họ đã thuyết phục được Liên đoàn Thế giới Võ cổ truyền Việt Nam (WFVV) kết nạp môn võ trên thành một môn phái của Liên đoàn và Olivier đã được bổ nhiệm làm Phó Tổng thư ký của Liên đoàn này.

Từ khóa: VOV, VOVworld, VOV5, Sơn long quyền thuật, võ cổ truyền, võ cổ truyền Việt Nam, Hoàng Vĩnh Giang, võ sư Nguyễn Đức Mộc, Võ sư Olivier Barbey

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOV5

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập