Sơn La: Từ địa bàn "nóng" về ma túy đến những rẻo cao bình yên

Cập nhật: 10/10/2023

VOV.VN - Vận động nhân dân tránh xa ma túy và cũng dựa vào dân để phòng chống, đấu tranh với tội phạm về ma túy, lực lượng công an Sơn La đã cùng cấp ủy, chính quyền “hạ nhiệt” nhiều “điểm nóng”, vẽ nên bức tranh về những miền quê mới, hi vọng về cuộc sống mới, khởi sắc và bình yên trên rẻo cao.

Sơn La là địa bàn trọng điểm về ma túy, với hơn 6.000 người nghiện, trên 43% xã trọng điểm về ma túy, mỗi năm khởi tố hàng nghìn đối tượng liên quan đến ma túy. Tội phạm, tệ nạn ma túy trên địa bàn Sơn La trong những năm gần đây cơ bản được kiềm chế, kiểm soát, tuy nhiên vẫn diễn biến phức tạp tại một số huyện biên giới, tuyến, địa bàn trọng điểm.

Cả hệ thống chính trị ở Sơn La đã và đang vào cuộc, với những giải pháp quyết liệt, phấn đấu đưa Sơn La ra khỏi diện trọng điểm về ma túy của cả nước vào năm 2030. Phát huy vai trò nòng cốt, Công an Sơn La đã đấu tranh với tội phạm về ma túy, huy động sức dân trong phòng, chống và đẩy lùi ma túy, chuyển hóa địa bàn phức tạp và rộng mở cánh cửa đón người lầm lỡ trở về.

Ngày mới ở “thánh địa ma túy”

Vượt cung đường đèo dốc quanh co, vén làn sương trời thu tháng 9, một thung lũng với những nếp nhà sàn kiên cố, nương đồi ngát xanh, nhịp sống, lao động sản xuất rộn ràng... hiện ra trong tầm mắt – Bức tranh ngày mới ở bản Tà Dê, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, Sơn La như dần xóa đi hình ảnh về một “thánh địa ma túy” năm xưa.

Câu chuyện về những vụ mùa, bữa cơm no, chiếc áo mới cho con trẻ đến trường và đặc biệt là chuyển biến tích cực về tình hình tội phạm ma túy... rôm rả bên hiên nhà của gia đình anh Giàng A Thống, người con của Tà Dê, cũng là công an viên của bản.

“Trước đây bản Tà Dê mình ma túy nhiều. Công an xã, công an huyện cùng trưởng bản, các ngành, nhóm liên gia tự quản tuyên truyền cho bà con nhân dân. 1 – 2 năm nay ma túy giảm dần đi nhiều. Rất là phấn khởi!” – Anh Giàng A Thống nói.

Ông Giàng A Thào, Bí thư chi bộ kiêm trưởng bản Tà Dê cho biết, cả bản có 106 hộ với hơn 600 nhân khẩu. Tuy cuộc sống bà con còn khó khăn, thế nhưng, rất mừng là cả bản ngày càng đồng lòng, quyết tâm đẩy lùi ma túy, vươn lên phát triển kinh tế. “Trước khó khăn, các cấp, các ngành hỗ trợ nhiều, bà con cũng cố gắng làm nương rẫy, trồng cỏ, ngô, nuôi trâu bò... để không phạm tội về ma túy.” – Ông Thào nói.

Nhiều năm về trước, xã Lóng Luông từng được xem là “điểm nóng” khi tập trung các loại đối tượng liên quan đến ma túy, đồng thời là nơi lẩn trốn của nhiều đối tượng truy nã về ma túy. “Cơn bão ma túy” từng gieo rắc biết bao khổ đau xuống bản làng, nhiều gia đình chia ly, cha mất con, vợ mất chồng, cả nhà vướng vào vòng lao lý, con trẻ bơ vơ...

Bức tranh ngày mới ở Lóng Luông bừng lên gam màu tươi sáng khi “điểm nóng” đã hạ nhiệt, tình hình tội phạm ma túy giảm sâu. Đó là kết quả khi cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó có những nỗ lực không quản khó khăn của lực lượng công an.

Trung tá Vì Thanh Hải, Phó trưởng Công an xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ cho biết: “Trình độ nhận thức của bà con còn hạn chế, lợi nhuận của buôn bán ma túy cao, dấu hiệu buôn bán, tàng trữ ma tuý ngày càng tinh vi hơn... Chúng tôi đã cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với bà con, tìm hiểu tâm tư tình cảm; tuyên truyền, vận động, đặc biệt là già làng, trưởng bản, người có uy tín trong bản.”

Chia sẻ về cách vận động bà con, ông Giàng A Pàng, người có uy tín ở xã Lóng Luông nói: “Đầu tiên mình phải tuyên truyền gia đình làm tốt trước, từ đó mình có tiếng nói, người dân rất đồng tình, ủng hộ. Điều quan trọng nữa là mình đi cơ sở phải biết vận dụng đặc điểm, tình hình của nơi đó, kết hợp, lồng ghép với họp dân, hay cả khi đi dám cưới, ngồi nói chuyện với nhau...”

Có mặt từ những ngày đầu Công an huyện Vân Hồ thành lập, trải qua nhiều vị trí công tác và nay là Trưởng Công an huyện, Thượng tá Nguyễn Quốc Việt chưa một lần lùi bước trước tội phạm khi đối mặt với tội phạm ma túy ở nơi gần như “nóng” nhất cả nước; hầu hết các chuyên án lớn đều có sự tham gia trực tiếp của anh.

Thượng tá Nguyễn Quốc Việt chia sẻ, trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm về ma túy, những kỷ niệm đáng nhớ của anh luôn gắn liền với bà con nhân dân. “Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi lên đồi, lên nương rẫy, thấy bà con lao động vất vả, đến trưa rồi mà không có thức ăn, anh em tôi đã chia sẻ những gói cơm và chai nước cho bà con, rồi cùng lao động với bà con, giúp bà con khắc phục những khó khăn trong cuộc sống... Khi chúng tôi chia sẻ thế thì bà con cũng gần gũi hơn, tích cực thông tin, giúp đỡ lực lượng công an trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.”

Xây dựng địa bàn “sạch” ma túy

Tròn 1 năm trở về sau khi điều trị cai nghiện, ông Lò Văn Yêu, ở bản Tam Quỳnh, xã Chiềng Đen, thành phố Sơn La dần ổn định cả sức khỏe và tinh thần. Vòng tay gia đình và cộng đồng rộng mở giúp ông Lò Văn Yêu trở lại cuộc sống bình thường - điều ước giản dị khi đã ngoài 60 tuổi và có gần nửa đời người quẩn quanh trong “cơn bão ma túy”.

“Trước tôi nghiện gia đình rất khó khăn, làm được đồng nào cũng hết, không có dùng không chịu được, đến cơn phải bám vợ, bám con lấy tiền đi dùng. Cấp trên đã quan tâm đưa đi chữa bệnh, ổn định tư tưởng về với gia đình, vợ con...” – Ông Yêu nói.

Ông Lò Văn Học, Phó trưởng bản Tam Quỳnh, xã Chiềng Đen, thành phố Sơn La chia sẻ: “Ma túy giờ rất nhiều loại, không phải người già mà nhiều độ tuổi bây giờ cũng có nguy cơ. May có sự vào cuộc của lực lượng công an, nhất là khi công an chính quy về xã, tuyên truyền, theo dõi các thanh niên, trẻ vị thành niên, nên hạn chế được, còn nếu không sát sao chắc chắn không giảm được như bây giờ.”

Xã Chiềng Đen, thành phố Sơn La được lựa chọn là địa bàn chuyển hóa không có ma túy trong năm 2023, để thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy Công an tỉnh Sơn La về chuyển hóa, xây dựng xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Sơn La không có ma túy giai đoạn 2023 – 2025. Cả hệ thống chính trị ở xã Chiềng Đen đã vào cuộc, trong đó lực lượng công an xã phát huy vai trò nòng cốt.

Trung tá Nguyễn Văn Hưng, Phó trưởng Công an xã Chiềng Đen, thành phố Sơn La cho biết: Công an xã đã phối hợp với các lực lượng, ban ngành, đoàn thể và các tổ công tác phòng chống ma túy tiến hành tổ chức phát giác, tố giác. Quá trình thực hiện được bà con nhân dân đồng tình ủng hộ và nhiệt tình tham gia. Cán bộ chiến sĩ thường xuyên bám nắm địa bàn, các đối tượng trong diện theo dõi, quản lý thường xuyên được cảm hóa, giáo dục.

Tình hình an ninh trật tự, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã Chiềng Đen luôn được đảm bảo ổn định, không phát sinh người nghiện mới, không có điểm nóng phức tạp về ma túy, không có điểm mua bán trái phép chất ma túy, góp phần vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ông Tòng Văn Pâng, Bí thư đảng ủy xã Chiềng Đen, thành phố Sơn La nói: “Trong thời gian qua, lực lượng tham mưu nòng cốt nhất là lực lượng công an xã, quyết liệt triển khai, tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch mà đảng úy, UBND xã giao; thực hiện tốt 3 bám, 4 cùng, đồng hành với nhân dân thực hiện chuyển hóa địa bàn.”

Quyết tâm đưa Sơn La ra khỏi diện trọng điểm ma túy

Sơn La là một tỉnh miền núi phía Tây Bắc, đường biên giới dài với 6 huyện biên giới. Các đối tượng tội phạm về ma túy đã lợi dụng điều kiện địa lý, địa bàn để thực hiện việc vận chuyển ma túy vào địa bàn Việt Nam tiêu thụ, và vận chuyển qua địa bàn tỉnh khác.

Việc tổ chức lực lượng trinh sát, bám nắm tình hình địa bàn với tuyến biên giới dài như vậy vốn đã khó, trong khi đó dọc theo biên giới các bản dân cư chủ yếu là đồng bào Mông, sinh sống theo tập quán du canh, du cư, thường sống trên các rẻo núi cao...

Thượng tá Nguyễn Cự Cường, Phó trưởng phòng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Sơn La cho biết: “Sơn La là một địa bàn rộng, hơn 6.000 người sử dụng ma túy, người nghiện trong danh sách quản lý. Những năm gần đây, tội phạm ma túy thường thay đổi phương thức hoạt động để trốn tránh việc xác minh, truy bắt của lực lượng chức năng. Trong đó có những đường dây mua bán ma túy lớn từ Lào vào Việt Nam. Đặc biệt là các đối tượng mua bán vũ khí quân dụng và sẵn sàng chống đối các lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ.”

Những năm gần đây, lực lượng Công an Sơn La bắt giữ, thụ lý, điều tra, xử lý hơn 1.000 vụ ma túy, với khoảng 1.200 – 1.500 bị can hàng năm. Trong khi đó, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy của Công an tỉnh Sơn La biên chế còn mỏng. Để điều tra, xử lý, giải quyết triệt để các vụ ma túy thì cán bộ điều tra phải làm ngày làm đêm, không có ngày lễ, ngày tết, ngày nghỉ...

Thượng tá Nguyễn Cự Cường, Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Sơn La thông tin: “Lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy được nhân dân các xã biên giới ủng hộ trong công tác đấu tranh và triệt phá các đường dây tội phạm ma túy. Lực lượng đã cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với quần chúng; qua đó nhân dân tin yêu và cung cấp những thông tin rất là giá trị cho lực lượng về các đường dây, đối tượng hoạt động.”

Đề án “Chuyển hóa, xây dựng xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Sơn La không có ma túy” đặt ra mục tiêu đến hết năm 2030, phấn đấu 100% xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, trường học đạt tiêu chuẩn không có ma túy; đưa Sơn La ra khỏi diện trọng điểm về ma túy của cả nước.

Ông Kha Mạnh Sâm, Phó trưởng ban Thường trực Ban Dân vận tỉnh ủy Sơn La cho biết: Chúng tôi đã chỉ đạo, phối hợp với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện tốt các phong trào, cuộc vận động, nắm tình hình trong các chuyến công tác tại bản, xã. Đồng thời, chỉ đạo hệ thống dân vận kịp thời tham mưu xây dựng mô hình, điển hình “dân vận khéo” trong phòng chống ma túy.

Vận động nhân dân tránh xa ma túy và cũng dựa vào dân để phòng chống, đấu tranh với tội phạm về ma túy, lực lượng công an Sơn La đã cùng cấp ủy, chính quyền “hạ nhiệt” nhiều “điểm nóng”, vẽ nên bức tranh về những miền quê mới, hi vọng về cuộc sống mới, khởi sắc và bình yên trên rẻo cao.

Và để lòng dân thêm vững, thêm tin, thêm yêu thương, gắn kết, các cán bộ, chiến sĩ công an Sơn La còn trở thành điểm tựa cả về vật chất và tinh thần cho những mảnh đời bất hạnh, những đứa trẻ mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên khắp các rẻo cao, biên giới. Bài 3 của loạt bài “Điểm tựa lòng dân” sẽ chia sẻ những câu chuyện về những đề án, dự án nhân văn đặc biệt của Công an Sơn La.

Sơn La: Không để tà đạo chia cách lòng dân

VOV.VN - Lấy dân làm điểm tựa và trở thành điểm tựa của lòng dân – đó là phương châm mà Công an Sơn La đồng lòng thực hiện, để xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, vận động quần chúng góp sức bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Từ khóa: ma túy, công an, Sơn La, Tây Bắc, dân vận, nhân dân, đẩy lùi ma túy, điểm nóng ma túy, lóng luông, Mai sơn

Thể loại: Giáo dục

Tác giả: nhóm phóng viên/ vov - tây bắc

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập