Sơn La tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông sản
Cập nhật: 25/01/2024
Chuyển giao công nghệ đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam (21/11/2024)
Đường sắt tốc độ cao – cơ hội cho doanh nghiệp Việt (25/11/2024)
VOV.VN - Để thực hiện Nghị quyết về phát triển công nghiệp chế biến nông sản, phấn đấu trở thành trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp khu vực trung du và miền núi phía Bắc, tỉnh Sơn La đang triển khai đồng bộ các giải pháp, tìm hướng tháo gỡ những khó khăn, bất cập.
Phục vụ yêu cầu sản xuất với diện tích, sản lượng nông sản lớn của cả nước, tỉnh Sơn La đã tích cực thu hút đầu tư, với gần 60 nhà máy, cơ sở sản xuất chế biến, chủ yếu là chế biến nông sản như chè, cà phê, các sản phẩm đường, sữa, tinh bột sắn... còn lại là các cơ sở chế biến nhỏ lẻ.
Theo định hướng phát triển cụm công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Sơn La, quy hoạch giai đoạn 2021 – 2030, Sơn La sẽ có 13 cụm công nghiệp. Chủ trương của tỉnh là ít nhất mỗi huyện, thành phố có 1 cụm công nghiệp để tập trung thu hút các dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Đến nay, Sơn La có 2 cụm công nghiệp được quy hoạch chi tiết đã đi vào hoạt động, gồm: cụm công nghiệp Mộc Châu, huyện Mộc Châu và cụm công nghiệp Gia Phù, huyện Phù Yên.
Tuy nhiên, Sơn La hiện đang gặp khó trong thu hút các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng và nhà đầu tư thứ cấp vào cụm công nghiệp, do điều kiện vị trí địa lý, địa hình không thuận lợi, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, qui mô các cụm công nghiệp còn nhỏ, chi phí đầu tư lớn.
Ông Nguyễn Đình Phong, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sơn La cho biết: năm 2024, cùng với việc tập trung xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện quy hoạch của tỉnh đã được thủ tướng phê duyệt, Sơn La cần tháo gỡ những khó khăn trong thu hút đầu tư.
“Với tỉnh Sơn La, việc bố trí một diện tích đất xây dựng cụm công nghiệp rất khó khăn, do địa hình phức tạp, chi phí san lấp cao; trong khi đó các nhà đầu tư chủ yếu chế biến nông sản, mà chế biến nông sản có tính đặc thù, theo mùa vụ, mỗi trái quả, sản phẩm đòi hỏi công nghệ riêng, vì vậy đây là một bài toán rất khó cho các nhà đầu tư thứ cấp để lên đăng ký kinh doanh; tiền thuê đất cao, cơ sở hạ tầng đầu tư cao. Do đó phải có cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp, hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất trong cụm công nghiệp, đặc biệt là chế biến nông sản” - ông Nguyễn Đình Phong nói.
Từ khóa: nông sản, công nghiệp chế biến,chế biến nông sản,Sơn La
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: lê hạnh/vov-tây bắc
Nguồn tin: VOVVN