Sơn La chú trọng tái đàn bình ổn giá lợn sau dịch tả châu Phi
Cập nhật: 13/11/2019
Phiên chứng khoán chiều qua: Thị trường tăng nhẹ, giao dịch quanh mốc 1230 điểm (26/11/2024)
Hà Nội tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm cơ sở kinh doanh y, dược vi phạm (26/11/2024)
VOV.VN - Các doanh nghiệp, trang trại và các hộ chăn nuôi thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo tăng đàn, bình ổn giá lợn thịt dịp cuối năm.
Tính đến thời điểm này, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở 128 xã, phường, thị trấn của tỉnh Sơn La. Tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy là 15.700 con với trọng lượng 600 tấn, chiếm 2,7% tổng đàn lợn của toàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã có 79 lượt xã, thị trấn trên địa bàn các huyện công bố hết dịch tả lợn châu Phi.
Để tiếp tục ngăn chặn dịch tái phát, lây lan, đảm bảo nguồn thực phẩm cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân dịp tết sắp tới, đặc biệt là việc bình ổn giá, phóng viên VOV thường trú khu vực Tây Bắc đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La về nội dung này.
PV: Thưa ông, xin ông cho biết công tác ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn đang được tỉnh Sơn La triển khai quyết liệt như thế nào?
Ông Nguyễn Thành Công: Trong thời gian dịch tả lợn châu Phi xuất hiện và bùng phát tại 128 xã, phường, thị trấn của tỉnh Sơn La, ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La đã tập trung chỉ đạo các giải pháp quyết liệt theo đúng tinh thần của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tả lợn châu Phi cấp tỉnh, từ việc tiêu trùng khử độc, kiểm soát giết mổ, kiểm soát vận chuyển đến các khâu an toàn sinh học khác.
PV: Để đảm bảo nguồn thực phẩm cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, nhất là phục vụ dịp Tết, công tác tái đàn lợn đang được tỉnh chú trọng ra sao?
Ông Nguyễn Thành Công: Để thực hiện tốt và hiệu quả công tác tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi, ngành nông nghiệp tỉnh đã rà soát lại toàn bộ các khu vực xã, phường, những địa điểm đã bị dịch. Sở đã tiến hành phân loại và công bố những địa điểm, khu vực hết dịch (sau 30 ngày hết dịch không còn lợn bệnh bị chết) sẽ được tiến hành vệ sinh, tiêu trùng khử độc, vệ sinh cơ giới, làm các giải pháp để đảm bảo đủ điều kiện an toàn.
Tại những khu vực hết dịch, sau khi thực hiện các giải pháp vệ sinh, tiêu trùng và khử độc đảm bảo an toàn, đúng quy định sẽ được phép cho tái đàn. Tuy nhiên, Sở cũng khuyến cáo rõ, không cho tái đàn trên diện rộng, ban đầu chỉ tái đàn với tỷ lệ 10%, nếu lợn phát triển ổn định sẽ thực hiện tái đàn lớn hơn. Thực hiện tốt công tác này, tỉnh Sơn La sẽ đảm bảo cân đối được 600.000 con lợn, đảm bảo cung ứng được nguồn thực phẩm và đảm bảo bình ổn giá dịp cuối năm, đặc biệt là dịp Tết.
PV: Dự báo nguồn lợn thịt năm nay có nguy cơkhan hiếm dẫn đến giá thịt cao. Để bình thực hiện bình ổn giá lợn thịt, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ cần có giải pháp gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Thành Công: Trước diễn biến thiếu hụt lợn thịt và giá lợn có chiều hướng tăng cao, ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La sẽ phối hợp với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn và các trang trại, các hộ gia đình thực hiện đồng bộ các giải pháp, đảm bảo có được đàn lợn đáp ứng được nhu cầu thị trường.
Giải pháp đầu tiên đối với tất cả các trang trại lớn hiện nay sẽ tập trung tiêu thụ lợn thịt ra thị trường nội địa, thị trường của tỉnh cũng như thị trường lân cận để đảm bảo việc bình ổn, tạo được sự ổn định về sản lượng thịt và giá.
Giải pháp sau đó là tiếp tục cho phép các đơn vị chăn nuôi lớn như tập đoàn CP thực hiện việc trung chuyển lợn nuôi giữa các vùng với nhau như của thành phố Sơn La, Mường La và Hòa Bình. Đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, khi có đàn lợn đến thời kỳ tiêu thụ sẽ thực hiện tiêu thụ ngay tại địa bàn, đảm bảo cung ứng cho thị trường.
PV: Với tổng đàn lợn hiện nay của tỉnh là 650.000 con liệu có đáp ứng được nhu cầu thực phẩm của nhân dân trong tỉnh từ nay đến Tết không, thưa ông?
Ông Nguyễn Thành Công: Theo tính toán từ nay đến Tết còn hơn 2 tháng nữa, với tổng đàn lợn của tỉnh Sơn La hiện nay sẽ đủ cung ứng cho nhu cầu thực phẩm của tỉnh với quy mô dân số 1,2 triệu người.
Với sản lượng hiện có cũng như mức độ tiêu thụ, nhu cầu sử dụng lợn hơi của tỉnh Sơn La cho thấy, cân đối đàn lợn hơi của tỉnh hiện nay đảm bảo điều kiện, đồng thời có một phần đảm bảo cung ứng cho địa bàn lân cận.
Vấn đề cuối cùng là hiện nay thịt lợn hơi tại thị trường Trung Quốc rất thiếu, nếu cứ tập trung xuất khẩu lợn hơi sang thị trường này, nguồn cung cho thị trường trong nước sẽ bị thiếu hụt.
Do vậy, tỉnh cũng đã chỉ đạo ngành nông nghiệp và các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất lớn tính toán giải bài toán xuất khẩu lợn hơi. Lượng xuất khẩu sẽ được cân đối chặt chẽ, với ưu tiên là ổn định nguồn thịt lợn cho thị trường trong nước, thị trường trong tỉnh Sơn La.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
67 xã, thị trấn ở Sơn La công bố hết dịch tả lợn châu Phi
Từ khóa: tái đàn lợn, lợn thịt tăng giá, bình ổn giá lợn, nguồn cung thịt lợn, xuất khẩu lợn thịt
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN