Sôi nổi các hoạt động thi ca trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ XX

Cập nhật: 15/02/2022

VOV.VN - Hưởng ứng tinh thần "Ngày thơ Việt Nam" lần thứ XX, nhiều hoạt động thi ca trực tiếp, trực tuyến đã được tổ chức trên khắp cả nước.

Theo thông lệ hàng năm, cứ đến ngày Rằm tháng Giêng, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức “Ngày thơ Việt Nam” tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) và trên nhiều tỉnh, thành phố của cả nước. Đây là dịp công chúng yêu thơ trên cả nước tôn vinh những thành tựu thơ ca Việt Nam trong quá khứ, giới thiệu thơ ca đương đại trong quá trình đổi mới, xây dựng đất nước.

Năm nay, Ngày thơ Việt Nam lần thứ XX có chủ đề “Hãy sống và hy vọng” được tổ chức một cách linh hoạt, theo hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp tùy tình hình dịch bệnh của mỗi địa phương. Tại Hà Nội, Ngày thơ Việt Nam thay vì diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám như thường lệ, đã chuyển thành hình thức trực tuyến.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: "Đây là năm thứ 3 Hội Nhà văn Việt Nam phải hoãn tổ chức Ngày thơ Việt Nam trực tiếp tại Văn Miếu - Quốc tử Giám. Và đây là thiệt thòi đối với những người làm thơ, các nhà thơ và những người yêu thơ. Nhưng tình hình dịch bệnh tại Hà Nội như vậy cho nên chúng tôi vẫn phải quyết định dừng lại để bảo đảm an toàn cho mọi người. Thế nhưng Hội nhà văn sẽ tìm cách khác.

Từ cuối năm 2021 thì Hội Nhà văn Việt Nam đã có công văn gửi cho các Hội đồng văn học nghệ thuật địa phương để nói về nội dung tinh thần ngày thơ và cách thức tổ chức Ngày thơ tùy theo tình hình dịch bệnh ở các địa phương tổ chức trực tiếp hay trực tuyến hoặc là các hình thức nào đó. 

Năm 2021 là một năm vô cùng khó khăn, nhiều thách thức và cả mất mát đối với đất nước bởi đại dịch Covid-19. Nhưng trong khó khăn, thách thức và mất mát ấy, tinh thần Việt Nam lại một lần nữa hiện ra với vẻ đẹp văn hóa cao thượng và ý chí sống mãnh liệt như đã được chứng minh trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.

Đó là tình yêu thương đồng loại, là sự dâng hiến cho cộng đồng, là sự đồng lòng giữa chính quyền và người dân cho sự bình an của con người và sự phát triển của đất nước, đặc biệt là niềm hy vọng lớn lao của con người Việt Nam vào một tương lai tốt đẹp hơn. Chính vì những điều đó, Hội Nhà văn Việt Nam lấy chủ đề của Ngày Thơ lần thứ 20 là “Hãy sống và hy vọng". 

Về các hoạt động thi ca trong dịp này, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: "Chúng tôi tổ chức các hoạt động lan toả tinh thần thi ca dưới nhiều hình thức như trên truyền hình, trên báo, tạp chí hoặc các phương tiện thông tin của Hội nhà văn. Chúng tôi thực hiện một số chuyên đề về Ngày thơ cũng như những vấn đề về thi ca và đồng thời tổ chức tọa đàm theo hình thức trực tuyến trong Ngày thơ và một số ngày trong tháng Giêng". 

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng kêu gọi các hội viên Hội nhà văn Việt Nam, thông qua trang facebook cá nhân, zalo, đăng tải những bài thơ lên mạng xã hội như một cách sẻ chia, lan toả tinh thần yêu thơ ca, đảm bảo tinh thần lễ hội của thơ ca không đứt đoạn cũng như làm cho những người yêu thơ cảm thấy ấm lòng hơn. 

Trong dịp này, Hội Nhà văn Việt Nam cũng giới thiệu chuyên đề “Thơ trẻ và quan niệm về thơ” dành cho một số cây bút được lựa chọn Tham dự Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X sắp tới.

Hưởng ứng tinh thần Ngày Thơ Việt Nam, nhóm "Văn+ & Trạm thơ" đã tổ chức "Đêm thơ Nguyên tiêu online" với toạ đàm "Thơ là gì của chúng ta" có sự tham gia của gần 150 nhà thơ, diễn giả, người yêu thơ vào tối 14/2. Với 3 tiếng thảo luận sôi nổi, các nhà thơ, diễn giả, nhà phê bình đã cùng nhau đọc thơ, bàn luận về thơ trong dịp đặc biệt này. 

Một trong những hoạt động thuộc khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam là cuộc thi thơ “Sống và hy vọng" do Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Ban Văn học Nghệ thuật (VOV6) – Đài Tiếng nói Việt Nam và Diễn đàn văn chương Quán Chiêu Văn tổ chức. 

Chủ đề của cuộc thi “Sống và hy vọng” cũng là chủ điểm hoạt động năm nay của Hội Nhà văn Việt Nam. Chủ đề được đánh giá ý nghĩa, rất phù hợp với bối cảnh hiện nay khi toàn cầu và đất nước chúng ta cùng bị ảnh hưởng nhiều do đại dịch. Đó là những mất mát, đau thương, ly tán của các gia đình, cách ly vùng miền, đất nước ta còn nhiều vùng đỏ, đời sống kinh tế, xã hội ảnh hưởng nặng nề. Khơi một giá trị tinh thần và tựa vào giá trị tinh thần, bền vững của dân tộc chúng ta là sự yêu thương, sẻ chia và chúng ta cùng nhau sát cánh để sống và hi vọng để đẩy lùi đại dịch.

Và thông qua thơ ca, thông qua sự hưởng ứng của các tác giả chuyên nghiệp và không chuyên thì những bài thơ như một giá trị tinh thần, vật chất góp phần vào công cuộc phòng chống dịch và hướng tới sự phát triển trở lại của quốc gia. 

Ở nhiều tỉnh, thành phố, hoạt động thi ca cũng diễn ra sôi nổi. Tại Huế, Hội Liên hiệp VHNT Thừa Thiên - Huế tổ chức 2 đêm thơ trực tiếp tại trụ sở số 1 Phan Bội Châu. Tối 14/2, đêm thơ hưởng ứng chủ đề "Sống và hy vọng", có sự tham dự của đông đảo các tác giả từ CLB thơ Ô Lâu (Phong Điền), CLB thơ Tam Giang (Quảng Điền), CLB thơ Sông Bồ (Hương Trà), Hội thơ Hương Giang…

Tối 15/2, chương trình "Festival thơ Huế 2022" với chủ đề Thơ Huế và di sản, sẽ diễn ra từ lúc 19h30. Chương trình nối một nhịp cầu về hành trình hơn 700 năm Thuận Hóa-Phú Xuân- Huế, nơi lịch sử văn chương xứ này được khởi thủy từ một bài thơ. 

Tại Tây Ninh, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Tây Ninh đã tổ chức chương trình "Thơ - Nhạc" với chủ đề "Hãy sống và hy vọng" vào tối 14/2 nhằm kết nối các tâm hồn đồng điệu yêu nhạc, yêu thơ. Chương trình đã giới thiệu các tác phẩm thơ mới, đó là những bài thơ được viết nên trong sự thúc giục của sự sống và hy vọng, tin vào điều kỳ diệu của sức mạnh tinh thần.

Tại Bến Tre, Hội Văn học - Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre) tổ chức "Ngày thơ Việt Nam trong cả ngày 15/2 tại Nhà Văn hóa người cao tuổi. Tương tự, Đồng Nai cũng tổ chức Ngày thơ, đồng thời còn triển lãm gần 100 ảnh đẹp và các tác phẩm xuất bản trong thời gian qua.

Một số địa phương như Lâm Đồng, Đắk Nông, Quảng Bình… đều có các sự kiện trực tiếp cho Ngày thơ. Riêng tỉnh Đắk Lắk thì ưu tiên hình thức trực tuyến,...

Hội Nhà văn TP.HCM không tổ chức "Ngày thơ Việt Nam", mà phát động cuộc thi bút ký "Những hy sinh thầm lặng, viết về lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19". Cuộc thi là tập hợp các tác phẩm phản ánh về những tấm gương hy sinh cứu người bệnh của các y bác sĩ cùng sự dấn thân của các lực lượng tuyến đầu trong cuộc chiến chống đại dịch Covid -19 trong hai năm qua, và những hy sinh thầm lặng của cả hệ thống chính trị, của người dân TP.HCM và cả nước trong những ngày phòng chống dịch, trong điều kiện giãn cách xã hội.

Hưởng ứng tinh thần thi ca trong dịp này, Sở VH-TT tổ chức chương trình nghệ thuật "Lễ hội Nguyên tiêu và Đêm thơ Việt Nam 2022", diễn ra từ ngày 11 đến 20/2 với nhiều hoạt động đa dạng, được tổ chức tại nhiều địa điểm ở khu vực quận 5, TP.HCM. Đặc biệt, "Đêm thơ Việt Nam" diễn ra vào tối 14/2 mang đến cho khán giả nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc, được thể hiện dưới các hình thức biểu diễn đa dạng, từ ngâm thơ, bình thơ, biểu diễn ca khúc, múa, trình diễn nghệ thuật, tái hiện các nghi lễ văn hóa truyền thống... "Đêm thơ Việt Nam" như một sự tôn vinh các giá trị thơ ca đương đại Việt Nam trong quá trình đổi mới, góp phần xây dựng nhân cách và tâm hồn người Việt./.

Từ khóa: ngày thơ việt nam, ngày thơ việt nam XX, chủ đề ngày thơ việt nam, các hoạt động ngày thơ việt nam, sống và hy vọng, trực tuyến ngày thơ việt nam, cuộc thi thơ sống và hy vọng, thơ có ích gì cho chúng ta, ngày thơ, rằm tháng giêng

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập