Sóc Trăng mở rộng thí điểm mô hình trong Đề án 1 triệu ha canh tác lúa chất lượng cao
Cập nhật: 30/09/2024
VOV.VN - Trên cơ sở kết quả mô hình trình diễn 50ha đối với vụ Hè Thu 2024 trong Đề án 1 triệu ha canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 tại huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng dự kiến sẽ mở rộng mô hình trình diễn ra các huyện, thị xã trên địa bàn toàn tỉnh. Số lượng mô hình trình diễn là 8 mô hình với diện tích 340 ha được thực hiện.
Trong vụ lúa Hè Thu vừa qua, 50 ha lúa tại HTX Nông nghiệp Hưng Lợi, xã Long Đức, huyện Long Phú được chọn thực hiện mô hình điểm trong Đề án 1 triệu ha canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại tỉnh Sóc Trăng. Giống lúa được chọn canh tác là ST25. Đến nay, mô hình đã thu hoạch dứt điểm cho hiệu quả rất tích cực.
Sau mùa vụ đầu tiên triển khai trồng theo đề án, nhiều nông dân cho rằng, chi phí đầu vào cho sản xuất giảm đáng kể so với cách trồng truyền thống. Nông dân Nguyễn Ngọc Hưởng, thành viên HTX nông nghiệp Hưng Lợi có 2ha lúa tham gia mô hình thí điểm cho hay: “Trước đây làm theo truyền thống thì chúng tôi sạ mỗi 1 công 10kg đối với công tầm nhỏ, còn công tầm lớn thì khoảng 13kg, bây giờ giảm xuống còn 6kg/công tầm nhỏ. Trước mắt thì mình được lợi phần giống. Thứ hai nữa là phân sử dụng ít hơn cách là cũ. Trước đây bón từ 50-60kg phân thì nay chỉ còn 40-45kg/công. Ngoài ra, giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật bởi ít sâu bệnh hơn”.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, năng suất lúa sản xuất trong Đề án vụ Hè Thu 2024 vừa qua đạt 6,5 tấn/ha, với giá lúa ST25 được bán 10.800/kg, nông dân tham gia đề án kiếm lợi nhuận gần 49 triệu đồng/ha, cao hơn 12% so với diện tích sản xuất ngoài mô hình.
Cũng theo sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, mô hình được triển khai thực hiện chặt chẽ theo quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, thực hiện cơ giới hóa trong khâu làm đất; gieo sạ bằng máy sạ hàng có kết hợp vùi phân và không vùi phân. Với lượng giống sử dụng là 60kg/ha, giảm từ 20-40 kg/ha so nông dân ngoài mô hình. Ngoài ra, nông dân giảm 4 lần phun thuốc bảo vệ thực vật so với ngoài mô hình.
Riêng kết quả về đo đạc phát thải khí nhà kính trong vụ Hè Thu 2024 tại HTX Hưng lợi cho thấy, lượng phát thải trong mô hình là 9.505 kg CO2/ha, giảm 3.996 kg CO2 tương đương/ha/vụ so với ruộng ngoài mô hình. Đây là bằng chứng thực nghiệm quan trọng cho thấy hiệu quả của việc giảm phát thải khi điều chỉnh kỹ thuật canh tác phù hợp hơn.
Như vậy, qua một vụ sản xuất, từ kết quả hiệu quả kinh tế ban đầu đã cho thấy việc giảm vật tư đầu vào không làm ảnh hưởng đến năng suất và giúp tăng lợi nhuận cho người nông dân. Đây là động lực để khuyến khích người dân nhân rộng mô hình trong tương lai.
“Để thực hiện đạt được kết quả tốt trong thời gian tới thì HTX sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, hợp tác và thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và canh tác lúa đảm bảo sản xuất bền vững, ứng dụng quy trình xử lý rơm rạ và quản lý nước, phân”, ông Trương Văn Hùng, Giám đốc HTX nông nghiệp Hưng Lợi cho biết.
Ông Vương Quốc Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, Sóc Trăng là tỉnh nông nghiệp, trong đó, có thế mạnh về trồng lúa với diện tích gieo sạ hàng năm khoảng 320.000ha, đạt sản lượng khoảng 2 triệu tấn. Năm ngoái, giá trị xuất khẩu đối với mặt hàng gạo của tỉnh đạt trên 400 triệu USD.
Theo ông Nam, trên cơ sở định hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, Sóc Trăng đã chỉ đạo ngành nông nghiệp thực hiện nhiều dự án phát triển sản xuất nhằm nâng cao chất lượng lúa, gạo của tỉnh, như: dự án phát triển lúa đặc sản, dự án nông nghiệp hữu cơ. Đặc biệt, hiện nay, tỉnh đang tích cực tham gia đề án 1 triệu ha canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030. Trong vụ lúa hè thu vừa qua, tỉnh đã chủ động cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện thí điểm mô hình trong đề án diện tích 50ha lúa tại HTX nông nghiệp Hưng Lợi và đạt được kết quả rất tích cực.
“Với kết quả, việc thực hiện thành công, hiệu quả mô hình thí điểm 50 ha lúa tại HTX nông nghiệp Hưng Lợi, trong thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các mô hình lúa chất lượng cao, phát thải thấp với diện tích 50 ha/mô hình từ nguồn kinh phí của tỉnh, huyện và lồng ghép các chương trình dự án khác. Xa hơn nữa là tiếp tục mở rộng các mô hình để đáp ứng diện tích mà tỉnh đã đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong đề án đến năm 2030, với hơn 72.000 ha”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng thông tin.
Được biết, trên cơ sở kết quả mô hình trình diễn vụ Hè Thu 2024 tại huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng dự kiến sẽ mở rộng mô hình trình diễn ra 8 huyện, thị xã trên địa bàn toàn tỉnh. Số lượng mô hình trình diễn là 8 mô hình với diện tích 340 ha được thực hiện từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau bao gồm kinh phí trung ương từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và nguồn vốn ngân sách địa phương. Theo ông Vương Quốc Nam, để phát huy hiệu quả thiết thực của đề án, tỉnh đã chỉ đạo đã chủ động xây dựng dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật để phục vụ cho đề án, nhất là hạ tầng thuỷ lợi, hạ tầng giao thông.
Từ khóa: lúa, lúa, Đề án 1 triệu ha canh tác lúa, canh tác lúa chất lượng cao,Sóc Trăng
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: thạch hồng/vov-đbscl
Nguồn tin: VOVVN