Sóc Sơn sẽ đơn phương chấm dứt hợp đồng với giáo viên trước thời hạn
Cập nhật: 07/11/2019
Bị bắt khi định lừa 150 triệu đồng để lo cho công an lấy xe vi phạm ra sớm
Triệt xóa nhóm thiếu niên gây ra nhiều vụ cướp giật và trộm cắp tài sản
VOV.VN - Huyện Sóc Sơn, Hà Nội vừa thông báo chấm dứt hợp đồng với các giáo viên hợp đồng, nhưng không đưa ra lý do theo quy định của Luật Lao động.
Trao đổi với phóng viên VOV sáng ngày 7/11, nhiều giáo viên hợp đồng tại Sóc Sơn cho biết, ngày 6/11 họ vừa nhận được thông báo và văn bản về việc huyện Sóc Sơn sẽ đơn phương chấm dứt hợp đồng từ ngày 1/1/2020.
Theo đó, huyện Sóc Sơn sẽ thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động với giáo viên hợp đồng không xác định thời hạn không đủ điều kiện đăng ký dự tuyển thi viên chức giáo dục năm 2019 hoặc không đăng ký dự tuyển dụng viên chức giáo dục năm 2019, không đăng ký tham gia vòng 1, hoặc tham gia vòng 1 nhưng không đủ điều kiện để dự tuyển vòng 2 tại kỳ thi tuyển viên chức giáo dục 2019, các giáo viên hợp đồng thi tuyển vòng 2 nhưng không trúng tuyển, các giáo viên hợp đồng mùa vụ.
Giáo viên hợp đồng huyện Sóc Sơn bức xúc khi huyện bỗng dưng ra thông báo chấm dứt thời hạn hợp đồng sớm hơn. |
Điều đáng nói, trước đó, huyện này đã ra thông báo sẽ chấp dứt hợp đồng với những đối tượng trên từ tháng 5/2020. Như vậy, thời hạn chấm dứt hợp đồng ở thông báo mới sớm hơn 4 tháng so với trước đó.
Trước thông tin này, giáo viên hợp đồng tại Sóc Sơn vô cùng bức xúc. Cô Nguyễn Thị Minh Phương, giáo viên hợp đồng không thời hạn tại trường THCS Đông Xuân (Sóc Sơn) cho biết: “Đến giờ chúng tôi thấy rằng chính quyền hành động theo kiểu muốn làm gì thì làm. Giáo viên chúng tôi thấp thỏm vì sắp bị đuổi ra đường. Thông báo trước đó là tháng 5/2020 sẽ chấm dứt hợp đồng, sau đó là tháng 1/2020, không biết sắp tới sẽ còn gì thay đổi nữa. Chúng tôi không biết chính xác khi nào mình bị đuổi ra đường. Dù đã chuẩn bị tâm lý nhưng chúng tôi vẫn rất sốc, không thể tập trung vào việc giảng dạy hàng ngày”.
Cô Phương cho hay, theo quyết định trên, cô thuộc nhóm giáo viên đã không tham dự kỳ thi tuyển viên chức giáo dục năm 2019. “Thực tế tôi đã chờ đợi kỳ thi này hơn 20 năm, vì từ năm 1998 đến nay, huyện Sóc Sơn chưa có chỉ tiêu tuyển biên chế với giáo viên môn Ngữ văn. Nếu theo đúng luật thì chúng tôi không cần dự thi kỳ thi tuyển này mà vẫn được xét tuyển đặc cách. Hơn nữa, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng này hoàn toàn không đúng với Luật Lao động 2012. Không còn cách nào khác, chúng tôi vẫn phải kiến quyết đấu tranh, kiện đến cùng nếu bị đuổi việc”.
Cô giáo Nguyễn Thị Thơm cũng không khỏi bức xúc: “Chúng tôi cảm thấy như vậy rất bất công cho giáo viên hợp đồng bởi mặc dù có công văn từ Bộ Nội vụ…nhưng chúng tôi vẫn không được xét đặc cách.So với các quận, huyện khác chúng tôi cũng không được ưu tiên bỏ vòng 1 hoặc thực hiện xét tuyển.
Nay lại bị cắt hợp đồng sớm, điều này chẳng khác nào đẩy giáo viên vào ngõ cụt. Trong khi đó trường thiếu giáo viên chúng tôi vẫn phải giảng dạy, công tác như những giáo viên khác”.
Vấn đề về giáo viên hợp đồng Hà Nội đã được nói đến nhiều tháng nay, trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng nay (7/11), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cũng yêu cầu Hà Nội làm đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận 9028 về tuyển dụng đặc cách với giáo viên hợp đồng.
Theo kết luận này, các giáo viên nằm trong chỉ tiêu biên chế từ 2015, ký hợp đồng trước 31/12/2015 và có đóng BHXH sẽ được tuyển dụng đặc cách.
“Các giáo viên nếu đáp ứng đủ tiêu chí điều kiện thì tuyển dụng, coi như nằm trong biên chế 2015, việc này thuộc thẩm quyền của địa phương. Đề nghị Hà Nội cũng phải làm nghiêm túc như thế. Có ý kiến của Bộ Chính trị rồi, Thủ tướng cũng nói rồi, các đồng chí cứ làm. Còn tuyển xong số giáo viên này mà vẫn thiếu thì thi tuyển theo đúng Nghị định 161”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết.
Tuy nhiên, trước phát ngôn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, cô Nguyễn Thị Minh Phương cũng như nhiều giáo viên hợp đồng khác tại Hà Nội vừa mừng, vừa lo. Bởi Hà Nội nhiều lần trước sau bất nhất về vấn đề xét tuyển giáo viên hợp đồng. Đơn cử như việc, 9/7/2019, tại phiên chất vấn HĐND TP Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND thành phố cho biết sẽ xét tuyển đặc biệt với những giáo viên đủ tiêu chuẩn. Nhưng đến ngày 6/9/2019, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố lại ra thông báo trên địa bàn thành phố Hà Nội không ai đủ điều kiện xét đặc cách. Thậm chí đây cũng không phải lần đầu tiên Bộ Nội vụ lên tiếp về việc áp dụng Công văn số 9028.
Trước đó, Bộ Nội vụ đã báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ, trình Bộ Chính trị về việc bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế. Theo đó, tại Công văn số 9028-CV/VPTW ngày 11/3/2019 của Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đồng ý cho phép các địa phương thực hiện xét đặc cách không qua thi đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động từ năm 2015 trở về trước trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng. Song Hà Nội vẫn nhất quyết không thực hiện theo quy định này.
“Chúng tôi thực sự không biết Hà Nội muốn giải quyết ra sao khi trên bảo, dưới không nghe, còn giáo viên thì kêu khóc”, cô giáo Phương bức xúc./.
Căn cứ theo Bộ Luật lao động năm 2012:
Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây:
Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;
Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị : 12 tháng liên tục đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn, 06 tháng liên tục đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn, quá nửa thời hạn hợp đồng thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.
Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;
Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn 15 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn hợp đồng lao động
Trường hợp không được đơn phương chấm dứt hợp đồng:
Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo quyết định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền trừ trường hợp được đơn phương trên
Người lao động đang nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng và những trường hợp nghỉ khác được người sử dụng lao động đồng ý.
Với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.
Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Như vậy, trước khi quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng của số giáo viên trên, Ủy ban Nhân dân huyện phải nêu được lý do đơn phương cắt hợp đồng theo tinh thần của Bộ luật lao động năm 2012.
Từ khóa: giáo viên hợp đồng, chấm dứt hợp đồng với giáo viên, giáo viên hợp đồng Sóc Sơn, biên chế, viên chức giáo dục
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN