Sở Y tế Nghệ An thông tin về vi khuẩn gây bệnh Whitmore
Cập nhật: 25/09/2019
Loại quả nhỏ bé nhưng lại “siêu bổ dưỡng”, không khí lạnh tràn về càng nên ăn
Loại quả Việt đi đâu cũng thấy, ăn vào buổi sáng lại bổ dưỡng không ngờ
VOV.VN - Gần đây, đã có 4 ca mắc bệnh Whitmore điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Điều này khiến người dân hoang mang, lo lắng.
Tiến sĩ, Bác sĩ Đậu Huy Hoàn, Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết, bệnh Whitmore là do vi khuẩn gây nên. Từ năm 2017 đến nay, tại Nghệ An đã có 9 ca mắc chứng bệnh này và đã chữa khỏi. Thời gian gần đây, có 4 bệnh nhận điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, đã có 2 bệnh nhân ra viện, 2 bệnh nhân còn lại đang tiến triển tốt. Tuy nhiên, gần đây có thông tin cho rằng, đây là căn bệnh do loại virus “ăn thịt người” gây nên đã khiến người dân hoang mang lo lắng.
Bệnh Whitmore, lúc đầu nhiều bệnh nhân lầm tưởng là bệnh quai bị. |
Theo Bác sĩ Hoàn, loại vi khuẩn này kí sinh trùng trên cơ thể người và có thể làm hoại tử mô mềm. Đây không phải căn bệnh lạ, mà đã được phát hiện cách đây gần 100 năm, do Bác sĩ người Anh tên là Whitmore phát hiện, vì vậy bệnh này mang tên ông. Loại vi khuẩn gây bệnh whitmore thường tồn tại ở những môi trường ẩm thấp, những vùng thường hay ngập úng và phổ biến vào mùa mưa bão, nhưng bệnh không gây thành dịch. Điều cơ bản, muốn chữa trị được căn bệnh này phải định danh được nguồn gây bệnh từ đâu.
“Đối với các thầy thuốc, điều quan trọng là phải phải để ý đến dấu hiệu của bệnh. Đặc biệt, khi bệnh nhân có dấu hiệu nhiễm trùng cục bộ ở ngoài da hoặc các cơ quan lân cận, điều trị kháng sinh tiến triển chậm thì phải nghĩ đến là có khả năng nhiễm Whitmore và phải có những chỉ định lâm sàng và cận lâm sàng để phát hiện ra bệnh nhân này nhiễm vi khuẩn Whitmore”- BS Hoàn cho biết.
TS.BS Đậu Huy Hoàn cũng cho biết, căn bệnh Whitmore phải được xét nghiệm và chẩn đoán đúng thì mới điều trị có hiệu quả và thường phải điều trị 2 đến 4 tuần mới khỏi. Đối với bệnh Whitmore, việc phát hiện và chẩn đoán bệnh phải dựa vào các yếu tố vi sinh vật học và khi đã phát hiện, cần điều trị sớm và triệt để. Các trường hợp người bệnh tiểu đường, bệnh phổi và bệnh thận mạn tính có nguy cơ dễ mắc bệnh này với các biểu hiện lâm sàng đa dạng: sốt cao, đau cơ, có các ổ nhiễm khuẩn trên da, áp xe cơ, áp xe gan lách, viêm phổi; Vi khuẩn cũng có thể vào đường máu, gây nhiễm trùng máu... Bệnh có thể gây tử vong nhanh nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.
Hiện nay, bệnh Whitmore chưa có vaccine phòng bệnh, tuy nhiên biện pháp điều trị cơ bản nhất vẫn là dùng kháng sinh đúng phác đồ điều trị. Muốn đề phòng căn bệnh này, chúng ta phải làm tốt công tác vệ sinh môi trường; giữ gìn vệ sinh thân thể, đặc biệt khi có tổn thương cơ thể hay có dấu hiệu nhiễm khuẩn thì phải đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
“Điều quan trọng nhất là phải phòng bệnh, vệ sinh môi trường, vệ sinh thân thể sạch sẽ. Khi phát hiện ra có một ổ nhiễm trùng, nhiễm trùng tuyến nước bọt hoặc nhiễm trùng viêm tai hoặc nhiễm trùng ở ngoài da, các mô mềm... nên đến các cơ sở y tế để chẩn đoán và điều trị”- TS.BS Đậu Huy Hoàn cho biết./.
Cảnh giác với vi khuẩn Whitmore lan rộng bất thường
Cứu thành công một bệnh nhân qua nguy kịch do nhiễm vi khuẩn Whitmore
Từ khóa: whitmore, virus ăn thịt người, nghệ an, sở y tế nghệ an
Thể loại: Y tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN