Sở Y tế Bình Dương cần thu hồi và hủy bỏ công văn “cấm cửa” 6 bác sĩ

Cập nhật: 03/03/2023

VOV.VN - Theo Luật sư Hùng, Sở Y tế Bình Dương cần xem xét thu hồi và hủy bỏ công văn này. Các cơ quan và đơn vị có thẩm quyền của tỉnh Bình Dương nên thực hiện các biện pháp thu hồi lại các khoản tiền chi phí cho các bác sĩ có vi phạm theo đúng các quy định của pháp luật.

Chiều 2/3, Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã có văn bản số 560/SYT-VP đề nghị các cơ sở y tế trong và ngoài công lập không tiếp nhận, hợp đồng, tuyển dụng, đào tạo đối với 6 bác sĩ vi phạm cam kết với tỉnh Bình Dương. Trong công văn, Sở Y tế nêu rõ tên, năm sinh, nơi công tác của các bác sĩ trước khi nghỉ việc.

Sáng nay (3/3), lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Dương thừa nhận đã làm chưa đúng khi phát đi công văn đề nghị các cơ sở y tế trong và ngoài công lập không tiếp nhận, tuyển dụng đối với 6 bác sĩ vi phạm cam kết với tỉnh Bình Dương.

Sở này cho rằng, đây chỉ là động thái để các bác sĩ tự ý nghỉ việc quay trở lại làm các thủ tục theo đúng quy định.

Sau khi phát ra, công văn của Sở Y tế tỉnh Bình Dương nhận nhiều ý kiến trái chiều cho rằng "phản cảm", "vi phạm quyền con người"... Một số ý kiến khác cũng cho hay, nếu các bác sĩ không thực hiện đúng cam kết có thể gửi đơn ra tòa án hoặc đưa văn bản nhắc nhở họ thực hiện theo quy định chứ không thể phát công văn đi toàn quốc…

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Đức Hùng, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH A&H – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội phân tích, theo quy định tại các Điều 5 và Điều 6 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/09/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, thì cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo bằng nguồn ngân sách Nhà nước hoặc kinh phí của cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức phải có cam kết thực hiện nhiệm vụ, công vụ, hoạt động nghề nghiệp tại cơ quan, đơn vị sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong một thời gian nhất định theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, pháp luật cũng quy định: “Công chức đã được đào tạo, bồi dưỡng nếu tự ý bỏ việc, xin thôi việc phải đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của pháp luật.” (Khoản 4 Điều 49 Luật cán bộ, công chức năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2019), “Viên chức được đơn vị sự nghiệp công lập cử đi đào tạo nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc hoặc tự ý bỏ việc phải đền bù chi phí đào tạo theo quy định của Chính phủ.” (Khoản 3 Điều 35 Luật viên chức năm 2010, được sửa đổi, bổ sung năm 2019).

Cụ thể, tại Điều 7 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/09/2017 của Chính phủ quy định: “Cán bộ, công chức, viên chức, được cử đi đào tạo từ trình độ trung cấp trở lên bằng nguồn ngân sách nhà nước hoặc kinh phí của cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức phải đền bù chi phí đào tạo khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Tự ý bỏ học, bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc trong thời gian đào tạo; 2. Không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp; 3. Đã hoàn thành và được cấp văn bằng tốt nghiệp khóa học nhưng bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết quy định tại Điều 5 hoặc Điều 6 Nghị định này.”

Về chế độ thu hút, theo luật sư Hùng, tại Quy định về chính sách thu hút, chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương (ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 31/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương) quy định: “1. Người được thu hút về công tác trong ngành y tế phải cam kết công tác tại các cơ sở y tế ít nhất 10 năm nếu đã được cấp chứng chỉ hành nghề hoặc 12 năm nếu chưa được cấp chứng chỉ hành nghề; 2. Người được thu hút về công tác tại Trường Cao đẳng Y tế Bình Dương và các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có sử dụng lao động có chuyên môn về y tế phải cam kết công tác tại tỉnh ít nhất là 10 năm…” (Điều 13). Người được thu hút về tỉnh công tác có nghĩa vụ thực hiện đúng thời hạn cam kết phục vụ; chịu sự quản lý và phân công, bố trí công tác của cơ quan có thẩm quyền. Trong thời gian thực hiện cam kết, nếu cá nhân có nguyện vọng chuyển công tác hợp lý sẽ được xem xét giải quyết và cá nhân phải bồi hoàn lại số tiền tương ứng theo tỷ lệ thời gian chưa thực hiện theo cam kết.

“Trong thời gian cam kết phục vụ mà tự ý bỏ việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc, chuyển công tác mà không được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền, không hoàn thành nhiệm vụ theo đánh giá của cơ quan, đơn vị trong thời gian 02 năm liên tiếp hoặc các trường hợp khác do lỗi chủ quan của người được thu hút thì phải bồi hoàn số tiền thu hút đã nhận theo tỷ lệ thời gian cam kết phục vụ trừ đi thời gian đã công tác. Thời hạn hoàn trả là 03 tháng kể từ khi có quyết định của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền. Nếu không hoàn trả trong thời hạn quy định, cơ quan, đơn vị sẽ lập thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.” (Điều 14)”- luật sư Hùng phân tích.

Theo các quy định nêu trên, luật sư Hùng cho rằng, việc các bác sĩ được cử đi đào tạo hoặc đã được hưởng chế độ thu hút nhưng đã tự ý nghỉ việc, không công tác tại cơ quan, đơn vị đủ thời gian cam kết, và chưa bồi hoàn chi phí đào tạo và số tiền thu hút đã được nhận là trái pháp luật.

Tại Khoản 3 Điều 14 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/09/2017 của Chính phủ quy định: “Trong trường hợp không thống nhất việc đền bù chi phí đào tạo, các bên liên quan có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật.”

Theo quy định này, luật sư Hùng cho rằng, nếu các bác sĩ không tự nguyện đền bù chi phí đào tạo, thì các cơ quan quản lý hoặc cơ quan, đơn vị được phân cấp quản lý các bác sĩ này có quyền khởi kiện tại Tòa án, yêu cầu Tòa án buộc các bác sĩ này phải đền bù chi phí đào tạo theo quy định của pháp luật.

Còn đối với chế độ thu hút thì pháp luật chưa có quy định trực tiếp về việc xử lý đối với hành vi không bồi hoàn số tiền thu hút đã nhận. Tuy nhiên, với nội dung và tính chất quan hệ pháp luật gần tương tự với việc bồi hoàn chi phí đào tạo, thì các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quản lý các bác sĩ có vi phạm vẫn có thể khởi kiện các bác sĩ này, yêu cầu Tòa án buộc họ phải hoàn trả tiền thu hút đã nhận theo thủ tục tố tụng dân sự.

Pháp luật hiện hành không có quy định về việc cán bộ, công chức, viên chức tự ý nghỉ việc, vi phạm cam kết về thời gian công tác khi được cử đi đào tạo hoặc hưởng chế độ thu hút sẽ không được tuyển dụng hoặc ký kết hợp đồng lao động tại các cơ quan, đơn vị và tổ chức khác.

Do đó, nếu Sở Y tế tỉnh Bình Dương có công văn đề nghị các cơ quan, đơn vị, cơ sở y tế không tiếp nhận, hợp đồng, tuyển dụng, đào tạo đối với các bác sĩ vi phạm cam kết nêu trên (như báo chí đã đưa tin) thì đó là việc làm không có căn cứ pháp lý, có thể ảnh hưởng không đúng pháp luật đến các quyền và lợi ích hợp pháp của các bác sĩ này. Do đó, theo Luật sư Hùng, Sở Y tế Bình Dương cần xem xét thu hồi và hủy bỏ công văn này. Các cơ quan và đơn vị có thẩm quyền của Tỉnh Bình Dương nên thực hiện các biện pháp thu hồi lại các khoản tiền chi phí đào tạo và tiền thu hút đã chi cho các bác sĩ có vi phạm theo đúng các quy định của pháp luật./.

Từ khóa: Sở Y tế Bình Dương, “cấm cửa” 6 bác sĩ

Thể loại: Pháp luật

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập