Số phận của tiêm kích Su-57 sau lệnh trừng phạt của phương Tây với Nga

Cập nhật: 10/10/2024

VOV.VN - Frontelligence Insight - một nhóm phân tích của Ukraine cho biết, việc phương Tây áp lệnh trừng phạt lên Moscow trong thời gian 31 tháng đã chặn đứng nguồn cung linh kiện cần thiết để chế tạo máy bay chiến đấu tàng hình Sukhoi Su-57 tại Nga. 

Su-57 - một tiêm kích cỡ lớn, có thể bay với tốc độ cao, được trang bị hai động cơ và khả tránh radar tài tình là lời đáp trả của Nga cho dành cho "Kẻ săn mồi" Lockheed Martin F-22 Raptor của Mỹ. Ngoài ra, máy bay phản lực này có thể mang tên lửa không đối đất có điều khiển và bom có ​​điều khiển trên không, cũng như tên lửa không đối không tầm ngắn, tầm trung và tầm xa.

Phạm vi hoạt động của Su-57 ước tính khoảng 3.500km mà không cần tiếp nhiên liệu, cho phép máy bay thực hiện các nhiệm vụ tầm xa và duy trì sự hiện diện đáng kể trong không phận có tranh chấp. Nhờ những tính năng chiến đấu vượt trội trên không, Su-57 được NATO mệnh danh là "Felon" hay "Kẻ tàn bạo".

Nga thiết kế máy bay Su-57 với mục đích thay thế cho những loại tiêm kích đời cũ như Mikoyan MiG-29 cũ và Sukhoi Su-27 cùng các biến thể khác đang nằm trong biên chế không quân Nga. Su-57 lần đầu tiên trên bầu trời vào năm 2010, 20 năm sau khi Raptor – máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 đầu tiên trên thế giới – cất cánh. Một thập kỷ sau đó, 10 bản thử nghiệm nâng cấp của Su-57 tiếp tục ra đời. Năm 2019, Nga ký hợp đồng sản xuất 76 máy bay phản lực Su-57 với giá khoảng 50 triệu USD cho mỗi chiếc.

Tuy nhiên, trong khi Tập đoàn quân sự Lockheed Martin của Mỹ sản xuất hơn 150 chiếc F-35 thế hệ thứ 5 mỗi năm, Nga chỉ có thể sản xuất vài chục chiếc Su-57 trong cùng thời gian. Các công ty nhận thầu cung cấp Su-57 cho không quân Nga mới chỉ chuyển giao 10 chiếc Su-57 vào năm 2022 và 11 chiếc khác vào năm 2023.

Có khả năng, 14 năm sau chuyến bay đầu tiên của Su-57, chỉ có hơn 30 chiếc Su-57 trong kho vũ khí của Nga, một phần ba trong số đó là các mẫu thử nghiệm. Đó là con số ít ỏi đối với lực lượng không quân đã triển khai khoảng 1000 máy bay chiến đấu ở tiền tuyến và mất 100 chiếc trong số đó khi trong thời gian giao tranh với Ukraine từ tháng 2/2022 tới nay.

Thêm một điểm đáng chú ý là tốc độ chuyển giao Su-57 mới dường như đã giảm đáng kể trong khoảng thời gian từ năm 2023 đến năm 2024. Thông thường, tốc độ chuyển giao các loại máy bay chiến đấu mới sẽ tăng theo từng năm, khi các công nhân đã làm quen với quy trình chế tạo và lợi nhuận tăng cao sau khi mặt hàng được tung ra thị trường.

Su-57 là một ngoại lệ đối với quy tắc đó và rõ ràng là, các lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây đã làm chậm quá trình hiện đại hóa của không quân Nga. 

Đó là chưa kể, không quân Nga đã mất 2 chiếc Su-57 do tai nạn. Một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào Trung tâm thử nghiệm bay quốc gia Akhtubinsk của Nga ở miền Nam nước Nga hồi tháng 6 vừa qua đã phá hủy ít nhất một chiếc Su-57 khác trên mặt đất.

Khi xem xét kỹ lưỡng các tài liệu của Nga, Frontelligence Insight đã phát hiện ra một số điểm nghẽn chính, bao gồm bộ suy giảm công suất có tên là WA36 và các nguồn ắc quy không thể thay thế là PLR7 60-12 và EA-PS 3150. Các linh kiện này là một phần của MPPU-50, một thiết bị do Đức sản xuất để hiệu chỉnh hệ thống liên lạc trên Su-57. Trước đây Nga có thể nhập khẩu hợp pháp MPPU-50 và các bộ phận cho MPPU-50 để sản xuất máy bay Sukhoi nhưng hiện nay Nga phải mua chúng từ bên thứ ba. Điều này đã làm chậm tốc độ sản xuất Su-57 mới và có khả năng làm tăng chi phí cho mỗi máy bay.

Ngay từ năm 2020, các nhà quan sát đã thúc giục Điện Kremlin xem xét lại kế hoạch hiện đại hóa hệ thống vũ khí chiến đấu trên không của mình, đồng thời cân nhắc đến khả năng ngừng sản xuất thêm những chiếc Su-57 mới.

"Thay vì cố gắng sản xuất hàng chục chiếc Su-57 trong nhiều năm, Nga có thể thay thế những chiếc MiG-29 cũ bằng những chiếc MiG-35 mới. Chi phí sản xuất MiG-35 cũng rẻ hơn nhiều so với  Su-57”, một nhà bình luận của tờ VPK - một tờ báo chuyên đưa tin về ngành công nghiệp quốc phòng Nga, cho biết.

Nhưng ngay cả một sự chuyển hướng sang các máy bay chiến đấu ít tinh vi hơn cũng chưa hẳn là một tin tốt với Nga, "Chương trình Su-57 được cho là sẽ giúp không quân Nga bắt kịp không quân Mỹ. Tuy nhiên, Moscow mất quá nhiều thời gian để chế tạo một số lượng nhỏ Su-57, trong khi Washington đang tiến xa hơn về mặt công nghệ", nhà bào David Axe của tờ The Telegraph nhận định.

Trong khi đó, việc chuyển giao máy bay chiến đấu tàng hình Lockheed Martin F-35 "Lightning" mới cho quân đội Mỹ và đồng minh đã được nối lại sau một năm tạm dừng. Không quân Mỹ đang dự định sản xuất dòng máy bay chiến đấu mới để thay thế 180 chiếc F-22. Máy bay chiến đấu thế hệ mới này có thể cất cánh trước khi Nga nhận được chiếc Su-57 thứ 76 và cũng là chiếc cuối cùng trong đơn đặt hàng sản xuất ban đầu của nước này.

Từ khóa: Nga, Su-57,phương Tây,tiêm kích,máy bay tàng hình

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả: diệp thảo/vov.vn (biên dịch)

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập