Số người tiêm ngừa cúm ở TP.HCM tăng cao vì lo ngại dịch
Cập nhật: 3 giờ trước
Thực hư clip người phụ nữ ôm con cầu cứu do bị dàn cảnh móc túi trước bệnh viện
3 xe tải gặp nạn, 5 người bị thương tại đường tránh An Nhơn (Bình Định)
VOV.VN - Sau khi nữ diễn viên Từ Hy Viên tử vong tại Nhật Bản do liên quan đến bệnh cúm mùa và thông tin các ca bệnh cúm có xu hướng gia tăng, số người đi tiêm vắc xin cũng tăng theo. Tại các cơ sở tiêm chủng ở TP.HCM, lượng người đến tiêm tăng gấp nhiều lần so với trước Tết.
Sáng sớm, Viện Pasteur TP.HCM khá đông người đến tiêm vắc xin.
Anh Phùng Dương Thành, ngụ quận Tân Bình dẫn nhiều người trong gia đình đi tiêm vắc xin tại Viện Pasteur TP.HCM cho biết: "Hôm nay tôi dẫn thêm 5 người nữa là 6 người trong gia đình để đi tiêm vắc xin. Vì dịch cúm đang nguy hiểm trên diện rộng nên tôi lo lắng, dẫn mọi người đi tiêm cho yên tâm. Năm ngoái thì gia đình không đi tiêm, có năm đi tiêm ngừa, có năm không. Khi nào nhớ mới đi".
BS.CK1 Đinh Văn Thới - Trưởng Phòng khám tiêm chủng, Viện Pasteur TP.HCM cho biết, nhu cầu tiêm vắc xin cúm đang gia tăng sau kỳ nghỉ Tết do tâm lý người dân muốn bảo vệ sức khỏe trong giai đoạn chuyển mùa. Ngay sau kỳ nghỉ Tết, lượng người đến tiêm đã tăng đáng kể, với trên 20%, đặc biệt là tiêm vắc xin cúm.
BS Thới cho hay, cúm là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp, do vậy người dân cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa như rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, bổ sung dưỡng chất và duy trì lối sống lành mạnh.
Vắc xin cúm là biện pháp phòng ngừa hiệu quả, có thể tiêm quanh năm và nên nhắc lại hàng năm để duy trì miễn dịch. Vắc xin này dành cho tất cả mọi người, đặc biệt là nhóm nguy cơ cao như trẻ nhỏ, người cao tuổi, người mắc bệnh mãn tính.
Về nguồn cung vắc xin, Viện Pasteur TP.HCM hiện đang đảm bảo cung ứng đầy đủ, người dân không cần lo lắng về tình trạng khan hiếm. Trong trường hợp nhu cầu tăng đột biến, Viện sẽ có phương án điều chỉnh thích hợp.
Bác sĩ Thới cũng nhấn mạnh, dù nhu cầu tiêm vắc xin cúm đang gia tăng, người dân không cần quá lo lắng hay đổ xô đi tiêm cùng lúc, tránh gây tình trạng quá tải tại các cơ sở y tế.
"Cúm mùa thì tiêm ngừa lúc nào cũng được, bệnh diễn ra quanh năm, chúng ta lựa thời điểm thích hợp để đi tiêm, cố gắng mỗi năm nhắc lại 1 lần. Hiện tại vắc xin tại viện rất nhiều cũng như các cơ sở tiêm chủng khác. Không những bệnh cúm mà các bệnh truyền nhiễm hầu hết có thể ngừa bằng tiêm vắc xin”", BS Thới cho hay.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM, trung bình mỗi tháng tiêm khoảng 200 liều vắc xin cúm. Trong tuần qua, từ ngày 3/2 đến 9/2, bệnh viện tiêm khoảng 60 liều.
Ghi nhận từ Trung tâm tiêm chủng FPT Long Châu, đầu năm 2025, số lượt người dân đến tiêm chủng tăng 5% so với cuối năm 2024. Đáng chú ý, nhu cầu tiêm vắc xin cúm và phế cầu tăng gấp đôi trong vòng hơn 1 tháng qua.
Thông tin từ Hệ thống tiêm chủng VNVC cho thấy lượng người đi tiêm vắc xin phòng bệnh cúm mùa tiếp tục tăng cao. Theo ghi nhận từ gần 220 trung tâm tiêm chủng VNVC trên cả nước, số lượng người dân chủ động đi tiêm vắc xin phòng cúm tăng cao gấp 10 lần so với ngày thường.
Trong đó, khách đến tiêm gồm trẻ em, người lớn tuổi và người có bệnh nền chiếm tỷ trọng lớn. Đây là nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh, biến chứng, tăng khả năng nhập viện và tử vong, cần được ưu tiên bảo vệ.
Ông Bạch Công Quý, 72 tuổi, ngụ quận Tân Bình đi tiêm vắc xin tại VNVC Hoàng Văn Thụ, TP.HCM cho biết: "Gia đình chúng tôi phòng ngừa cúm bằng nhiều cách, như đến chỗ đông người hay ra đường phải đeo khẩu trang. Hằng năm các thành viên đều chích ngừa cúm, sởi. Hiện tôi thấy dịch cúm đang bùng lên, nhiều người đi chích ngừa, tôi nghĩ nếu có phòng ngừa thì có bị cũng sẽ bị nhẹ hơn".
Đại diện Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, để đáp ứng nhu cầu tiêm vắc xin cúm đang gia tăng rất cao của người dân, VNVC tăng cường thời gian hoạt động đến 18 giờ và làm việc xuyên trưa không nghỉ tại 108 trung tâm.
Trước lo ngại của người dân về thiếu vắc xin cúm, đại diện của Hệ thống tiêm chủng VNVC khẳng định, hiện đơn vị có đầy đủ các loại vắc xin cúm phục vụ cho trẻ em và người lớn, đồng thời cam kết không tăng giá và đang có nhiều chính sách hỗ trợ cho các gói vắc xin, trong đó có vắc xin cúm.
BS.CKI Lê Thị Trúc Phương, chuyên viên Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho hay, "Khi đi tiêm thì mình phải chủ động các biện pháp chủ động phòng ngừa, rửa tay thường xuyên cũng như hạn chế đến các nơi tiêm chủng bị quá tải, chọn những nơi ít người và rộng rã để tiêm. Đặc biệt lưu ý là mọi người nên có một kế hoạch tiêm vắc xin chủ động phòng ngừa, thay vì có dịch rồi mới đi tiêm".
Theo BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM, cúm dễ lây lan trong môi trường lạnh. Để phòng bệnh, cần đeo khẩu trang, giữ ấm, rửa tay thường xuyên và che miệng bằng khuỷu tay khi hắt hơi, xì mũi. Tiêm vắc xin cũng là biện pháp quan trọng.
Đặc biệt, người mắc bệnh nền nên tiêm vắc xin đầy đủ. Nếu không thể tiêm, những người xung quanh cần được tiêm để bảo vệ họ. Khi có triệu chứng hô hấp, dù là cúm hay không, cần nghỉ ngơi, uống đủ nước, ăn uống đầy đủ để tránh biến chứng. Nếu sốt cao, ho đàm đục, hụt hơi, tức ngực, choáng váng kéo dài, cần đến bệnh viện ngay.
Từ khóa: cúm, bệnh cúm ,vắc xin,gia tăng,Từ Hy Viên,Nhật Bản,VNVC,Viện Pasteur TP.HCM,Trương Hữu Khanh
Thể loại: Xã hội
Tác giả: kim dung/vov-tp.hcm
Nguồn tin: VOVVN