Số dự án đầu tư mới của Nhật Bản vào Việt Nam cao kỷ lục 3 năm liền
Cập nhật: 25/09/2019
Phụ nữ khởi nghiệp vì sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững (24/11/2024)
Mua sắm mùa Giáng sinh, khách hàng muốn trực tiếp “mắt thấy, tay cầm”
VOV.VN - Nhật Bản là quốc gia có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam lớn nhất trong năm qua với tổng vốn đăng ký gần 8 tỉ USD.
Vốn FDI của Nhật Bản chiếm 31% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp số dự án đầu tư mới của Nhật Bản vào Việt Nam tăng và đạt kỷ lục với 630 dự án; là năm thứ 4 liên tiếp tỉ lệ doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng đầu tư tại Việt Nam tăng.
Hiện nay, tín hiệu này càng lạc quan hơn khi nhiều doanh nghiệp Nhật Bản có xu hướng chuyển đầu tư sang các nước Đông Nam Á, Việt Nam là một địa chỉ được quan tâm hàng đầu.
Hơn một nửa các doanh nghiệp Nhật Bản tại tỉnh Ishikawa (Nhật Bản) được hỏi cho biết đang có xu hướng chuyển cơ sở sản xuất sang các nước Đông Nam Á. Trong đó, Việt Nam luôn là điểm chọn lựa tin cậy. Ông Tanimoto Masanori, Thống đốc tỉnh Ishikawa trong buổi làm việc gần đây với Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã thông tin kết quả mới nhất sau cuộc khảo sát các doanh nghiệp trên địa bàn có vốn đầu tư nước ngoài. Ông Tanimoto Masanori nêu rõ: Việt Nam nổi lên là đất nước được ưa thích, tin cậy của các doanh nghiệp Nhật Bản.
“Chúng tôi gần đây đã làm cuộc khảo sát, kết quả là có quá một nửa số doanh nghiệp cho biết rằng thay vì tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc thì họ muốn chuyển sang thị trường Đông Nam Á. Trong đó có rất nhiều doanh nghiệp chú trọng đặc biệt vào thị trường Việt Nam. Và theo như khảo sát thì các doanh nghiệp có ý kiến thống nhất rằng là người lao động Việt Nam làm việc rất chăm chỉ, chịu khó; có kỹ năng, kỹ thuật cao” - ông Tanimoto Masanori nói.
Ông Tanimoto Masanori, Thống đốc tỉnh Ishikawa (người ngồi đầu tiên từ bên phải sang) cho biết, các doanh nghiệp Nhật đang quan tâm rất lớn đến Việt Nam. |
Trước đó, hồi đầu năm nay, thông tin Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) công bố tại Hà Nội cho thấy có tới 70% doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn mở rộng sản xuất tại Việt Nam, tỷ lệ cao nhất trong các nước là đối tượng khảo sát.
Riêng tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tính đến tháng 10-2018, khu vực này đã thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Nhật Bản với 169 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 2,2 tỷ USD, chiếm 10,5% trong tổng vốn FDI toàn vùng. Riêng tại Cần Thơ, có 7 dự án FDI từ Nhật Bản với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 12 triệu USD.
Chương trình giao lưu văn hóa và Thương mại Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 4 tại TP Cần Thơ. |
Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ, khu vực ĐBSCL có thế mạnh về nông nghiệp, trong khi Nhật Bản rất mạnh về công nghệ. Điều này cũng phù hợp với định hướng phát triển và tái cơ cấu ngành nông nghiệp của ĐBSCL là sản xuất nông nghiệp bền vững, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao:
“Về kinh tế, đây là vùng tăng trưởng cao nhất của Việt Nam. Tăng trưởng bình quân là 7,8%/năm. Hiện nay ngành chính vẫn là chế biến nông sản và thủy sản. 50% sản lượng tôm là xuất khẩu sang Nhật Bản. Như vậy, về hợp tác với Nhật Bản thì chưa có nhiều doanh nghiệp Nhật đầu tư vào so với các vùng khác như Hà Nội hay TPHCM. Tuy nhiên, tín hiệu tốt là doanh nghiệp Nhật hiện bắt đầu quan tâm nhiều hơn” - ông Nguyễn Phương Lam cho biết.
Ông Lam phân tích: Đối với lĩnh vực nông nghiệp, vùng ĐBSCL có triển vọng lớn trong việc hợp tác với doanh nghiệp Nhật để tạo thành một vành đai sản xuất nông sản sạch, an toàn; đồng thời, xuất khẩu sang các nước thứ 3. Tuy nhiên, khu vực ĐBSCL cũng cần phải nỗ lực tiếp về đầu tư hạ tầng cũng như vấn đề về chính sách và tìm kiếm các cơ hội để khai thác dòng vốn đầu tư của Nhật nhiều hơn.
Khu công nghiệp hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản tại Cần Thơ có quy mô giai đoạn 1 hơn 30 ha khánh thành năm 2018. |
Đón đầu làn sóng đầu tư này, ông Phạm Thế Vinh - Giám đốc Sở Ngoại vụ Cần Thơ trong chuyến làm việc tại một số địa phương của Nhật Bản đã thông tin: Nhật Bản là quốc gia đầu tiên được chính quyền thành phố Cần Thơ có nhiều ưu đãi. Trong đó, Khu công nghiệp hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản tọa lạc ở phường Tân Phú, quận Cái Răng có quy mô giai đoạn 1 hơn 30 ha là một minh chứng rõ nét. Hiện nay, hạ tầng giao thông, hệ thống cấp thoát nước, điện chiếu sáng… trong khu công nghiệp này đã được đầu tư hoàn thiện, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu mặt bằng xây dựng nhà xưởng cho các doanh nghiệp Nhật Bản.
Ông Okamoto Akihiro, chủ doanh nghiệp chuyên sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp cho biết, ĐBSCL có nhiều thế mạnh về tài nguyên biển, đất đai phì nhiêu, khí hậu, khoáng sản. Chính vì vậy, thời gian qua nhiều doanh nghiệp Nhật muốn tìm cơ hội đầu tư, hợp tác với Cần Thơ và vùng ĐBSCL.
“Đây là lần thứ 3 tôi đến Cần Thơ, qua nhiều lần đến đây thì tôi thấy có những cách làm chỉ Việt Nam có mà bên Nhật không có. Không chỉ như những dạng như thực phẩm, trái cây nông nghiệp mà tôi nghĩ là ở Cần Thơ có những cái mà tôi nghĩ có thế mạnh như sản xuất phân bón để xuất sang Nhật. Bán ở bên Nhật cũng được tôi nghĩ đó là hình thức liên kết mới giữa Cần Thơ và các địa phương của Nhật Bản” - ông Okamoto Akihiro nói
Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và thành phố Cần Thơ làm việc với một số doanh nghiệp Nhật. |
Ông Võ Tấn Thành, Phó chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam cho biết, với kết quả khảo sát có gần 70% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng sản xuất tại Việt Nam, tỷ lệ cao nhất trong các nước được khảo sát đã phản ánh rõ môi trường kinh doanh ổn định của, cũng như tính hấp dẫn của thị trường Việt Nam đối với các doanh nghiệp Nhật. Đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ, thì Việt Nam đảm bảo được sự ổn định và an toàn cho môi trường đầu tư đối với doanh nghiệp nước ngoài nói chung, doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng.
“Đây là thời điểm rất tốt để đầu tư. Chính phủ Việt Nam đang rất quyết liệt cải cách thủ tục hành chính và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Cụ thể, Chính phủ đã cắt giảm trên 50% các điều kiện kinh doanh. Các chỉ số, môi trường kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện theo đánh giá của Ngân hàng thế giới. Tôi mong rằng trong thời gian tới, các doanh nghiệp Nhật tiếp tục tăng cường đầu tư sang Việt Nam. Bởi vì quan hệ giữa 2 nước đang ở thời kỳ tốt đẹp nhất” - ông Võ Tấn Thành nói.
Sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư thể hiện qua các con số thống kê cho thấy những tín hiệu đáng mừng. Bởi theo các chuyên gia, FDI Nhật Bản kéo theo những cơ hội hợp tác thương mại. Khi khả năng kết nối với thị trường này ngày càng lớn, thì không chỉ doanh nghiệp Nhật muốn đầu tư vào Việt Nam, mà ngay cả những nhà đầu tư nước ngoài ở các quốc gia khác muốn “với tay” tới các thị trường Nhật cũng sẽ dốc vốn đầu tư vào Việt Nam. Vấn đề ở đây là chất lượng, là sự lựa chọn để bảo đảm đúng định hướng ngành, lĩnh vực và dự án ưu tiên./.
Việt Nam-Nhật Bản ký Bản ghi nhớ hợp tác triển khai Chính phủ điện tử
Sắp diễn ra giao lưu văn hóa, thương mại Việt Nam– Nhật Bản
Từ khóa: Việt Nam - Nhật Bản, vốn đầu tư nước ngoài, FDI, VCCI, đầu tư trực tiếp nước ngoài
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN