Sinh viên Lào dí dỏm ví bánh chưng là món "gạo luộc"
Cập nhật: 13/02/2021
Bắt giữ hai thanh niên vận chuyển pháo lậu
Giám đốc Công an Hà Nội chỉ đạo điều tra vụ 2 người tử vong nghi do ngộ độc
[VOV2] - Dịch Covid-19 khiến cho nhiều sinh viên quốc tế đang học tập, nghiên cứu tại các trường Đại học Việt Nam không thể trở về nước khi nghỉ Tết âm lịch. Tuy nhiên, đây lại là cơ hội thú vị để họ được trải nghiệm tết cổ truyền của Việt Nam.
10 năm học tập, nghiên cứu tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), đây là năm đầu tiên chị Phayvanh Phanthachith, quốc tịch Lào đón tết cổ truyền Việt Nam. Dịch Covid-19 khiến hành trình về nước trong khoảng thời gian này thật khó khăn. Chị Phayvanh Phanthachith quyết định sẽ ở lại Việt Nam để vừa đảm bảo sức khỏe và cũng là một dịp trải nghiệm tết cổ truyền Việt Nam trước khi chị hoàn thành bảo vệ luận án tiến sĩ trong năm 2021.
"Tết cổ truyền của Việt Nam và Lào khác nhau một chút. Lào ăn Tết vào tháng Tư, là Tết té nước, trời nóng còn Việt Nam vào tháng 1, chủ yếu là xum họp, thăm hỏi anh em, bạn bè. Dù khác nhau nhưng văn hóa truyền thống cũng gần giống nhau" - Chị Phayvanh chia sẻ.
Ăn tết cổ truyền ở Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, chị Phayvanh cùng lưu sinh viên Lào ở KTX Mễ Trì được tham gia nhiều hoạt động đón năm mới. Trong đó chị thích nhất là hoạt động gói bánh chưng. Lần đầu tiên gói bánh cổ truyền của Việt Nam, chị Phayvanh khá thích thú, chị mô tả, bánh chưng giống như là gạo được cho lên luộc vậy. Nghĩ thì đơn giản nhưng khi bắt tay vào làm rất khó.
Suốt 4 năm học tập, nghiên cứu tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), Phongphet Sisavengsouk cũng chưa ở lại ăn tết tại Việt Nam lần nào. Dịch Covid-19 kéo dài suốt năm 2020 khiến anh chưa có dịp trở về nước.
"Dịch Covid đang diễn ra phức tạp lắm nên chính phủ Lào và Việt Nam đều ra thông báo hạn chế di chuyển, ai ở đâu ở đó nên mình không về. Tất nhiên không được về nước vào dịp này cũng rất nhớ nhà, nhớ đất nước. Tuy nhiên ở lại cũng vui mà. Mình hiểu về đất nước, con người nơi mình đang học tập hơn." - Phongphet Sisavengsouk cho biết.
Đây là năm đầu tiên KTX Mễ Trì, ĐHQG Hà Nội có số lượng sinh viên nước ngoài ở lại ăn Tết đông nhất, khoảng 60 sinh viên, chủ yếu là quốc tịch Lào. Ông Nguyễn Đại Thắng, Trưởng ban quản lý KTX Mễ Trì, ĐHGQ Hà Nội cho biết, KTX cũng như các cơ sở đào tạo hỗ trợ tối đa cho sinh viên nước ngoài, đảm bảo người Việt đón tết thế nào thì bạn bè, sinh viên nước ngoài đón tết như vậy.
"Chúng tôi cũng kết hợp với các đơn vị đào tạo tặng quà, chúc các em có một cái tết tại KTX an lành và hạnh phúc. Chúng tôi cũng phối hợp với bệnh viện ĐHQG để đảm bảo an toàn, sức khỏe cho các lưu học sinh ăn Tết, phòng chống dịch Covid-19". - Ông Nguyễn Đại Thắng cho biết.
Điều tiếc nuối theo chia sẻ của ông Nguyễn Đại Thắng là do dịch Covid-19 khiến cho nhiều hoạt động tập trung đón Tết Nguyên đán dự kiến tổ chức đã bị hủy hoặc hạn chế số người. Song, Ban KTX cố gắng tạo một cái tết ấm cúng cho những sinh viên sống xa tổ quốc.
"Ban KTX đã tổ chức hai hoạt động là thi sắp mâm ngũ quả và gói bánh chưng. Nếu không có dịch Covid thì chắc chắn toàn bộ lưu sinh viên nước ngoài sẽ tham gia. Hoạt động này cũng nhằm giúp các bạn sinh viên, học viên nước ngoài hiểu về văn hóa của Việt Nam và thêm tin, yêu nơi mình đang học tập, sinh sống." - Ông Thắng chia sẻ.
Dù quốc tịch khác nhau, văn hóa khác nhau nhưng tết cổ truyền của Việt Nam vẫn mang đến cho bạn bè, sinh viên quốc tế không khí ấm áp của năm mới, của mùa xuân, giúp họ phần nào bớt nỗi nhớ quê hương, đất nước.
Từ khóa: Tết nguyên đán, lì xì, sinh viên nước ngoài, Đại học quốc gia Hà Nội, năm mới
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2