Sinh viên Điện Biên với ý tưởng khởi nghiệp từ gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc
Cập nhật: 30/09/2021
Bến Tre: Tưng bừng lễ hội Hoa - kiểng “Sắc màu Chợ Lách”
Vietnam attracts global travelers for Lunar New Year celebrations
VOV.VN - Nhằm góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống các dân tộc Việt Nam nói chung và dân tộc thiểu số tại tỉnh Điện Biên nói riêng, nhiều nhóm học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên đã xây dựng các ý tưởng khởi nghiệp mang tính thực tiễn, được đánh giá cao.
Tháng 6 năm 2021, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) phát động cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp” - Startup Kite 2021. Mục tiêu là nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, kích thích khả năng sáng tạo, tư duy năng động, truyền nguồn cảm hứng kinh doanh và trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên.
Sau 3 tháng phát động, hơn 1.500 ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp đã gửi đến cuộc thi. Qua vòng sơ loại, Ban tổ chức đã lựa chọn hơn 200 dự án thuộc 59 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại 33 tỉnh, thành phố vào Vòng Bán kết.
Tại vòng này, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật tỉnh Điện Biên có 2 dự án, gồm "DTEC - Gìn giữ nghề thêu truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên" và "Ứng dụng du lịch kết nối - về nguồn Điện Biên phục vụ người lớn tuổi, cựu chiến binh (app Truly DienBien)" được lựa chọn tham gia tranh tài.
Bạn Lò Thị Chiêm, thành viên nhóm dự án "Ứng dụng du lịch kết nối - về nguồn Điện Biên phục vụ người lớn tuổi, cựu chiến binh (app Truly DienBien)" cho biết: là tỉnh miền núi xa xôi, giao thông chưa thuận tiện, để du khách đến với Điện Biên, nhất là những người lớn tuổi, cựu chiến binh rất khó khăn. Nhằm góp phần tuyên truyền, quảng bá và giới thiệu hình ảnh, cảnh quan, văn hóa Điện Biên, đặc biệt là các di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ một cách chân thực, sinh động, nhóm đã hình thành dự án, xây dựng Website, tạo ứng dụng kết nối với những người lớn tuổi, cựu chiến binh, giúp họ có thể ngồi tại nhà mà vẫn có cảm giác như đang đi tham quan, trải nghiệm thực tế tại các khu di tích lịch sử tại Điện Biên.
Theo đó, người dùng khi truy cập Website có thể tra cứu thông tin khi không đến thăm trực tiếp (du lịch ảo); hoặc có thể tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm các giá trị lịch sử, văn hoá của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, cũng như tham quan, tìm hiểu bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc... Ngoài ra, du khách cũng có thể tra cứu, cập nhật thông tin mới nhất liên quan đến du lịch Điện Biên, các chương trình khuyến mãi, ưu đãi, lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ (nhà hàng, khách sạn, hướng dẫn viên, điểm vui chơi...) để đưa ra lựa chọn phù hợp trong trường hợp muốn đến thăm trực tiếp Điện Biên.
Trong và sau khi sử dụng dịch vụ, khách hàng có thể nêu ý kiến đánh giá, phản hồi, nhận xét của mình ngay trên ứng dụng và hình ảnh chụp trực tiếp tại chỗ để phản ánh về chất lượng dịch vụ.
Bạn Lò Duy Hùng, một thành viên khác của nhóm chia sẻ: để sử dụng, khách du lịch có thể tải ứng dụng trên App Store dành cho hệ điều hành iOS, hoặc CH Play dành cho hệ điều hành Android (sẽ bao gồm 2 phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh), hoặc trải nghiệm trực tiếp trên Website: http://www.venguondienbien.vn phiên bản tiếng Việt, hay http://ww.trulydienbien.com phiên bản tiếng Anh.
Riêng đối với dự án “DTEC - Gìn giữ nghề thêu truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên”, các thành viên tham gia thực hiện ý tưởng đều là học sinh, sinh viên nữ dân tộc thiểu số đang theo học tại Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật tỉnh Điện Biên.
Bạn Mùa Thị Liên, một thành viên của nhóm cho biết: Hiện nay, nghề thêu truyền thống của các dân tộc thiểu số đang dần mai một. Số bạn trẻ biết thêu rất ít và có biết cũng chỉ thêu được những hoa văn, họa tiết đơn giản trên trang phục do bà hoặc mẹ đã phác thảo nét vẽ. Từ thực tế này, nhóm đã có ý tưởng phải gìn giữ nghề thêu truyền thống của dân tộc mình.
Về phát triển quy mô dự án, Trưởng nhóm Quàng Thị Hím chia sẻ: dự án đã được nhóm thử nghiệm thực hiện từ tháng 4 đến tháng 8/2021. Hình thức tổ chức sản xuất là tận dụng các bạn nữ dân tộc (những người đã được học thêu từ các bà, các mẹ) để làm ra sản phẩm; hoặc thu gom sản phẩm từ người thân trong gia đình sản xuất. Phân khúc khách hàng sẽ tập trung vào khách đến tham quan du lịch tại tỉnh Điện Biên, hoặc các khách hàng yêu thích đồ thêu truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Sản phẩm sẽ được phân phối trực tiếp đến khách hàng, hoặc gửi bán tại các điểm du lịch, hay tại một số nhà hàng, khách sạn ở thành phố Điện Biên Phủ. Từ năm thứ 2 sẽ kết hợp với các bạn am hiểu công nghệ thông tin lập trang Web giới thiệu sản phẩm; giới thiệu qua các trang mạng xã hội, hoặc liên kết với các trung tâm xúc tiến du lịch của các tỉnh trong cả nước để giới thiệu sản phẩm, cũng như quảng bá cho nghề thêu tay truyền thống...
Không chỉ giúp các nữ học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số nâng cao ý thức giữ gìn nghề thêu truyền thống của dân tộc mình, việc dự án mở rộng quy mô sẽ góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho những phụ nữ dân tộc nghèo biết thêu trên địa bàn tỉnh, bởi ngay trong 4 tháng thực hiện thử nghiệm dự án, nhóm đã bán được 140 sản phẩm ra thị trường.
Phát biểu tại lễ khai mạc Vòng bán kết cuộc thi vừa diễn ra mới đây, đại diện Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, ông Trần Anh Vương đã nhấn mạnh: Đất nước khởi nghiệp thành công dựa vào các bạn trẻ khởi nghiệp. Khởi nghiệp để sống cuộc sống có ích không chỉ cho bản thân mà còn cho xã hội. Do đó, những ý tưởng khởi nghiệp mang tính ứng dụng thực tế nhằm giữ gìn các nét văn hóa truyền thống như tại Điện Biên rất cần được lan tỏa và chắp cánh bay xa thành công./.
Từ khóa: Điện biên, sinh viên, văn hóa truyền thống, dân tộc thiểu số
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN