Sinh kế mới cho ngư dân - chìa khóa từ chính sách chuyển đổi nghề
Cập nhật: 2 giờ trước
Mưa trái mùa làm đổ ngã nhiều trà lúa trên đất tôm sắp thu hoạch ở Bạc Liêu
Ngân hàng Nhà nước: sẽ có khoảng 340.000 tỷ đồng được tiếp thêm cho nền kinh tế (16/12/2024)
VOV.VN - Nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp và áp lực từ các quy định quốc tế về khai thác bền vững, nhiều ngư dân đang đối mặt với khó khăn trong việc duy trì sinh kế từ biển. Chuyển đổi nghề cho ngư dân không chỉ là giải pháp cấp bách mà còn là bước đi chiến lược nhằm đảm bảo đời sống ổn định và phát triển kinh tế lâu dài.
Ông Vũ Duyên Hải, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: Trong những thập kỷ qua, kinh tế thủy sản đã có những bước phát triển vượt bậc, đóng góp 25% GDP cho ngành nông nghiệp, góp phần đưa Việt Nam lọt top 3 quốc gia xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới, sản phẩm thủy sản của Việt Nam đã có mặt tại gần 170 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tuy nhiên, ngành thủy sản nói chung và nghề khai thác hải sản đang đứng trước thách thức của biến đổi khí hậu, rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu, quy mô nghề cá nhỏ, manh mún, lạc hậu... Nguồn lợi thủy sản hiện nay suy giảm khoảng 20% so với 20 năm trước do hoạt động khai thác vượt ngưỡng.
“Một trong những nguyên nhân của tình trạng suy giảm nguồn lợi thủy sản là do mất cân đối giữa khai thác và khả năng phục hồi của nguồn lợi. Tài nguyên hải sản xa bờ của Việt Nam rất phong phú, trong khi đội tàu nước ta năng lực yếu, chủ yếu khai thác ven bờ, vùng lộng, cường lực khai thác vượt ngưỡng cho phép” - ông Vũ Duyên Hải nói.
Thực hiện mục tiêu phát triển thủy sản bền vững, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành và các địa phương đã ban hành nhiều chính sách, đề án, chương trình xoay quanh 3 trụ cột: giảm khai thác, tăng nuôi trồng và đẩy mạnh bảo tồn biển, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản.
Một trong những chính sách quan trọng là “Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 208/QĐ-TTg, ngày 10/3/2023. Theo đó, ưu tiên chuyển đổi các nghề khai thác xâm hại, nghề khai thác ven bờ sang các sinh kế thay thế, đi cùng với các hoạt động đào tạo, tập huấn cho ngư dân, đưa chủ tàu, ngư dân hoạt động riêng lẻ vào các HTX, chuỗi liên kết để tăng hiệu quả nghề khai thác thủy sản.
Theo ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận, thời gian qua, Bình Thuận đã thực hiện các giải pháp chuyển đổi nghề như cấm đóng mới, chuyển nhượng tàu lưới rê, cấm các nghề lặn khai thác 8 loài đặc sản trong 4 tháng; thông qua việc thành lập các tổ đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khuyến khích ngư dân chuyển sang các ngành nghề thân thiện với môi trường.
Mặc dù vậy, công tác chuyển đổi nghề khai thác hải sản trên địa bàn gặp nhiều khó khăn bởi hầu hết các hộ là những ngư dân hàng chục năm gắn bó với nghề, nguồn thu nhập từ biển nuôi sống cả gia đình, trình độ dân trí thấp nên rất khó chuyển đổi sang nghề khác.
“Chuyển đổi nghề cho ngư dân là một quá trình phức tạp, ảnh hưởng đến sinh kế, đời sống và cả văn hóa truyền thống của họ. Để ngư dân yên tâm và sẵn sàng chuyển đổi nghề, cần có những chính sách cụ thể và thiết thực từ phía Nhà nước và các cơ quan chức năng” - ông Huỳnh Quang Huy nêu ý kiến.
Thực hiện Đề án chuyển đổi nghề, cắt giảm tàu cá, Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh đang tham mưu cho tỉnh tổ chức đánh giá nguồn lợi, xây dựng cơ cấu nghề khai thác hợp lý, cơ cấu lao động phù hợp với điều kiện tự nhiên, nguồn lợi thủy sản, đặc điểm kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ông Nguyễn Trọng Nhật, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh thông tin, trước mắt sẽ ưu tiên chuyển đổi các tàu khai thác gần bờ kém hiệu quả: “Tỉnh phải có chính sách mạnh, rõ ràng, để hỗ trợ người dân trong việc chuyển đổi. Nhất là đội ngũ thanh niên trẻ ở các xã đánh bắt thủy sản sang làm trong các khu công nghiệp, hoặc xuất khẩu lao động. Đây là giải pháp mà tỉnh Hà Tĩnh thực hiện có hiệu quả trong 1-2 gần đây”.
Theo Cục Thủy sản, sau hơn 3 năm thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản và gần 2 năm triển khai thực hiện Đề án chuyển đổi nghề, chính quyền các cấp, các thành phần kinh tế đã triển khai xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược, Đề án chuyển đổi nghề và thực hiện một số mô hình chuyển đổi sinh kế tại các cộng đồng ngư dân ven biển theo hướng giảm khai thác, tăng nuôi trồng và đẩy mạnh bảo tồn biển, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Từ đó, số lượng tàu cá toàn quốc đã giảm 2.100 tàu từ năm 2022 đến nay (trung bình giảm 0,6 %/năm). Tuy nhiên, quá trình này chủ yếu giảm “cơ học” do giải bản tự nhiên, tàu chìm đắm, bị bắt giữ, phá hủy. Từ thực tế số lượng tàu khai thác được chuyển đổi nghề còn rất thấp; một số mô hình chuyển đổi nghề đã được triển khai thực hiện nhưng đạt hiệu quả chưa cao.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản đề nghị các địa phương: “Các văn bản, chủ trương đã có đầy đủ. Nhiệm vụ của chúng ta phải rà soát lại công việc được giao trong kế hoạch để tham mưu cho tốt. Tôi cho rằng việc chuyển đổi nghề cá ven bờ sang một số hình thức có thể là tổ đồng quản lý, HTX dịch vụ hoặc một mô hình phù hợp nhất. Mục tiêu là tạo được công ăn việc làm, có thu nhập cho người dân và phát triển bền vững”.
Để đảm bảo mục tiêu phát triển ngành thủy sản bền vững, giảm tàu khai thác, chuyển đổi nghề phải song hành với phát triển nuôi trồng thủy sản; bảo tồn biển, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản; đẩy mạnh triển khai mô hình bảo tồn biển gắn với du lịch khám phá, trải nghiệm.
Từ khóa: thủy sản, sinh kế mới, ngư dân, chuyển đổi nghề, thủy sản, nguồn lợi thủy sản
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: hương giang/vov1
Nguồn tin: VOVVN